Theo đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của công ty này, và công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.
Tỷ lệ sở hữu của Masan và Vingroup trong công ty mới vẫn chưa được công bố tuy nhiên thông báo hồi đầu tháng 12/2019 cho biết Masan sẽ là bên nắm cổ phần chi phối cũng như quyền điều hành.
Thương vụ hợp nhất Vincommerce - Masan Consumer Holdings và một số nhà đầu tư có lợi ích liên quan
Hiện tại, Vingroup đang nắm giữ 64,3% cổ phần của VCM, nhóm nhà đầu tư GIC/Credit Suisse nắm giữ 16,26% còn lại là các nhà đầu tư khác. Việc Masan chỉ tiếp quản 83,74% cổ phần cho thấy nhóm GIC sẽ tiếp tục giữ nguyên cổ phần tại công ty này mà không hoán đổi cổ phần sang pháp nhân mới.
Hiện VCM đang sở hữu 100% cổ phần của Vincommerce (đơn vị trực tiếp vận hành chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+) và Vincommerce nắm giữ 100% cổ phần của VinEco.
Trong khi đó, Masan Consumer Holdings là công ty đang quản lý toàn bộ lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan Group. Masan Consumer Holdings hiện có 2 nhánh chính là Masan Consumer (công ty đang giao dịch trên sàn Upcom với mã MCH) và công ty bia Masan Brewery.
Masan Group đang nắm giữ 85,7% cổ phần của Masan Consumer Holdings, phần còn lại do tập đoàn Thái Lan Singha nắm giữ.
Việc hợp nhất Masan Consumer Holdings cùng VCM sẽ tạo nên một công ty bán lẻ và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam sở hữu một loạt thương hiệu lớn như VinMart, VinMart+, Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Vinacafe Biên Hòa, Wakeup 247, Vĩnh Hảo, Quang Hanh…
Bên cạnh lĩnh vực truyền thống là thực phẩm và đồ uống, Masan Consumer vừa có động thái tiến sang lĩnh vực sản phẩm chăm sóc cá nhân & gia đình bằng việc chào mua 60% cổ phần của Bột giặt NET.