Nhọt miệng và cách xử trí

BS. Vũ Hồng Ngọc |

Cháu năm nay 24 tuổi, cháu đang bị lên 1 cái nhọt ở trong miệng phần dưới môi, nó không đau nhưng mụn đó không mất đi, cháu rất lo lắng.

Nguyễn Việt Hoa ([email protected])

Theo thư mô tả, có thể đó là nang của niêm mạc miệng. Nang là một u giả lành tính, phát triển chậm. Là một bọc được lát bởi mô bì và bao quanh là vách mô liên kết. Chứa chất lỏng hay sền sệt do các tế bào thoái hóa hay từ sự phân tiết của những mô bao bọc nang.

Trên lâm sàng gặp các thể nang như:

Nang nghẽn:

Do chấn thương làm xây xát ống dẫn tuyến nước bọt phụ, nước bọt chảy ra mô lân cận tạo thành bể nước bọt, sau đó được mô liên kết bao vây;

Nang niêm dịch:

Thường ở vùng môi dưới (vỏ mỏng, hay tái phát);

Nang nhái sàn miệng (Ranula):

Là một dạng nang nghẽn đặc biệt ở sàn miệng, liên hệ đến ống dẫn tuyến dưới lưỡi;

Nang biểu bì (Epidermoid cyst):

khác với nang nhái, nang biểu bì bao giờ cũng ở chính giữa sàn miệng và đẩy lưỡi ra sau nên khi quá lớn gây khó thở. Nang biểu bì có vỏ dày và có chứa bã đậu, còn nang nhái vỏ mỏng dễ vỡ, có chứa nước nhầy;

U nhú (Papilloma):

u xuất phát từ bề mặt biểu mô. Có thể là một tăng sinh thật sự liên quan đến ung thư biểu mô. Sờ thấy nhọn và cứng như gai nên còn gọi là bướu gai. Sang thương có thể giống mụn cóc, có cuống hay không có cuống, giới hạn xung quanh rõ. Những người quan hệ tình dục đường miệng với người sùi mào gà hậu môn sinh dục cần cảnh giác với nốt u nhú do sùi mào gà ở miệng.

Trường hợp của bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu hoặc răng miệng để được chẩn đoán chính xác, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại