Nga quyết tâm giúp Iran "tháo gông" vào tháng 10 năm nay?
Ngày 19/4/2020, Đại diện thường trực của Nga tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mikhail Ulyanov đã bác bỏ khả năng Moscow ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA).
Ông Ulianov cũng đưa ra tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng: "Một cuộc chạy đua vũ trang sẽ không thể diễn ra nếu chỉ từ một phía. Đó là một "hoạt động tập thể" có sự tham gia của các cường quốc hay các quốc gia trong một khu vực.
Nguy cơ này khó có thể được gỡ bỏ thông qua việc cấm vận vũ khí một quốc gia mà đòi hỏi những nỗ lực bằng các cuộc đàm phán".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông qua một bài viết trên Twitter đã kêu gọi HĐBA mở rộng lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Iran.
Đại diện thường trực của Nga tại IAEA Mikhail Ulyanov và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Vào năm 2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã bình luận về các lời kêu gọi của Mỹ nhằm gia hạn cấm vận đối với Iran là một động thái đối ngoại "vô nguyên tắc".
Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia Trung Đông sẽ dựa trên Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đã được ký dưới thời Tổng thống Mỹ Obama và căn cứ vào Nghị quyết số 2231 của HĐBA năm 2015.
Ông Ryabkov cho biết Moscow sẽ "không bị khuất phục trước yêu sách của Washington".
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018, tuy nhiên các bên còn lại bao gồm Iran, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Liên minh Châu Âu (EU) vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận.
Nghị quyết cấm vận vũ khí của HĐBA dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 18/10/2020, và nếu việc gia hạn không được thông qua (Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc là 4 thành viên HĐBA có quyền phủ quyết), Iran sẽ được "tháo gông" để có thể ngay lập tức trang bị vũ khí hiện đại.
JPCOA được cho là "thắng lợi ngoại giao" của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, tuy nhiên chỉ 3 năm sau chính quyền của Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
4 "kiệt tác vũ khí" Iran sẽ mua của Nga?
Trong tương lai gần, khi nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Iran hết hạn. Tehran cũng khó có thể "giao dịch" với các quốc gia xuất khẩu vũ khí Phương Tây như Anh, Pháp, Đức khi các nước này vấp phải sự phản đối của Mỹ.
Iran chắc chắn sẽ làm việc với nhà cung cấp truyền thống là Nga, dưới đây là 4 "kiệt tác vũ khí" mà Tehran có thể sẽ đưa vào trang bị:
1. Tiêm kích đa năng Su-30 của Nga
Không quân "già cỗi" của Iran hiện đang phụ thuộc vào các tiêm kích phản lực thế hệ 3 F-5 hoặc thế hệ 4 F-14 có trong trang bị từ trước năm 1979 và do Mỹ sản xuất.
Ngoài việc nhận được sự hỗ trợ của Nga trong việc bảo trì, nâng cấp để "hồi sinh" các tiêm kích MiG-29A, MiG-29UB, Su-24MK có trong trang bị, Iran sẽ phải bổ sung các máy bay thế hệ 4+ và Su-30 sẽ là lựa chọn tối ưu.
Cũng như cách mà Ấn Độ đã làm với Su-30MKI, nhiều khả năng Iran sẽ ký một hợp đồng hợp tác với phía Nga để có thể chủ động lắp ráp và sản xuất máy bay chiến đấu theo giấy phép trong điều kiện một lần nữa bị bao vây - cô lập.
Hình minh họa.
2. Hệ thống phòng không S-400 của Nga
Việc các hệ thống phòng không "bản địa" và ngay cả S-300PMU2 do Nga sản xuất "án binh bất động" khi F-35 Israel và Mỹ gia tăng hoạt động thâm nhập không phận Iran kể từ năm 2018 là một câu hỏi chưa có lời đáp, đặc biệt là sau sự cố bắn nhầm máy bay Ukraine tháng 1/2020.
Để đối phó với nguy cơ bất ngờ bị các tiêm kích tàng hình tập kích trong tương lai, Tehran chắc chắn sẽ phải trang bị các tổ hợp tên lửa - radar có thể khuất phục những máy bay hiện đại của đối phương.
Tính tới thời điểm hiện tại, hệ thống phòng không đáng được Iran quan tâm là S-400 Triumf của Nga. Việc radar của S-400 Nga phát hiện ra F-35 năm 2019 chứng minh rằng các hệ thống phòng không nói trên thỏa mãn các yêu cầu hiện tại của Iran.
Hệ thống phòng không S-400.
3. Các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và T-72B3
Cùng với Quân đội Arab Syria (SAA), lực lượng Hezbollah Lebanon và các lực lượng vũ trang Iraq, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là những người biết rất rõ về xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90.
Nhiều tin đồn chưa xác thực cho rằng những chiếc T-90A/S mà SAA (và Hezbollah) vận hành thuộc sở hữu của Iran. Tương tự như vậy, quyết định trang bị T-90SM của Lực lượng An ninh Iraq (ISF) có nhiều dấu hiệu cho thấy "bàn tay" của Tehran.
Mặc dù việc trang bị các loại MBT Trung Quốc vẫn còn là một lựa chọn, tuy nhiên Iran khó có khả năng "ngoảnh mặt" với người Nga trong việc đưa vào trang bị xe tăng T-90 và T-72B3 trước kinh nghiệm thực chiến ấn tượng ở Syria.
Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của Iran vẫn là chủ động hợp tác sản xuất trong nước T-72B3 và nâng cấp 480 chiếc T-72M1 và T-72S có trong trang bị, điều mà người Nga có thể sẽ chấp nhận.
Một xe tăng T-90 được Kataib Hezbollah (Mỹ liệt lực lượng này là khủng bố và là quân ủy nhiệm của Iran ở Iraq) vận hành tham chiến ở khu vực biên giới Syria và Iraq năm 2017.
4. Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động K-300P Bastion-P
K-300P Bastion P là hệ thống tên lửa mới, hiện đại thuộc tầm cỡ bậc nhất thế giới. Hiện nay chỉ có một số ít khách hàng sử dụng vũ khí này bao gồm Nga, Việt Nam và Syria.
Damascus hiện là đồng minh của cả Moscow lẫn Tehran, do vậy việc chia sẻ thông tin tính năng kỹ thuật cũng như ưu nhược điểm của K-300P Bastion P giữa quân đội hai nước là khá dễ hiểu.
Trong bối cảnh việc được dỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ đem lại "cơ hội vàng" cho Iran trong việc tăng cường sức mạnh, nhưng vũ khí mà Tehran có thể tiếp cận công khai sẽ chỉ bổ sung năng lực phòng thủ trước sức ép của Mỹ, lựa chọn K-300P Bastion P chắc chắn là quyết định sáng suốt.
Phương án tác chiến chống hạm của K-300P Bastion P.
Trung Quốc sẽ là "kẻ ăn hôi vĩ đại"?
Bên cạnh Nga, Iran có một lịch sử hợp tác chia sẻ công nghệ quân sự với Trung Quốc, đặc biệt là trong việc phát triển các hệ thống tên lửa.
Các vũ khí Trung Quốc như tiêm kích đa năng J-10, hệ thống phòng không HQ-22 hay các loại tên lửa chống hạm siêu thanh DF-17 có thể sẽ vẫn là lựa chọn thay thế nếu các giao dịch vũ khí với Nga bị Mỹ "gây khó dễ".
Đúng như nhà ngoại giao Mikhail Ulyanov đã bình luận, Tehran khó có thể chạy đua vũ trang một mình, ở bên cạnh họ đã có Moscow và Bắc Kinh.
Việc gia tăng sức ép của Mỹ đã "phản tác dụng", không những không khiến Iran "quỳ gối" mà còn khiến họ phải tìm mọi cơ hội để tiếp cận những công nghệ vũ khí tối tân nhất với mục đích bảo vệ bản thân và từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Iran công bố video chặn tàu Mỹ trên Vịnh Ba Tư