Tại một ngách nhỏ trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội có một mái ấm đặc biệt, đây là nơi 3 bạn trẻ genZ gồm Lê Thanh Hải (2000), Lê Minh Sơn (2001) và Nguyễn Vương Anh (2002) (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) thuê để làm mái ấm tình thương cho các cụ già, người neo đơn và người vô gia cư.
Căn nhà cấp 4 tầm 70m2, có khoảng sân rộng; phòng khách và hai phòng ngủ. Được trang bị điều hòa, sàn đá hoa sạch sẽ, thoáng mát. Đây là nơi ở lý tưởng cho những cụ già hằng đêm phải ngủ vỉa hè, đường phố.
Chắt chiu từng đồng để làm mái ấm tình thương
Tâm sự về câu chuyện đầy nhân văn này, Hải cho biết cơ duyên đưa ý tưởng xây dựng dự án ý nghĩa này là do thời gian đầu khi Hải mới lên thành phố làm việc, một phần vì tò mò khi lần đầu được sống tự lập xa nhà, nên khi rảnh Hải dành nhiều thời gian dạo phố để khám phá, trải nghiệm cuộc sống mới.
Trong một lần, Hải gặp ông Thành nằm co ro trên đường trong cái tiết trời giá rét lạnh thấu xương của Hà Nội, sau khi hỏi thăm và tìm hiểu thì Hải vô cùng thương xót và đồng cảm cho hoàn cảnh của ông.
"Thương ông, em cũng đi mua xôi, mua bánh, hay cho ông tiền rồi em mới tiến đến hỏi chuyện, tâm sự, hỏi rằng ông muốn gì… Lúc đấy ông mới bảo là người ta cho quà thì hôm nào cũng có, thậm chí có hôm hơn 10 suất ăn thì ông không thể nào ăn hết được, mà thứ ông cần chỉ là chỗ để nghỉ ngơi, có người cùng tâm sự. Nếu có tiền thì ông sẽ vào viện dưỡng lão nhưng ông không có nên phải ở đây tích góp tiền", Hải nhớ lại.
Hải (bên trái) và Sơn, 2 trong 3 người thành lập dư án "Hà Nội chung tay"
Ông Thành cũng chính là lí do để Hải bắt đầu thành lập ra dự án bởi Hải đã hứa sẽ cố gắng đón ông về nhà, để ông không phải chịu sương gió, khổ đau ở tuối xế chiều. Hải cũng nhận ra rằng không chỉ có ông Thành mà còn có rất nhiều người ngoài kia cần được sự giúp đỡ.
Từ những trăn trở muốn tạo ra một gia đình thật sự cho những người lang thang không có chỗ ở, Hải đã quyết tâm tìm thêm cộng sự để bắt tay làm nên dự án "Hà Nội chung tay".
Sau đó, Hải chia sẻ, thuyết phục Minh Sơn, Vương Anh bằng cách đưa hai em đi khắp đường phố Hà Nội để tìm và gặp những con người bất hạnh, kém may mắn. Qua những trải nghiệm thực tế, 3 bạn trẻ quyết tâm thành lập dự án "Hà Nội Chung Tay", gom góp được chút tiền ít ỏi để tìm thuê một căn nhà sạch sẽ, ấm cúng và an toàn, đón người vô gia cư về ở.
Tưởng chừng như đó là việc đơn giản, thế nhưng mỗi khi nhận được tin nhắn có người vô gia cư cần giúp đỡ các bạn cũng mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin, theo dõi nhiều ngày để xác minh có đúng hoàn cảnh như vậy không sau đó mới thuyết phục được họ về nhà chung sinh sống.
Hiện nay, Hà Nội Chung Tay đang là nơi sinh sống của 4 ông bà cụ vô gia cư. Mỗi người đều có hoàn cảnh đặc biệt, có cụ thì sống nhờ vào rác của người ta thải ra môi trường, có cụ thì các con bỏ đi biệt tích, có cụ thì do sa cơ lỡ vận nên vô tình trở thành người vô gia cư,…
Ông Quý, bà Tiến và những chàng trai GenZ
"Bọn em xác định là không kêu gọi tài trợ và dự định làm trong 3 tháng. Bởi vì khi làm thì em cũng xem các cụ như người nhà, mà đã là người trong gia đình thì lo cho nhau chứ em không muốn kêu gọi từ bên ngoài. Đến kì hạn 3 tháng thì em lại không biết làm sao để buông các cụ ra nữa vì không nỡ mà mình vẫn còn đủ sức thì mình lại là nuôi được đến lúc nào thì hay lúc đó. Sau đó, em quyết định sẽ nuôi các cụ đến khi nào em không còn khả năng đó nữa thì thôi", Hải chia sẻ.
Được thành lập từ ngày 25/12/2022, đều đặn trong suốt hơn một năm nay, toàn bộ số tiền từ thuê nhà, điện nước,… để trang tải cho Hà Nội Chung Tay đều do 3 bạn đóng góp.
Chia sẻ về câu chuyện, Minh Sơn cho biết 3 anh em đều phải nhịn ăn nhịn uống lại một chút "Chi phí để thuê nhà, chăm sóc các cụ khi ốm đau hay từ những điều nhỏ nhất là ăn uống, sinh hoạt hàng ngày là 14 triệu, có thể là hơn. Về việc mỗi người chia ra thì đấy là anh em tự bù trừ cho nhau. Ví dụ như ai tháng đi làm được tốt thì bỏ nhiều hơn một tí, cùng nhau để vun đắp".
Toàn bộ chi phí được đều là những đồng tiền chắt chiu từ những công việc làm thêm, thậm chí còn là tiền trích từ sinh hoạt phí mà gia đình gửi cho 3 bạn. Căn nhà "Hà Nội chung tay" được dựng lên bởi tình yêu thương, mong muốn các cụ có một mái nhà "đúng nghĩa" để nghỉ ngơi, ngon giấc sau một ngày dài mưu sinh vất vả.
Cho đi là còn mãi
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, rất nhiều gia đình lao đao vì kinh tế khó khăn gia đình ông Đặng Thế Quý cũng không ngoại lệ. Để giúp các con, cụ đã bán mảnh đất mà mình đang ở và trở thành người vô gia cư bất đắc dĩ. Ông hay ngủ ở vỉa hè, ghế đá công viên hoặc khi gặp người bảo vệ tốt bụng, họ thương, đưa cụ vào bốt ngủ nhờ, câu cá cho qua ngày.
Hữu duyên trong một lần ra chỗ xin từ thiện đồ ăn thừa làm mồi cho cá, ông tình cờ gặp Sơn và Hải. Biết được hoàn cảnh của ông, các bạn đã ngỏ lời đưa về sống chung. Từ khi "có nhà" mới, ông Quý vui hẳn ra.
"3 bạn thì chỉ có 1 bạn làm giáo viên, lương không được bao nhiêu còn 2 bạn kia thì còn đi học nên mình cũng chả đòi hỏi gì hơn, chỉ mong sao tình cảm được nhân rộng, các mạnh thường quân giúp đỡ cho các bạn đỡ khổ, đỡ vất vả khi nuôi mình".
Ở tuổi thất thập cổ lai hy mà các cụ không được sống gần con cháu, thiếu tình thương gia đình. Hiểu được tâm lí, hễ có thời gian rảnh, Minh Sơn và Hải thường xuyên qua nhà, thăm hỏi và động viên các cụ.
Ông Quý xúc động "Nói chung là mình người già, sinh hoạt mình không đều đặn nên cũng khó khăn khi sống chung với mọi người. Già thì đi đâu cũng bất tiện thôi. Các cháu thì rất tốt, liên tục qua thăm, hỏi han ông bà, có việc gì thì mình cũng gọi điện nhờ các bạn. Trời nắng nóng các cháu cũng lắp điều hòa cho, nóng lắm thì mở còn không cần thiết thì thôi tại nhiều khi mình cũng sợ sốc nhiệt".
Tương tự, cụ Tiến (83 tuổi) - thành viên mới chuyển về sinh sống tại đây. Dù tuổi cao sức yêu nhưng vẫn phải nhặt giấy để bán, sinh con ra cũng không được nhờ con cái, phải tự thân vận động. Trước khi về đây, tối đến cụ chỉ biết ngủ tại vỉa hè, ngày nắng ngày mưa cũng như vậy, may mắn được nhóm bạn trẻ này đưa về đây chăm sóc. Vì thế, cụ cảm thấy rất biết ơn mái ấm "Hà Nội chung tay".
Minh Sơn và Thanh Hải cho biết, đây cũng là một trong những dự án để các bạn có thể phục vụ cho ước mơ của mình. Sau này, khi đã có nghề nghiệp ổn định và trang trải cuộc sống tốt hơn thì các bạn cũng muốn phát triển, mở một viện dưỡng lão. Khác với những viện dưỡng lão phải có tiền mới vào được, viện dưỡng lão của các bạn sẽ mở miễn phí dành cho những cụ già nghèo không nơi nương tựa.
"Em không ước có nhiều tiền, em chỉ ước có thể giúp được nhiều người." – Thanh Hải mong muốn.