Nhún nhường trong tư thế cứng

Thái An |

Cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thể hiện sự nhượng bộ chưa từng thấy: Tuyên bố chấp nhận mất đất để đổi lấy hòa bình.

Ông Zelensky bày tỏ sẵn sàng xem xét việc gia nhập NATO như một phần trong khuôn khổ giải quyết xung đột, ngay cả khi một số vùng lãnh thổ tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của Nga . Đây là sự chuyển hướng sang cách tiếp cận thực tế để đảm bảo tương lai của Ukraine trong các cấu trúc an ninh phương Tây, dù việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ sẽ được hoãn lại. Đề xuất này phù hợp với mục tiêu bảo vệ chủ quyền của Ukraine hiện nay và lợi ích chiến lược của NATO trong việc ngăn chặn bất ổn tiếp diễn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một nhà ngoại giao Nga nói: “Ban đầu đọc tin trên báo chí phương Tây rằng ông Zelensky tuyên bố chấp nhận mất khoảng 1/5 lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, tôi không tin và cho rằng đây là một trò đùa, trò lố của truyền thông phương Tây vì một lẽ đơn giản, ông này luôn kiên quyết giữ đất, thậm chí đòi lại các vùng lãnh thổ đã được sáp nhập vào Nga hoặc đang nằm dưới sự quản lý của Nga. Sau khi đọc lại và xem cả video clip thì tôi tin có đề xuất thay đổi 180 độ như vậy, nhưng điểm mấu chốt không phải nằm ở chỗ ông Zelensky chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ vì đây là điều tất yếu, Nga sẽ không bao giờ từ bỏ những vùng đất đã sáp nhập hoặc đổ nhiều xương máu để nắm giữ, như Crimea, Donetsk, Kherson, Luhansk, Zaporizhzhia”.

Ngoài ra, Ukraine đang ở thế rất bị động, rất yếu ở trên chiến trường, càng kéo dài giao tranh, Ukraine sẽ càng mất đất và tháng 1 tới, khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, ông sẽ quyết định dừng, hoặc ít nhất là giảm thiểu viện trợ cho Ukraine, tìm cách chấm dứt chiến tranh và tăng phí an ninh của các thành viên NATO. Vì vậy, điểm chính yếu trong đề xuất của ông Zelensky không phải ở chỗ nhượng bộ về lãnh thổ mà ở chỗ nêu điều kiện tiên quyết là NATO mời Ukraine, phần chưa bị chiếm đóng, gia nhập tổ chức này. Đây là điều chỉ có trong mơ vì cả Nga và NATO đều không chấp nhận được”.

Nga từ lâu coi việc NATO mở rộng là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Đề xuất đưa các vùng lãnh thổ Ukraine do Kiev kiểm soát vào ô dù của NATO có khả năng làm gia tăng lo ngại của Mátxcơva, dẫn đến các biện pháp đối phó quyết liệt hơn thay vì hòa dịu. Các tuyên bố trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy bất kỳ động thái nào liên quan đến NATO gần biên giới Nga đều có thể kích động sự leo thang. Mátxcơva có thể xem đề xuất của Kiev như một sự thừa nhận rằng Ukraine không thể lấy lại các khu vực đã bị Nga sáp nhập, chiếm đóng bằng quân sự, nhưng Nga vẫn sẽ chống lại các cuộc thương lượng ngoại giao để trả lại các vùng đất này trong tương lai. Điện Kremlin có thể kéo dài quá trình đàm phán để giữ vững lợi thế lãnh thổ hiện tại, sử dụng các khu vực chiếm đóng như con bài mặc cả trong các cuộc thảo luận sau này.

NATO có thể hỗ trợ thận trọng ý tưởng cho Ukraine gia nhập một phần, bao gồm các vùng lãnh thổ còn do Kiev kiểm soát. Tuy nhiên, điều khoản phòng thủ chung (Điều 5) của NATO đặt ra thách thức liên quan đến các khu vực còn tranh chấp hoặc bị chiếm đóng. Các quốc gia thành viên NATO có thể e ngại rủi ro đối đầu trực tiếp với Nga. Ngoại giao Ukraine đã thúc giục các đối tác NATO trong tuần này gửi lời mời Kiev gia nhập khối. 32 quốc gia thành viên NATO có thể gặp bất đồng nội bộ về việc có nên đưa ra lời mời này hay không. Các quốc gia có lập trường cứng rắn với Nga, như Ba Lan và các nước Baltic, có thể ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Zelensky, trong khi nhiều nước khác có khả năng chủ trương các phương án thận trọng hơn.

Việc chấp nhận một phần Ukraine vào NATO có thể củng cố ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực và ngăn chặn Nga trong tương lai tấn công các khu vực do Kiev kiểm soát. Các quốc gia phương Tây đóng vai trò quyết định trong diễn biến chiến tranh. Đề xuất Ukraine gia nhập NATO trước khi kết thúc xung đột nhằm đảm bảo khả năng răn đe ngay lập tức nhưng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Nga. Trong khi đó, các áp lực từ bên ngoài, như sự thay đổi chính sách của Mỹ thời Trump 2.0, gánh nặng kinh tế toàn cầu do xung đột kéo dài, có thể ảnh hưởng đến tính toán của cả Kiev và Mátxcơva. Các yếu tố như nguồn lực quân sự cạn dần, kinh tế yếu dần do bị trừng phạt kéo dài có thể thúc đẩy Nga về phía bàn đàm phán, nhưng chỉ khi nước này nhận thấy không còn con đường nào để đạt được thêm lợi ích trên chiến trường.

Nếu không có những thay đổi đáng kể về hoàn cảnh quân sự hoặc chính trị, việc giải quyết xung đột trong ngắn hạn là khó xảy ra. Tuy nhiên, nỗ lực tiếp tục tạo ra các động lực đối thoại và ngăn chặn leo thang vẫn rất quan trọng để đạt được tiến triển trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại