Đi dọc cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An), không khó để bắt gặp những người thợ đang miệt mài sửa chữa tàu thuyền. Tiếng máy cưa xình xịch, tiếng đục gỗ,… vang lên cả một vùng. Sau những chuyến bám biển dài ngày, sóng gió, bão tố quăng quật, tàu thuyền lại được những người thợ ở đây “bắt bệnh”.
Đo tấm ván để vá tàu, ông Vũ Văn Tuấn (SN 1975, trú xã Diễn Ngọc) cho biết, nghề này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và công phu.
“Tôi làm nghề đến nay đã 25 năm. Dù vất vả, cực nhọc nhưng nghề này cho thu nhập ổn định. Thợ phụ thu nhập khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày, mỗi tháng tính ra cũng kiếm gần chục triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thợ chính thì công được tính cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Những người thợ sửa tàu nơi đây đều là "tay ngang", không được đào tạo qua trường lớp mà hầu như chỉ học nghề từ những người đi trước. Làm lâu thành quen, dần trở nên thành thạo.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Sáng (SN 1971, trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) bám biển mưu sinh. Năm 1988, sau khi gặp biến cố trong một chuyến đi biển, ông chuyển qua làm nghề sửa chữa tàu thuyền cho đến tận bây giờ. “Tuỳ theo mức độ hỏng hóc của tàu thuyền, có chiếc chỉ sửa trong vòng vài giờ, nhưng cũng có chiếc mất vài buổi, thậm chí vài tháng”, ông Sáng nói.
Nắng nóng, người thợ phải dùng chăn mỏng, bạt để che chắn.
Vốn là nghề nặng nhọc nên những người làm nghề thường là đàn ông có sức khỏe, kinh nghiệm.
Nghề này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, do vậy, trong quá trình làm việc người thợ luôn phải tập trung cao độ và hết sức cẩn trọng.
Đa phần những người thợ sửa tàu thuyền ở đây đã gắn bó lâu năm với nghề, họ thuần thục từng công đoạn. Trong ảnh, người thợ đang "thay áo mới" cho con tàu.
Những con tàu sau khi được "chữa bệnh", giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.
Video một ngày làm việc vất vả, nhọc nhằn của những người thợ sửa chữa tàu thuyền ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An.