Nhồi máu cơ tim sau cuộc nhậu với bạn bè

Như Loan/VTC News |

30 phút sau khi uống rượu cùng bạn bè, người đàn ông 30 tuổi ở Hà Nội đột ngột đau ngực dữ dội, bác sỹ khám và chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.

Bệnh nhân làm nghề lái xe, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Trước khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội), anh có uống khoảng 500ml bia rượu cùng bạn bè. Về nhà khoảng 30 phút, anh đau co thắt lồng ngực, được đưa đến bệnh viện vào giờ thứ 2 của cơn nhồi máu cơ tim.

Sau khi điện tim, bác sỹ đang chuẩn bị giải thích tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân với gia đình thì anh bất ngờ ngừng tim, rung thất. Bác sỹ sốc điện kịp thời, sau đó xử trí các thuốc cấp cứu và chuyển lên phòng mổ.

“Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ phát hiện có tình trạng tắc mạch ở tim và tiến hành thông mạch. Sau thông mạch, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khoẻ ổn định và ra viện sau 2 ngày", bác sỹ Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho hay.

Theo bác sỹ Hải, bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa. Các nghiên cứu cũng cho thấy ngoài yếu tố nguy cơ truyền thống như huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, hiện nay ở người trẻ có thêm các yếu tố nguy cơ là căng thẳng, thức khuya, béo phì.

Các bác sĩ đang xử trí cấp cứu một trường hợp mắc bệnh lý tim mạch. (Ảnh: BVCC)

Stress, thức khuya làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Chia sẻ bên lề hội nghị quốc tế cập nhật những tiến bộ trong can thiệp tim mạch tại Việt Nam và thế giới được tổ chức ngày 10/8 tại Hà Nội, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay, báo cáo tổng kết về bệnh lý tim mạch trong 30 năm qua phát hiện, các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Ngoài những yếu tố nguy cơ về lối sống như hút thuốc lá, lười vận động, béo phì, các chuyên gia tim mạch cũng khẳng định các yếu tố nguy cơ mới như ô nhiễm môi trường, stress. Việc lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, công việc stress, ô nhiễm môi trường và lười vận động khiến ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh lý tim mạch.

“Có những ca bệnh chúng tôi tiếp nhận chỉ hơn 20 tuổi. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, đa số nằm trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì, hoặc có yếu tố gia đình" , ông Hùng thông tin.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam. (Ảnh: Như Loan)

Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, các bệnh tim mạch thường gặp ở người trẻ là cơ tim phì đại bẩm sinh, rối loạn điện tim... Bình thường người bệnh vẫn chung sống với nó, nhưng khi gắng sức, nhất là chạy marathon hay chơi thể thao, họ có thể quá sức, dẫn đến mất nước, mất điện giải, rối loạn nhịp tim gây tử vong.

Nhiều người trẻ cũng có xơ vữa động mạch, việc gắng sức quá mức dẫn đến đứt vỡ động mạch, gây nhồi máu cơ tim.

Để phát hiện bệnh sớm, người dân nên khám sức khỏe định kỳ. Một số dấu hiệu trên điện tâm đồ, siêu âm tim sẽ giúp các bác sỹ phát hiện nguy cơ mắc bệnh.

Các chuyên gia tim mạch cũng khuyến cáo, khi chơi thể thao, người chơi gắng sức khiến các yếu tố nguy cơ dễ xảy ra hơn. Đặc biệt, việc chơi thể thao trong thời tiết quá khắc nghiệt, ra mồ hôi nhiều, khi bù nước và điện giải không hợp lý sẽ dẫn đến rối loạn điện giải, gây ra rối loạn tim mạch.

Người trẻ cần thực hiện lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, duy trì chế độ tập luyện thể thao đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh các bệnh lý tim mạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại