Doanh nghiệp tư nhân đóng góp gần 45% vào GDP, ⅓ NSNN, tạo ra công ăn việc làm cho 85% lao động
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP của cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước. Khu vực này cũng đóng góp tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, “ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân tuân theo quy luật của nền kinh tế. Khi các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp của khu vực này cho GDP và hệ thống tài chính sẽ ngày càng quan trọng trong tương lai ”.
Doanh nghiệp tư nhân là một trong những nguồn lực chính tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với hàng triệu việc làm được tạo ra, doanh nghiệp tư nhân giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện mức sống của người dân. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra khoảng 3 triệu việc làm mới mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp này còn góp phần vào việc nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn của lao động thông qua các chương trình đào tạo và phát triển. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD mỗi năm vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp này thường tham gia vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng và đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2020, các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội.
Về đóng góp vào NSNN, trước đây, các công ty nộp ngân sách lớn đa số là các công ty có nguồn gốc Nhà nước được cổ phần hóa. Tuy nhiên, 15 năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển của nhiều công ty cổ phần quy mô lớn từ khối doanh nghiệp tư nhân và đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế.
“ Chỉ riêng trong vòng 3 năm qua, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khối doanh nghiệp tư nhân rất lớn. Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm tỷ trọng lớn về số lượng và cả lao động. Nhưng ước tính nhóm này chỉ đóng góp khoảng 30% tiền nộp thuế. Trong khi các doanh nghiệp lớn đóng góp lên tới 70%. Điều này cũng không phải bất thường, mà các nền kinh tế lớn như Nhật, Hàn hay Mỹ cũng có điểm tương tự ”, TS. Đinh Thế Hiển cho biết.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, doanh nghiệp tư nhân không đứng ngoài cuộc
Nhận thấy rõ sứ mệnh của mình, các doanh nghiệp tư nhân luôn nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình phát triển quốc gia. Một điều thấy rõ, xu thế toàn cầu hiện nay là hướng tới phát triển bền vững.
Trước xu thế toàn cầu hướng tới phát triển bền vững và ứng xử có đạo đức của doanh nghiệp, nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đã thực hiện các biện pháp tích cực để áp dụng các mục tiêu liên quan đến tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Khảo sát mới nhất của công ty kiểm toán PwC về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp đối với ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tại Việt Nam trong năm 2022-2023 cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đang dẫn đầu trong phát triển bền vững.
Với tinh thần đón đầu xu thế vì kinh tế quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân không chỉ nỗ lực trong phát triển kinh tế địa phương mà còn đóng góp tích cực vào an ninh xã hội. Nhiều doanh nghiệp đa ngành có mạng lưới chi nhánh rộng khắp cả nước đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chủ lực là bán lẻ.
Đơn cử như, Masan Group đã đóng góp gần 32 tỷ đồng cho phúc lợi xã hội trên cả nước trong năm 2023, tăng hơn gấp đôi so với năm 2022. Trong đó, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo và Công ty TNHH Vonfram Masan tại Thái Nguyên, công ty đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng/năm cho NSNN; 1 triệu USD cho các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh Thái Nguyên; tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động địa phương. Masan dường như đã trở thành một trong những doanh nghiệp gắn với thế mạnh địa phương, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế.
Hay DOJI, với 50 chi nhánh, gần 200 Trung tâm và hơn 400 Đại lý trên toàn quốc đã tạo ra hơn 3.000 việc làm, đóng góp lớn cho NSNN. Với những chính sách nhân sự vượt trội, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và luôn nỗ lực đồng hành cùng cán bộ nhân viên vươn cao – tỏa sáng trong sự nghiệp, Tập đoàn DOJI hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã góp phần tạo ra môi trường làm việc đáng tin cậy cho người lao động, lần thứ 3 được vinh danh là "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á" ngày 8/8/2024 vừa qua.
Cũng nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ, PNJ thể hiện rõ vai trò của mình trong phát triển kinh tế. Với 8 năm liền trụ vững trong Top 10 và dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp lĩnh vực thương mại - dịch vụ trong 100 Doanh nghiệp PTBV, PNJ đã tạo ra việc làm cho hơn 7000 nhân sự với nền tảng chuyên môn vượt trội. Chỉ trong 3 năm qua, đơn vị đã đóng góp 4.500 tỷ đồng cho NSNN gần, hỗ trợ hàng trăm ngàn người khó khăn.
Không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có đóng góp đáng kể vào kinh tế Việt Nam, những lĩnh vực như ngân hàng, BĐS, thép và công nghệ cũng có đóng góp lớn. Nếu xét về đóng góp vào NSNN, năm 2023, ngân hàng có đóng góp lớn nhất, tổng ngân sách 100 ngân hàng tư nhân đã nộp lên tới 42.000 tỷ đồng. Sau đó là nhóm bất động sản, nộp ngân sách lớn thứ 2 với hơn 37.000 tỷ đồng. Lĩnh vực thực phẩm đồ uống cũng là một trong những nhóm ngành đáng chú ý với đóng góp hơn 22.000 tỷ đồng.