Khách khứa liên tục hò reo đòi xem biểu diễn, voi ngoan ngoãn nghe lời; cả lời khích lệ của đám đông lẫn lời “dặn dò” sắc lẹm từ cái gậy nhọn hoắt trên tay quản tượng - những người ăn từng đồng tiền biểu diễn sinh sôi từ mỗi lần Kaavan giương vòi lên cao.
Những khu nuôi nhốt quanh chú voi tội nghiệp trống trải, chỉ còn thoang thoảng đó đây những tin đồn rằng hàng xóm của Kaavan đã trở thành đặc sản trên bàn nhậu của người dư dả. Kaavan, không biết là may mắn hay kém may mắn hơn những con thú khác, vẫn miệt mài biểu diễn dưới sức ép của mũi đinh nhọn hoắt lên da thịt yếu mềm.
Suốt nhiều năm trời, dường như người đời quên mất nghịch cảnh nghiệt ngã của con voi đơn côi. Vết thương trên cơ thể nó nhiễm trùng, sợi xích buộc cổ chân nay đã để lại vết sẹo. Trí khôn của Kaavan dần rệu rã, cơ thể thì lại béo lên theo năm tháng nhờ những bữa ăn ngọt đều đặn.
Nhưng vào ngày Chủ nhật, 28/11/2020 theo giờ địa phương, Kaavan được trả tự do. Nó bước vào hành trình dài tới miền đất hứa, bắt đầu cuộc sống mới nơi đất lạ và bỏ lại sau lưng cái u buồn của tù ngục. Hành trình giải thoát Kaavan được tiếp lửa bởi những người tình nguyện tận tâm và thần tượng âm nhạc Cher, người được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Pop” của nước Mỹ.
Đây là câu chuyện kể về Kaavan: nó khởi đầu bằng những lời cầu nguyện, và kết thúc với bản nhạc hạ màn du dương.
Kaavan sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới Pakistan nếu không nhờ một bộ phim của Bollywood, những yếu tố ngoại giao giữa hai quốc gia và mong ước của một bé gái. Zain Zia, con gái của nhà cầm quyền Pakistan lúc bấy giờ là Đại tướng Muhammad Zia-ul-Haq, đắm đuối loài voi sau khi xem xong bộ phim Haathi Mere Saathi - Voi là Bạn của tôi.
Cô bé Zain Zia thỉnh cầu đấng ơn trên. “Tôi nhìn lên trời và khấn rằng, Allah Mian, hãy ban cho con một haathi mere saathi (Thánh Thần ơi, hãy ban cho con một người bạn voi)”, bà Zain kể lại với đài BBC. Lời nguyện ước của Zain lọt tới tai tướng Haq, và trong một buổi sớm không lâu sau, khi cô bé Zain chuẩn bị cắp sách tới trường, tướng Haq gọi con gái lại, lấy khăn bịt mắt và dẫn bé tới vườn sau.
“Ông nói rằng ông dành cho tôi một bất ngờ”, bà Zain nhớ lại. “Ông cầm lấy tay tôi đặt lên con vật. Rồi mở khăn bịt mắt cho tôi, và ngay trước tôi là một con voi bé nhỏ đang đứng. Nó đáng yêu lắm. Tôi khăng khăng với cha rằng mình muốn giữ nó trong nhà, nhưng cha tôi nói voi thuộc quyền sở hữu của chính phủ và phải tới sống tại sở thú. Ông nói rằng tôi sẽ không thể chăm sóc chu đáo chú voi được, đặc biệt là khi voi lớn. Vậy nên tôi đồng ý”.
Chú voi nhỏ ấy chính là Kaavan. Và theo lời nhận định của Ravi Corea, chuyên gia người Mỹ giàu chuyên môn tái định cư voi, cho tới trước thời điểm Zain và Kaavan gặp nhau, chú voi sống tại Trại Voi Mồ côi Pinnawala (PEO) của Sri Lanka. Người ta cho rằng chú voi một năm tuổi là món quà gửi tới chính quyền của Tướng Haq nhằm cảm ơn nỗ lực giúp đỡ quân đội Sri Lanka trong thời kỳ loạn lạc.
Không ai rõ lý do chính xác tại sao Kaavan lại đặt chân tới Pakistan, mà cũng chẳng ai hay liệu Kaavan có thực sự mồ côi. Người ta chỉ biết sự thật: năm 1985, Kaavan trở thành công dân chính thức của sở thú đặt tại thủ đô Islamabad.
Ở thời điểm đón Kaavan, sở thú Marghuzar đã được bảy năm tuổi với quyền điều hành nằm gọn trong tay những “mafia kinh doanh” địa phương. Nói một cách đơn giản, chính quyền không mảy may quan tâm tới hoạt động của sở thú cũng như thể trạng của sinh vật nuôi nhốt nơi đây.
Hiện hữu nhiều bằng chứng cho thấy động vật trong sở thú, chủ yếu là linh dương đen, bị bán đi trong bí mật, trở thành món chính trong những bữa tiệc thịt nướng tổ chức bởi người có quyền lực tại địa phương. Khi một nhóm tình nguyện có tên Những người bạn của Sở thú Islamabad (FIZ) tiến hành khảo sát Marghuzar, họ phát hiện ra số lượng thú nơi đây thay đổi thất thường. Khi mang sự thật này ra ánh sáng, bỗng dưng những khu chuồng nuôi nhốt vốn trống vắng lại đột nhiên đầy ắp sinh vật.
Thế nhưng, đó không phải góc khuất duy nhất bị phát giác.
“Sở thú này không có cơ sở thú y, không có nguồn cung cấp thuốc cho động vật”, Mohammad bin Naveed, một thành viên tình nguyện thuộc nhóm FIZ cho hay. “Không có cơ sở y tế chăm sóc cho thú vật, không có chỗ tiến hành phẫu thuật, còn chẳng có nơi cách ly nhưng con vật ốm yếu”.
Và giữa cái loạn lạc nơi sở thú Marghuzar, ngôi sao Kaavan vẫn tỏa sáng, vẫn là tâm điểm chú ý của người tới thủ đô Islamabad.
Công việc thường nhật của Kaavan là đứng kế hàng rào, mua vui cho đám đông trong những giờ đầu sở thú mở cửa. Kaavan giương vòi lên cao, với lấy những đồng tiền từ tay người tới xem mỗi khi quản tượng lấy cây gậy dài gắn tua tủa đinh chọc vào thân voi.
Màn đêm buông xuống, Kaavan tha thẩn trong khoảng chuồng rộng tương đương nửa sân bóng đá và ngủ dưới một lán bê tông đứng im lìm lạnh lẽo. Khi các tình nguyện viên của nhóm vận động thực hiện quyền động vật Four Paws International (FPI) tổng hợp báo cáo về sở thú Marghuzar, họ thấy chuồng của Kaavan “có một hào khô với tường bê tông chật hẹp, nền đất đầm cứng ngắc; xung quanh không có chút yếu tố làm cảnh vật được tự nhiên, không cây cối, thân gỗ, bụi cây, đá, lốp xe hay bất cứ khối kiến trúc nào”.
Ít nhất Kaavan không đơn độc. Suốt nhiều năm, bạn đồng hành của Kaavan trong cuộc sống cực nhọc nơi sở thú là cô voi Saheli - nghĩa là “bạn nữ” trong tiếng Urdu. Từ đất nước Bangladesh, Saheli tới sở thú Marghuzar hồi đầu thập niên 90.
Ta không thể đánh giá thấp nhu cầu có bạn tâm giao của động vật. Các chuyên gia nhận định loài voi có nhận thức phức tạp gần như con người. Tuổi đời của voi ngoài tự nhiên là 60-70 năm, cũng tương đương với loài sinh vật thông minh đang thống trị Trái Đất. Thậm chí voi cũng có cảm xúc giống chúng ta, cũng sở hữu những mối quan hệ gia đình khăng khít.
Saheli chết năm 2012. Quản lý sở thú công bố con voi Saheli qua đời do trụy tim do trời nắng nóng cực độ, nhưng tình nguyện viên Mohammad bin Naveed lại nhận định Saheli bỏ mạng do nhiễm khuẩn huyết.
“Đã có thời điểm những đầu đinh không được tiệt trùng từ gậy sắt của quản tượng đâm quá sâu vào da con vật. Cô voi bị hoại thư và bỏ mạng do sốc nhiễm khuẩn huyết. Ai cũng biết điều này, nhưng không ai thừa nhận cả”, anh Naveed nói.
Không được sống trong môi trường tự nhiên suốt khoảng thời gian dài, Kaavan đã trở nên ngày một dữ dằn nhiều năm trước cái chết của Saheli. Từ thời điểm năm 2000 trở đi, Kaavan liên tục phải sống trong xiềng xích; việc Saheli chết ảnh hưởng nhiều tới tâm lý Kaavan. Quản tượng đưa lời cảnh báo rằng Kaavan đã trở nên quá hung bạo, không một ai, kể cả chính quản tượng, dám lại gần con voi cô độc.
Khi đội FPI tới sở thú vào năm 2016, họ tận mắt chứng kiến con vật tội nghiệp hung hăng vô cùng với tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tù túng của nhà giam. Kaavan “không di chuyển nhiều, không có hành vi khám phá khu vực hay tỏ ra thoải mái, xuất hiện nhiều những hành vi lặp lại (gật đầu liên tục)”, Kaavan hoàn toàn thờ ơ với con người, “chỉ trừ một số lúc van nài”.
Thể chất của Kaavan xuống cấp trầm trọng. FPI nhận định Kaavan bị “viêm màng kết ở mắt trái, có vài điểm ở chân sau bị thiếu sắc tố da do những thương tổn từ xiềng xích, vài móng chân bị nứt và đôi chỗ biểu bì da sát móng mọc quá dài”. Rõ ràng Kaavan không được khỏe, mà lại còn quá cân do những bữa ăn thừa mứa đường ngọt phải hấp thụ hàng ngày.
Không ai muốn đánh mất ngôi sao sở thú. Hóa ra, Kaavan cần tới sự can thiệp của một ngôi sao sáng hơn để có thể tìm được bình yên.
Năm 2016, nghệ sĩ Cher hay tin về chú voi Kaavan. Diễn viên, ca sĩ từng đoạt giải Oscar, với tư cách là đồng sáng lập tổ chức từ thiện Free the Wild với tôn chỉ bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đã thuê về một đội ngũ tư vấn pháp luật để tìm cách giải thoát Kaavan khỏi sở thú.
Khi tòa án đưa ra quyết định cuối cùng hồi tháng Năm năm 2020, nghệ sĩ Cher vui sướng nói rằng đây là giây phút vĩ đại nhất đời cô. Nhiều tháng sau tuyên bố của tòa án, cô Cher liên tục cập nhật tình hình trên trang Twitter cá nhân của mình, nơi người nghệ sĩ có thể tương tác với 3,8 triệu người theo dõi.
Thế nhưng chiến dịch giành quyền tự do cho Kaavan và những con thú khác tại Marghuzar vẫn chưa ngã ngũ. Vấn đề hóc búa bị đẩy qua lại giữa những phòng ban liên quan, để rồi cuối cùng tới Tòa án Tối cao của Islamabad.
Tháng Sáu, tòa đưa quyết định đóng cửa vĩnh viễn sở thú. Vậy mà số phận Kaavan vẫn còn bị tương lai tăm tối bao trùm. Vẫn có những người tự tin (đến mức tự cao tự đại) rằng mình có thể chăm sóc cho Kaavan, từ chối đưa Kaavan rời Pakistan.
Nhưng như giáo sư Uzma Khan tới từ Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới chỉ ra, sở thú nơi Kaavan cư ngụ không phải nơi duy nhất có vấn đề. Đất nước Pakistan không có quy chuẩn chăm sóc và nuôi nhốt động vật, mà trên toàn đất nước Nam Á này, không sở thú nào là thành viên của Hội liên hiệp Sở thú và Thủy cung Thế giới (WAZA).
Chính quyền địa phương một lần nữa mời các chuyên gia FPI về giám định sức khỏe cho Kaavan; lần này họ không chỉ tới khám cho chú voi, mà còn mang theo một kế hoạch trả tự do cho “tù nhân” của nghịch cảnh. FPI dự định đưa Kaavan bay xuyên Châu Á để tới Campuchia, nơi chú có thể sống nốt phần đời còn lại trong một khuôn viên được chính phủ nước sở tại bảo vệ.
Trở ngại lớn nhất mà đội giải cứu gặp phải to như chính chú voi Kaavan: cơ thể của sinh vật hơn 30 tuổi này là cả tấn thịt chất đầy giận dữ. Cả hai yếu tố, cân nặng quá khổ và bản tính hung hăng, đều ngăn đội cứu trợ đưa Kaavan tới miền đất hứa.
Giáo sư Amir Khalil, trưởng đội FPI tới Pakistan, tìm ra giải pháp ít ai tưởng tượng ra. Đội cứu trợ cần đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình trong quá trình khám voi, nên đã phải đứng hàng giờ liền quanh chuồng nhốt Kaavan. Giáo sư Khalil gọi đây là công việc nhàm chán tột cùng.
Mọi người trong đoàn cứu trợ được chứng kiến cảnh tượng đáng yêu đến nghẹn ngào: Kaavan tự tốn nhận đồ ăn từ tay giáo sư Amir Khalil, còn lấy vòi của mình âu yếm cuốn lấy vị giáo sư mỗi lúc được ông tắm cho. Giữa những tiếng nước dội xối xả, giai điệu du dương từ giọng hát của Amir Khalil mang đến chút bình yên cho tâm hồn Kaavan.
Dần dần, Kaavan rũ bỏ cái căng thẳng trong mình mà nhẩn nha theo gót giáo sư Khalil và cộng sự vào chuồng - chiếc chuồng đặc biệt được thiết kế riêng cho chú voi, có khả năng chở sinh vật 5 tấn rưỡi bay suốt quãng đường dài 8 tiếng để tới được Campuchia.
Sau 35 dài của chặng đường chông gai, được giáo sư Khalil mô tả là tổ hợp của “sai lầm trong quản lý, đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm, nhân tính trộn lẫn với kinh doanh và tiền bạc, rồi thiếu vắng cả sự chăm sóc tới thể trạng động vật”, cuối cùng Kaavan cũng được chắp cánh bay.
Từ hồi tháng Năm, nghệ sĩ Cher nói trên Twitter rằng cô sẽ có thể tới Campuchia, và vào một ngày cuối tháng Mười một, Cher đã ghé thăm Pakistan trên đường tới đất nước Đông Nam Á. Chi tiết chặng đường di chuyển của Cher được giữ bí mật, nhưng nhiều nguồn tin cho hay cô đã gặp trực tiếp Thủ tướng Pakistan là ông Imran Khan chẳng lâu sau khi cô đáp xuống sân bay.
Cher sẽ sớm tới ngôi nhà mới của Kaavan, là Thánh địa Động vật hoang dã Kulen-Promtep rộng hơn 4.000km2. Kaavan sẽ được sống giữa thiên nhiên hoang dã, trở thành hàng xóm của nhiều những động vật đang trong diện nguy hiểm cần được bảo tồn.
Những vấn đề tâm lý cũ kèm theo những khác biệt trong nơi ở mới sẽ còn làm phiền tâm trí Kaavan nhiều tháng ngày nữa. Nhưng theo lời giáo sư Khalil, ta không cần quá lo lắng, khi mà Kaavan “cuối cùng cũng có cho mình cơ hội để thực sự làm một con voi, và được sống ở nơi chú có thể gọi là nhà”.
Trí tưởng tượng đưa ta tới đâu đó trên thánh địa ngàn mét vuông, xung quanh điểm xanh những tán cây rì rào không tuổi, nơi có chú voi trung niên đang đung đưa vòi theo từng tiếng hát chú còn nhớ, là những lời nhạc cứu rỗi tâm hồn tự do bị xiềng xích cào lên da thịt suốt ba thập kỷ.