Chứng khoán VNDirect (VND) trong báo cáo nông nghiệp mới công bố kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt tăng 10-15% trong quý 4/2022 so với cùng kỳ. Nguyên nhân do đây là mùa tiêu thụ cao điểm khi Tết Nguyên đán đến gần.
9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết giảm 31% so với cùng kỳ; khấu trừ chi phí lợi nhuận ròng giảm 6,2%. Trong đó, VND cho rằng Chăn nuôi BaF (BAF) chủ động cắt giảm doanh thu từ mảng kinh doanh nông sản và Masan MEATLife (MML) không còn ghi nhận doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi đã góp phần lớn làm sụt giảm tổng doanh thu.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận gộp cũng giảm 31% trong kỳ do giá nguyên liệu đầu thức ăn chăn nuôi tăng cao và giá bán lợn thấp hơn. Giá lúa mì, ngô và khô đậu tương đã tăng mạnh 37,9%/19,8%/10,7% so với cùng kỳ.
Sang năm 2023, VND cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ: (1) tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ lên khoảng 20,8% vào năm 2023 và (2) lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý 2/2023 và 100% trong quý 4/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Do đó, VND cho rằng các nhà sản xuất thịt sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong 2023.
Song song, giá lợn cũng được kỳ vọng tăng 5% trong năm 2023 nhờ nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi cũng như sự thiếu hụt nguồn cung. Khi, hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Thống kê đến nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.
Mặt khác, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm, CTCK này cũng dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023 như Dabaco (DBC), MEATLife (MML), Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Chăn nuôi BaF (BAF).
Cụ thể, VND cho rằng giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do:
+ Lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung;
+ ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này;
+ giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng. Theo quan điểm của VND, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, đơn vị này cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023.
Dù vậy, vẫn còn đó rủi ro ngành bao, gồm căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu.
Hay dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 53 ổ dịch tại 53 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh là 3.164 con, tổng số lợn chết là 3.259 con. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.