Mới đây, thông tin trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D phải nhập viện, phát hiện tổn thương thận... khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi uống thực phẩm bổ sung quá liều lượng cho phép. Trong thực tế, còn có 1 kiểu dùng thực phẩm bổ sung tai hại, đáng sợ không kém, cực nguy hiểm cho gan, thận, mặc dù tuân thủ uống đúng liều lượng.
Đó là kiểu "nhồi" 1 vốc thực phẩm bổ sung đều đặn mỗi ngày
Là người luôn mơ có làn da láng mịn, căng bóng kiểu Hàn, khổ nỗi nền da của chị Tâm (Đống Đa, Hà Nội) luôn thiếu nước, da nhạy cảm, rất hay lên mụn trứng cá. Chăm sóc da mãi nhưng tình trạng cải thiện không như mong đợi, làm sao để da căng bóng kiểu Hàn, chị Tâm lên facebook thấy mấy chị em mách dùng thực phẩm bổ sung vitamin C, E, kẽm.
"Người thì bảo dùng vitamin C sẽ tăng sinh collagen, dùng vitamin E cho da mịn màng căng bóng, người lại mách uống kẽm cho da khỏe mạnh, không sợ mụn... Nghe rất hấp dẫn nên sáng nào mình cũng phải uống cả nắm những viên có tác dụng đẹp da này vào người", chị Tâm kể.
Uống vậy có lo lắng cho tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng không, gan thận có sợ bị quá tải không, chị Tâm thẳng thừng: "Mình nghĩ uống kết hợp nhiều loại vậy mới tốt, mới nhanh có hiệu quả chứ? Mình uống vài tháng rồi, chưa thấy cơ thể có gì bất thường cả. Vì khát khao làn da đẹp nên mình sẽ thử 1 lần xem sao. Với cả mình có uống quá liều lượng mỗi loại đâu mà lo?".
Không chỉ đánh vào tâm lý chị em thích da đẹp căng bóng, thực phẩm bổ sung hiện nay được khuyên dùng vô tội vạ bởi một số người bán supplement không có tâm.
Mới đi tập gym được 1 tháng, Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) được khuyên dùng đủ các loại thực phẩm bổ sung trên đời. Nào là magie, kẽm, B6 rồi glutathione, vitamin C, NAD... để khỏe xương khớp, cơ thể dẻo dai, tăng sức bền sức mạnh...
"Mình cần tư vấn của một người bán thực phẩm chức năng khác thì y rằng lại được khuyến cáo phải uống thêm viên này viên kia thì mới tốt cho xương khớp, tốt để độ dáng, trắng đẹp da... Nhiều khi mình nghe xong cũng chóng mặt nhưng vì những công dụng được quảng cáo nên cũng muốn tuân thủ để đạt hiệu quả tốt nhất", Ngọc tâm sự.
Hỏi Ngọc có sợ hại sức khỏe không khi mới có thông tin về những trường hợp ngộ độc do dùng vitamin D quá liều, gây tổn thương thận, cô tự tin: "Uống quá liều lượng mới lo chứ, mình tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên bao bì mà, chắc không phải cuống lên đâu". Vậy là miễn uống đủ viên thì có uống bao nhiêu loại mỗi ngày, ai cũng nghĩ an toàn.
Chuyên gia nói gì về kiểu "nhồi" thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng vào cơ thể mỗi ngày?
Tình trạng "nhồi" 1 vốc thực phẩm bổ sung vào cơ thể mỗi ngày khiến giới chuyên gia nghi ngại, lo rằng uống thế này một thời gian chắc phải chạy thận, gan cũng bị tổn thương không ít.
Theo BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), dùng cái gì nhiều quá vì bất cứ mục đích gì đều không tốt, nhất là những cơ quan như gan, thận sẽ phải gánh hậu quả.
"Việc dùng quá nhiều thực phẩm bổ sung với các loại khác nhau kéo dài có nguy cơ tích lũy trong cơ thể, có thể gây nhiều bệnh, cơ quan nội tạng bị tấn công đầu tiên là gan, thận", chuyên gia cảnh báo.
Theo PGS.TS Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam), thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng hiện nay rất dễ mua qua những kênh bán hàng khác nhau.
Tuy nhiên, bản thân ông nhận định, mặc dù không phải thuốc chữa bệnh nhưng không có chuyện muốn uống sao là uống, hay uống càng nhiều loại thì phát huy công dụng càng tốt. "Nó sẽ luôn có mặt trái đi kèm", chuyên gia cho hay.
BS da liễu Hải Huy (làm việc tại TP.HCM) cho biết thêm, đối với mỗi hoạt chất, cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhất định. Khi bổ sung quá mức, hiện tượng đào thải sẽ xảy ra.
Chưa kể đến việc hàng ngày cơ thể đã nạp vào rất nhiều vitamin, khoáng chất thông qua đồ ăn thức uống, nếu uống 1 vốc thực phẩm bổ sung mỗi ngày nhiều như vậy thì nguy cơ thừa chất, tăng gánh nặng cho thận là điều khó tránh.
Ngoài ra, với mỗi viên thực phẩm bổ sung đưa vào cơ thể mỗi ngày, chuyên gia bày tỏ e ngại: "Bạn có chắc chắn rằng những thực phẩm chức năng mà bạn uống có đang bị chồng chéo các hoạt chất với nhau hay không? Đối với những hoạt chất mà cơ thể tự tổng hợp được thì khi bổ sung từ bên ngoài vào một cách quá mức, lúc này cơ thể sinh ra một phản ứng gọi là feedback âm - cơ thể bị lười biếng - lâu ngày sẽ không tự tổng hợp những hoạt chất này nữa".
BS Huy cho biết thêm, một số hoạt chất khi bổ sung quá mức, ở mức độ nhẹ có thể gây ra một số tác dụng phụ, ví dụ uống nhiều kẽm thì có thể bị táo bón. Ở mức độ nặng, chúng có thể gây ra các vấn đề bệnh lý, ví dụ thừa vitamin C có thể gây tình trạng sỏi thận.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, hiện nay, các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng đang xuất hiện nhan nhản, nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng ngoài thị trường. Việc bổ sung quá nhiều những thực phẩm chính hãng, uy tín cũng là mối nguy cho gan, thận, bây giờ dùng loại không rõ nguồn gốc, có thể bổ sung thêm những chất gì khác chắc chắn sẽ khiến tình trạng nặng hơn.
Giới chuyên gia khẳng định, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng dễ mua nhưng không hề dễ dàng sử dụng như bạn vẫn nghĩ. Đừng uống bất cứ thứ gì theo xu hướng, theo lời mách của ai. Hãy bắt đầu từ chính cơ thể mình, phải hiểu cơ thể mình.
Cách tốt nhất là bạn nên tìm bác sĩ chuyên môn tư vấn, làm xét nghiệm máu... để biết cơ thể cần gì, liều lượng ra sao, sau bao lâu cần dừng... Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe và đạt được mục tiêu bạn mong muốn từ thực phẩm bổ sung cũng như thực phẩm chức năng.