Điều này sẽ giúp cho Hải quân hoàn thiện các yêu cầu của mình và chuẩn bị cho việc mở thầu cạnh tranh đóng mới 20 hộ tống hạm, mỗi tàu có giá hơn 800 triệu USD. Những chiếc tàu này sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược khôi phục lại sức mạnh hạm đội tàu chiến bề mặt của Hải quân Mỹ.
Kế hoạch phát triển tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường mới được công bố lần đầu vào năm 2017, kế hoạch này được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp Hội Hải quân Bề mặt (SNA) ngày 15/01/2019 vừa qua.
Dự án phát triển hộ tống hạm tên lửa mới được gọi là FFG (X) được giao cho 5 công ty chuyên thiết kế các chiến hạm bao gồm: General Dynamics Bath Iron Works, Fincantieri Marine, Huntington Ingalls, Austal USA và Lockheed Martin. Mỗi công ty được nhận 15 triệu USD để lên các mẫu thiết kế và tư vấn cho Hải quân Mỹ có được chính xác những yêu cầu cho các chiến hạm mới.
Một số thiết kế hộ tống hạm mới được đề xuất (Ảnh USNI News)
Tiến sỹ Regan Cambell, người chịu trách nhiệm chính về chương trình FFG (X) tại Bộ Tư lệnh Hải Quân cho biết: "Yêu cầu của chúng tôi là mọi thứ phải thật cẩn thận, tỉ mỷ. Chúng tôi đã thuê các chuyên gia đầu ngành và cũng đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Chúng tôi đang hoàn thiện các thiết kế dựa trên những yêu cầu thực tế, từ đó tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có một thiết kế đảm bảo cho việc xây dựng chi tiết chiến hạm mới". Campbell cho biết Hải quân đã tiếp nhận hơn 300 đề xuất của 5 nhà thiết kế nói trên với mẫu thiết kế hộ tống hạm mới, và công việc đang xoay quanh 200 đề xuất.
Không có nhiều thông tin chi tiết về những yêu cầu hay thay đổi từ phía Hải quân nhưng công việc đang diễn tiến tốt đẹp và chi phí đóng mới cho mỗi con tàu khoảng 800 triệu USD. Chi phí sẽ phản ánh thực chất những nhu cầu của Hải quân với chương trình FFG (X).
Vào tháng 01/2018, Hải quân Mỹ đã đưa ra một bản phân tích về các hệ thống tích hợp và thông số kỹ thuật tổng thể mà họ mong muốn chiến hạm mới sở hữu, khi đó tiến sỹ Campbell cho biết giá thành cho mỗi con tàu sẽ vào khoảng 950 triệu USD.
Hệ thống vũ khí
Vũ khí đáng chú ý nhất trên mỗi chiến hạm FFG (X) sẽ là hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) MK-41 bao gồm 32 ống phóng. Ban đầu yêu cầu của Hải quân chỉ là 16 ống phóng.
Với sự điều chỉnh mới này sẽ hình thành nên cơ sở cho khả năng phòng không của mỗi chiến hạm. Với vũ khí chính sẽ là 128 tên lửa phòng không tầm trung Sparrow thuộc hệ thống phòng không RIM-162 Evolve (4 tên lửa/ống phóng).
Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk-41 này có khả năng chứa các loại tên lửa khác trong tương lai, bao gồm cả Đạn tên lửa đánh chặn SM-6 Block IA có thể đạt tầm bắn 240 km, độ cao diệt mục tiêu 33 km và tốc độ hành trình Mach 3,5 (trên 4.000 km/h).
Với thông số này, nó được đánh giá là một trong những loại tên lửa đánh chặn số 1 thế giới hiện nay. Hiện tại, chưa rõ có hay không các yêu cầu mới từ Hải quân, nhưng với các ống phóng Mk-41 cũng cho phép các tàu hộ tống trang bị các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk.
Cảm biến phòng không chính của con tàu vẫn sẽ là radar phòng không sử dụng 3 ăng ten cố định (EASR biến thể SPY-6 (V) 3). Hệ thống radar này trong tương lai cũng sẽ được trang bị cho các tàu đổ bộ tấn công USS Bougainville (LHA-8) thuộc lớp America và các tàu sân bay mới lớp Ford, đầu tiên sẽ là USS John F.Kennedy.
Trong bài báo cáo của mình, Tiến sỹ Campbell cũng chỉ ra rằng có một yêu cầu tích hợp tên lửa chống ngầm phóng thẳng đứng RUM-139 VL-АSRОC hoặc một tên lửa chống hạm mới có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Các tên lửa chống ngầm mới có thể mang một ngư lỗi dẫn đường nhẹ có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 20 km.
Song song với đó cũng có những phương án trang bị ống phóng ngư lôi trên tàu nhằm tăng khả năng chống ngầm độc lập của các chiến hạm FFG (X). Hải quân muốn FFG (X) có hai loại sonar kéo và một mảng sonar cố định để phát hiện các mỗi đe dọa dưới nước.
Điều này sẽ giúp các chiến hạm chống lại các mối đe dọa tốt hơn khi mà Nga và Trung Quốc đang mở rộng phạm vi và khả năng tác chiếc của các đội tàu ngầm của mình.
Một chi tiết mới quan trọng khác về vũ khí biên chế trên các hộ tống hạm mới mà Hải quân Mỹ yêu cầu là 2 bệ phóng với 08 tên lửa chống hạm. Gần như chắc chắn đạn tên lửa trang bị cho các bệ phóng này sẽ là từ nhà thầu Raytheon (Mỹ) và công ty Kongsberg (Na Uy).
Họ đã bắt đầu cung cấp các tên lửa này cho Hải quân để trang bị cho một số tàu chiến Littoral (LCS). Các chiến hạm mới cũng sẽ được trang bị một pháo chính 57 mm có khả năng bắn đạn dẫn đường chi phí thấp ALaMO tiên tiến, hệ thống phòng thủ tầm gần SeaRAM và nhiều súng máy tự động khác.
Vũ khí laser được trang bị trên USS Portland (Ảnh USNI News)
Hải quân cũng đưa ra mong muốn các tàu FFG (X) có đủ không gian và năng lực để trong tương lai có thể triển khai một vũ khí laser có công suất 150 kW. Đây chỉ là yêu cầu mở rộng dự phòng cho tương lại, khi mà năm 2020 các chiến hạm lớp Arleigh Burke sẽ được tích hợp các hệ thống vũ khí laser Hải quân công suất 60 kW.
Hiện tại một nguyên mẫu hệ thống vũ khí laser có công suất 30kW mới được trang bị thử nghiệm trên USS Portland. Hệ thống vũ khí laser sẽ giúp bảo vệ chiến hạm trước các máy bay không người lái cũng như các xuồng cao tốc cỡ nhỏ, đồng thời trong tương lai với công suất được đẩy lên 150 kW, nó cũng sẽ cung cấp thêm một lớp phòng thủ chống lại các tên lửa chống hạm.
Cảm biến và hệ thống tác chiến điện tử
Ngoài radar chính, Hải quân có kế hoạch trang bị một bộ cảm biến và tác chiến điện tử mạnh cho các chiến hạm mới, kết hợp với các hệ thống độc lập trên máy bay trực thăng MH-60R Sea Hawk và máy bay không người lái MQ-8C Fire Scout.
Chẳng hạn như mỗi hộ tống hạm FFG (X) sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử nâng cấp AN/SLQ-32 (V) 6 (SEWIP) Block II. Hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 (V) được điều khiển bởi một máy tính tốc độ cao có khả năng xử lý, quản lý hàng nghìn phép tính/giây và được vận hành bằng phương thức tự động hoặc bán tự động.
Trong đó, bộ phận trinh sát điện tử sử dụng băng tần hỗn hợp nên có khả năng mở rộng dải trinh sát với độ chính xác lên tới 1 độ và phạm vi bao phủ 360 độ.
Còn bộ phận gây nhiễu điện tử được cấu thành bởi 4 angten, mỗi angten có khả năng tác nghiệp một góc 90 độ với tổng cộng 140 dải tần số khác nhau. Hệ thống này có thể cùng một lúc gây nhiễu đối với 80 bộ rada với thời gian phản ứng trước các tình huống cực ngắn.
Cũng trong bản báo cáo này, Tiến sỹ Campbell cũng chỉ ra rằng kế hoạch trang bị hệ thống tác chiến điện tử cho chiến hạm mới sẽ là hệ thống Block III hay còn gọi là SLQ-32 (V) 7 với nhiều cải tiến vượt trội hơn.
Thậm chí, hệ thống này có thể phóng ra những vụ nổ năng lượng vi sóng công suất cao khiến các radar tìm kiếm của đối phương hoặc của các tên lửa chống hạm bị hư hại.
Khả năng liên lạc và đồng bộ hóa
Các chiến hạm FFG (X) đều được yêu cầu trang bị các hệ thống liên lạc và liên kết dữ liệu để dễ dàng chia sẻ và trao đổi thông tin với các lực lượng hải quân, không quân và lục quân.
Như vậy, các thành phần của Hải quân Mỹ sẽ được thiết lập liên kết với nhau sử dụng hệ thống phối hợp trong tác chiến (CEC), một phần của hệ thống NIFC-CA, đây là hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình hoạt động dựa trên mạng lưới phối hợp hoạt động của Hải quân Mỹ (CEC), trong đó sử dụng các đường dẫn dữ liệu để truyền tải thông tin.
Việc nâng cấp dựa trên NIFC-CA này sẽ cho phép các tàu chiến thực hiện chức năng phòng không song song với nhiệm vụ chống lại tên lửa đạn đạo chiến lược (BMD).
CEC cũng rất quan trọng trong việc liên kết các tàu có người lái và các tàu không người lái trong tương lại. Hải quân có một kế hoạch lâu dài để phát triển một loạt các chiến hạm không người lái cỡ nhỏ, vừa và lớn với khả năng thực hiện đa dạng các nhiệm vụ khác nhau.
Tính phổ biến của các khí tài
Đối với những chiến hạm thuộc chương trình FFG (X) này, Hải quân Mỹ không muốn các hộ tống hạm tên lửa mới sở hữu bất kỳ hệ thống đặc thù nào trên con tàu. Tất cả, vũ khí, hệ thống điện tử và các thiết bị khác sẽ là những khí tài phổ biến trên các chiến hạm Hải quân khác trong thời điểm hiện tại hoặc đang được phát triển và áp dụng cho nhiều loại tàu chiến trong tương lai.
"Bất kỳ hệ thống nào trên các con tàu mới này như radar và vũ khí đều cùng chủng loại với những gì chúng tôi đã biết và sở hữu, chúng tôi không phải trả thêm chi phí cho việc tích hợp bổ sung các phương tiện chiến đấu mới" - Đô đốc Hải quân Mỹ, Ron Boxall, cho biết.
Sự phổ dụng cũng sẽ giúp cho chi phí bảo trì và vận hành dễ dàng hơn. Chuỗi hậu cần và huấn luyện thủy thủ đoàn cũng thuận lợi hơn. Tất cả đều nhằm mục đích tiết kiệm ngân sách, đẩy mạnh khả năng đào tạo các nhân tố mới bổ sung nhanh chóng cho các chiến hạm mới.
Dự kiến Hải quân sẽ đặt hàng nguyên mẫu đầu tiên trong năm tài khóa 2020. Sau đó, nếu không có gì thay đổi việc đặt hàng sẽ được triển khai với các con tàu còn lại cho đến năm 2030.
Hàng tỷ USD sẽ được đầu tư cho chương trình đóng mới tàu chiến của Hải quân trong tương lai kết hợp với khả năng sẽ có nhiều bản hợp đồng bảo dưỡng và nâng cấp các chiến hạm cũng sẽ được đưa ra. Đồng thời không loại trừ khả năng Hải quân sẽ mua thêm các chiến hạm mới sẽ biến dự án FFG (X) trở thành miếng bánh béo bở cho các nhà thiết kế và đóng tàu quân sự./.