Nhu cầu tuyển dụng tài xế, shipper tăng mạnh

Hải Đăng |

Trong giai đoạn bình thường mới, nhu cầu tuyển dụng tài xế và lực lượng giao hàng tại các doanh nghiệp tăng vượt hơn nguồn cung.

Mảng việc làm của Chợ Tốt vừa công bố báo cáo về biến động thị trường lao động phổ thông trước tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và xu hướng phục hồi trong giai đoạn hậu giãn cách. Báo cáo dựa trên số liệu phân tích dữ liệu của nền tảng này.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lực lượng tài xế và giao hàng (2 bánh, 4 bánh) tăng mạnh trong giai đoạn bình thường mới, đạt mức 57% so với bình thường. Ngược lại, số tin tìm việc ở mảng này lại giảm hẳn so với trước.

Ở giai đoạn trước dịch, nhu cầu tìm việc ở mảng vận tải thường cao hơn so với nhu cầu tuyển dụng.

Nhu cầu tuyển dụng tài xế, shipper tăng mạnh - Ảnh 1.

Nhu cầu tuyển dụng tài xế, nhân viên giao hàng tăng cao kể từ đại dịch đến hiện nay. Trong ảnh: một nhân viên giao bình gas đang chờ giao hàng cho khách trong giai đoạn TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. (Ảnh: Hải Đăng)

Lý giải về việc này, phía Chợ Tốt cho hay thời điểm hiện tại lực lượng lao động phổ thông đang có sự chuyển đổi ngành nghề. Do nhóm ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn, quán ăn và bán hàng chịu ảnh hưởng từ đại dịch nên họ chuyển sang các nhóm ngành có tốc độ phục hồi nhanh, như công nhân; hoặc ngành ít chịu tác động bởi dịch Covid-19 như giao nhận vận tải hàng hoá bằng xe máy hoặc ô tô.

Báo cáo này của Chợ Tốt không bao gồm lực lượng shipper công nghệ, vì các hãng và tài xế thường làm việc trực tiếp với nhau.

Số liệu cho thấy nhu cầu tuyển dụng công nhân tăng cao nhất trong nhóm ngành lao động phổ thông, đạt mức 66%, trong khi nhu cầu tìm việc lại giảm 24% so với trước.

Ở phía ngược lại, nhóm ngành bán hàng và nhân viên nhà hàng, khách sạn giảm mạnh cả về nhu cầu tuyển dụng lẫn số đơn tìm việc.

Nhu cầu tuyển dụng tài xế, shipper tăng mạnh - Ảnh 2.

Nhu cầu tìm việc và tuyển dụng của một số nhóm ngành lao động phổ thông từ trước và sau dịch. (nguồn: Chợ Tốt)

Theo thống kê chung, trong thời gian hậu giãn cách, tốc độ phục hồi tuyển dụng từ phía nhà tuyển dụng chậm hơn so với nhu cầu tìm việc của người lao động.

Nguyên nhân đến từ việc nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã đóng cửa do gồng gánh hoạt động không có kết quả trong các tháng giãn cách hoặc nhà tuyển dụng ưu tiên liên hệ nhân sự cũ đã nghỉ trong thời gian giãn cách, hay bổ sung thêm ca thêm việc cho nhóm nhân sự hiện tại nên chưa có nhu cầu tuyển mới.

Theo khảo sát người dùng vào tháng 10/2021, chỉ có 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại TP.HCM làm việc, 42% còn lại đều khẳng định không quay lại. Đây là dịp cho người lao động đánh giá lại cơ hội nghề nghiệp ở quê nhà để gần gia đình và người thân, nhiều người thử kinh doanh tự do hoặc làm cho các khu công nghiệp mới thành lập những năm gần đây.

Tuy nhiên, sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ vẫn tập trung nhiều ở một số thành phố lớn, lượng công việc đang có sẵn ở nhiều địa phương dù tăng nhưng khó đáp ứng được hết lượng lao động gia tăng đột biến trong khu vực.

Với khả năng không tìm được việc ở quê nhà, nhu cầu quay lại của người lao động dự đoán sẽ tăng ngay sau Tết sau khi nhóm lao động này nghỉ ngơi một thời gian và thử việc tại địa phương.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 3 năm 2021, tổng cộng 21.194 doanh nghiệp đóng cửa, 28.2 triệu lao động bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc, giảm lương. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, có ít nhất 1,3 triệu người rời các thành phố lớn về quê tránh dịch, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp về nhân lực trong giai đoạn hậu giãn cách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại