Nhóm sinh viên làm màng bọc thực phẩm ăn được

Huế Xuân |

Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 1,8 triệu tấn rác thải được thải ra môi trường, trong đó rác thải bao bì - bao gồm cả bao bì nhựa - chiếm gần 44%. Nhận thấy rác thải ngày càng trở thành vấn đề gây nhức nhối, nhóm F.I.M gồm 5 thành viên là sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM đã lên ý tưởng chế tạo màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học tốt.

Lê Yến Nhi, thành viên nhóm F.I.M, cho biết màng bọc thực phẩm được nhóm nghiên cứu ra có thể ăn được mà không gây hại cho sức khỏe. Màng bọc này được làm từ nguồn nguyên liệu phế phẩm của tôm, cua và lá ổi. "Chitosan là nguồn nguyên liệu từ phế phẩm lớn thứ hai thế giới. Tiền thân của Chitosan là Chitin, có nhiều trong vỏ của động vật giáp xác. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nên nhóm dễ dàng tận dụng lượng phế phẩm từ vỏ và đầu của tôm, cua. Ngoài ra, lá ổi cũng mang nhiều hoạt tính sinh học nhưng chưa được khai thác triệt để, chẳng hạn dịch chiết có trong lá ổi mang tính kháng khuẩn cao" - Yến Nhi cho hay.

Nhóm sinh viên làm màng bọc thực phẩm ăn được - Ảnh 1.

Nhóm F.I.M gồm 5 thành viên là sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM đã nghiên cứu thành công màng bọc thực phẩm từ nguồn nguyên liệu phế phẩm của tôm, cua và lá ổi Ảnh: C.T.V

Nhớ lại khoảng thời gian cả nhóm "ăn dầm nằm dề" ở phòng thí nghiệm, Yến Nhi cho biết các thành viên đã thử nghiệm vô số lần để tìm cách tối ưu màng bọc. Sau những lần thử nghiệm thất bại, tưởng chừng sắp bỏ cuộc, cả nhóm lại động viên nhau cố gắng thêm một lần nữa! Cuối cùng, sản phẩm mà cả nhóm ấp ủ đã ra đời và đoạt giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation 2023.

"Sau khi nghiên cứu ra màng bọc thực phẩm ăn được, nhóm đối mặt vấn đề khó khăn không kém là làm cách nào đưa sản phẩm ra thị trường. Các thành viên vẫn đang kiếm nguồn vốn đầu tư để có thể phát triển sản xuất, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng" - Yến Nhi cho biết.

PGS-TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Trường ĐH Bách khoa, nhận xét hai đặc điểm nổi bật của sản phẩm màng bọc này là khả năng ăn được và tính kháng khuẩn cao. Bên cạnh đó, ngoài việc ngăn cản thực phẩm tiếp xúc với không khí bên ngoài để tránh hiện tượng ôxy hóa, màng bọc của nhóm F.I.M còn giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.

"Sản phẩm màng bọc ăn được có khả năng thương mại hóa cao với quy mô sản xuất công nghiệp và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn cần cải tiến thêm nếu áp dụng đại trà. Nhóm nên mở rộng nghiên cứu theo hướng kết hợp với các loại tinh bột biến tính để tạo độ dẻo, độ giãn cho màng bọc hoặc điều chỉnh hàm lượng thành phần phù hợp với từng loại thực phẩm" - PGS-TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ góp ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại