Ngay từ khi con còn bé, cha mẹ cần nuôi dưỡng cho con những thói quen ý thức tốt. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với việc cha mẹ đứng kề kề bên cạnh khi con làm bài tập về nhà.
Tính kỷ luật tự giác cần phải được trau dồi, bởi trẻ em rất tò mò và ham chơi. Kỷ luật tự giác không khác gì thử thách đối với ý chí của chúng. Khi biết cách làm chủ các hành vi tự giác, con trẻ sẽ có động lực và nhiều khả năng đạt được thành công hơn.
Chẳng hạn ở Trung Quốc, một cậu bé 8 tuổi đã đạt được phẩm chất quý giá này. Sáng nào cậu bé cũng dậy vào lúc 6h30 và đọc sách sau khi tắm rửa. Sự kiên trì này kéo dài trong hơn 400 ngày.
Theo người mẹ, thời gian đầu thực sự khá khó khăn. Lúc đầu con trai không kiên trì được, thích xem TV và chơi game. Nhưng khi có mẹ và chị gái đọc sách cùng, TV tắt, cậu bé bắt đầu hình thành thói quen đọc sách buổi sáng.
So với nhiều người lớn, cậu bé này còn thành công hơn họ, nhất là những người mắc "căn bệnh" trì hoãn. Sở dĩ trẻ có thể kiên trì như vậy là do có cha mẹ làm gương, hàng ngày dậy sớm và cùng trẻ đọc sách. Theo thời gian, cậu bé dần phát triển tính tự giác và trở thành thói quen.
Có thể thấy, nếu chỉ giáo dục trẻ bằng lời nói, cha mẹ khó có thể thành công, thậm chí khơi dậy tâm lý chống đối của trẻ, cho rằng người lớn nhiều lời. Vì vậy, cách giáo dục hiệu quả nhất là cha mẹ cần trở thành tấm gương. Con cái có thể nhìn thấy và ghi nhớ các hành vi của cha mẹ và chúng thể hiện qua hành động hoặc lời nói.
Ảnh minh họa: The Jakarta Post.
Ví dụ khác, cô gái tên Marietta thức dậy trước bình minh mỗi sáng để tập thể dục. Cô làm việc hiệu quả trong văn phòng, bỏ qua những phiền nhiễu và tập trung cho các dự án quan trọng. Buổi tối, cô tham gia lớp học trực tuyến để lấy bằng MBA.
Làm thế nào mà những người như Marietta có thể đạt được nhiều thành tựu một cách nhất quán như vậy? Một phần của câu trả lời nằm ở kỷ luật tự giác.
Loại kỷ luật này thúc đẩy con người thực hiện những ý định và mục tiêu, ngay cả khi họ không muốn làm. Nếu có kỷ luật tự giác, họ có thể từ bỏ niềm vui ngắn hạn để theo đuổi lợi ích lâu dài. Phẩm chất này mang đến sức mạnh và giúp họ đạt được thành công lớn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những sinh viên có kỷ luật tự giác mạnh mẽ sẽ cẩn thận hơn trong các nhiệm vụ, điều này giúp cải thiện hiệu suất.
Kỷ luật tự giác giống như cơ bắp trong cơ thể. Con người càng nỗ lực phát triển và sử dụng liên tục, cơ bắp càng trở nên mạnh mẽ. Có một số nguyên tắc mà bậc cha mẹ cần lưu ý nếu muốn phát huy hết tiềm năng của con. Cha mẹ không nên bắt đầu rèn luyện cho con cái với những mục tiêu quá xa vời. Thay vào đó, bậc phụ huynh nên đặt ra những mục tiêu nhỏ và tăng dần mức độ thử thách theo thời gian. Con trẻ càng thực hành nhiều, chúng càng trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã trưởng thành, người lớn cũng có thể rèn luyện kỷ luật tự giác. Không ai có thể quay ngược thời gian để thay đổi quá khứ, nhưng họ có thể bắt đầu ngay hôm nay và tạo ra kết thúc mới cho bản thân.
Theo cây viết của Mindtools, mọi người có thể thực hiện 5 bước sau để phát triển kỷ luật tự giác:
Xác định mục tiêu
Bạn nên bắt đầu rèn luyện kỷ luật tự giác bằng những mục tiêu nhỏ, như tập trung làm việc trong vòng một giờ mà không bị tin nhắn hay chỉ tiêu thụ thực phẩm lành mạnh trong một tuần.
Khởi đầu nhỏ là cách tốt nhất để phát triển kỷ luật tự giác. Khi tính kỷ luật trở nên mạnh mẽ hơn, bạn có thể mở rộng mục tiêu và lĩnh vực trong cuộc sống.
Tìm động lực
Khi đã có mục tiêu, bạn cần liệt kê ra những lý do bạn muốn đạt được mục tiêu đó và nên diễn giải chúng theo hướng tích cực. Chẳng hạn, thay vì nói "Tôi muốn tập thể dục 3 lần/tuần để giảm cân", bạn có thể nói "Tôi muốn tập thể dục để có năng lượng chơi với con và làm việc hiệu quả".
Bằng cách liệt kê lý do, bạn sẽ thấy việc hoàn thành các mục tiêu dễ dàng hơn nhiều.
Ảnh minh họa: Entrepreneur.
Xác định chướng ngại vật
Bước tiếp theo bạn cần làm là xác định những trở ngại có thể gặp phải khi thực hiện mục tiêu, đồng thời vạch ra chiến lược để vượt qua trở ngại. Nhiều kế hoạch rèn luyện kỷ luật tự giác thất bại bởi mọi người không dự đoán được trở ngại họ có thể gặp và phát triển chiến lược đối phó.
Ví dụ, bạn mua cuốn sách về kỹ năng mềm và dự định đọc trong một tuần. Nhưng công việc bận rộn hay cuộc hẹn với bạn bè… khiến bạn không có thời gian để đọc sách. Đó là những chướng ngại vật làm bạn xao nhãng khỏi mục tiêu chính.
Loại bỏ thói quen cũ
Khi phát triển tính kỷ luật tự giác, bạn cần cố gắng từ bỏ thói quen xấu và thay thế bằng thói quen lành mạnh hơn. Thay vì mua sắm trực tuyến, bạn có thể thực hiện vài bài tập thể chất giãn cơ, uống cốc nước hay đi bộ. Những hành vi này sẽ giúp hỗ trợ mục tiêu và củng cố kỷ luật tự giác.
Theo dõi tiến trình
Trong lúc phát triển kỷ luật, bạn nên chú ý đến cảm nhận của bản thân. Chẳng hạn, bạn có cảm thấy tự do, hạnh phúc, tự hào và tràn đầy năng lượng không? Điều này cho thấy bạn đang thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực, đồng thời vạch rõ con đường phát triển của bản thân.