Tàu sân bay USS Ronald Reagan lần này được hai tàu khu trục tên lửa USS Shiloh và USS Halsey hộ tống.
“Khi ở trên Biển Đông, nhóm tàu tác chiến thực hiện nhiều hoạt động an ninh biển, bao gồm các chuyến bay của máy bay cánh cố định và cánh xoay, các bài tập tấn công trên biển, bài tập huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa đơn vị trên không và trên biển. Các hoạt động của tàu sân bay trên Biển Đông là một phần hiện diện của Hải quân Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Hải quân Mỹ thông báo ngày 15/6.
Nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Biển Đông chưa đầy một tháng sau khi Mỹ lên kế hoạch rút USS Ronald Reagan, tàu sân bay tiền phương duy nhất được bố trí ở châu Á, tới hoạt động ở Trung Đông trong 4 tháng.
Theo giới quan sát, các tàu chiến Mỹ tăng cường tần suất đi qua Biển Đông những năm gần đây để phô diễn sức mạnh, thách thức các yêu sách phi lý của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông, tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Philippines tiếp tục giữ thỏa thuận quân sự với Mỹ
Philipppines lại vừa dừng thực hiện kế hoạch hủy thỏa thuận cho phép Mỹ hiện diện quân sự ở nước này. Đây là lần thứ ba Philippines dừng hủy Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA).
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Teodoro Locsin nói rằng, quyết định này sẽ có hiệu lực trong 6 tháng, trong lúc chờ Tổng thống Rodrigo Duterte “nghiên cứu, và hai bên tiếp tục giải quyết những quan ngại của ông ấy, nhất là về các khía cạnh trong thỏa thuận”, báo Philippines The Inquirer đưa tin ngày 15/6.
Năm ngoái, ông Duterte tuyên bố sẽ hủy VFA sau khi một thượng nghị sĩ thân thiết với ông bị Mỹ từ chối cấp visa.
Philippines là đồng minh có hiệp ước với Mỹ và nhiều thỏa thuận quân sự đang phụ thuộc vào VFA, vì văn bản này đề ra những quy định về việc luân chuyển hàng ngàn lính Mỹ đến Philippines để tập trận và huấn luyện. Việc luân chuyển lính Mỹ không chỉ quan trọng với quốc phòng của Philippines mà còn có ý nghĩa chiến lược với Mỹ khi nước này đang nỗ lực đối phó Trung Quốc ở khu vực.
“Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh quyết định của Philippines… Quan hệ đối tác của chúng tôi không chỉ vì an ninh của hai quốc gia mà còn tăng cường trật tự dựa trên luật lệ, có lợi cho tất cả các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này.