Theo bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 16/1, TAND tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai lưu động vụ án trên.
Vụ án có 100 bị cáo , trong đó có 53 bị cáo bị xét xử về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; 39 bị cáo bị xét xử về tội “Khủng bố”; 1 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”; 1 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm”. Ngoài ra, có 6 bị cáo ở nước ngoài (Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Čik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap) bị xét xử vắng mặt về tội “Khủng bố”.
Theo nội dung vụ án, đêm mồng 10, rạng sáng 11/6/2023, gần 100 đối tượng người dân tộc thiểu số, chia thành 2 nhóm tấn công trụ sở xã Ea Ktur và xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác.
Trên đường rút chạy, các đối tượng tiếp tục phá hoại tài sản của người dân; uy hiếp 3 người dân làm con tin; giết chết 2 cán bộ xã và 3 người dân. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đềga”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã tập trung điều tra, truy bắt ngay các đối tượng, ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn; khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân, điều kiện, diễn biến sự việc phạm tội.
Kích động, lôi kéo, dụ dỗ
Căn cứ kết quả điều tra đến nay xác định, do thiếu hiểu biết, có những khó khăn về đời sống kinh tế, vướng mắc trong cuộc sống cá nhân nên một số đối tượng là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk đã bị các đối tượng phản động, lưu vong ở Mỹ là Y Mút Mlô, Y Čik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sôl Niê... dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức, hoạt động tích cực.
Các đối tượng cốt cán trong nước nghe theo chỉ đạo của các đối tượng nước ngoài tiếp tục lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là “Lính Đêga” để tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại.
Do nhận thức lạc hậu, thiếu hiểu biết, có 92 đối tượng đã trực tiếp tham gia vào hoạt động khủng bố, 1 đối tượng có hành vi che giấu tội phạm và 1 đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (trong số 94 đối tượng này có 93 đối tượng là người dân tộc thiểu số; 93/94 đối tượng theo đạo Tin Lành) trong vụ việc tấn công khủng bố vào rạng sáng 11/6/2023 tại trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong quá trình điều tra, các đối tượng ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do lạc hậu, thiếu hiểu biết hoặc do bị đe doạ nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Các đối tượng xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.
Kết quả điều tra đã làm rõ được toàn bộ diễn biến sự việc và tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các đối tượng. Công tác điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử đã được thực hiện khách quan, công bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo.
Qua đó, vừa đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe, vừa đảm bảo sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật; đồng thời thể hiện được đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.
Sau khi có bản án, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước thực hiện việc chuyển giao 6 đối tượng đang bị truy nã quốc tế về Việt Nam để thi hành án.
Theo Đại tá Y San A Drơng – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, vụ khủng bố 11/6/2023 là cực kỳ nghiêm trọng, thương đau. Thời gian tới, Công an tỉnh Đắk Lắk giữ vững thế trận chủ động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, công tác công an, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; Phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn….