Tương truyền vào cuối đời nhà Minh có một hòa thượng già, ẩn cư trong một cái am nhỏ trên đỉnh núi Nga Mi. Suốt một thời gian dài đằng đẵng, vị hòa thượng không xuống núi, không ăn cơm, không uống nước mà chỉ lặng lẽ ngồi kiết già.
Có một chú tiểu sống cùng ông, thỉnh thoảng vẫn xuống núi mua gạo nấu cơm.
Cứ như thế, lão hòa thượng ngồi tọa hơn mười năm. Một hôm, vị hòa thượng già bất ngờ mở mắt, nói với đệ tử: "Con ở lại đây sống cho tốt, ta phải đi rồi".
Quá bất ngờ trước quyết định của thầy, lại không chịu được việc thầy ra đi, chú tiểu cầm vạt áo hòa thượng già khóc lớn.
Lão hòa thượng thấy vậy liền nói: "Không được như thế", rồi lôi từ trong túi áo ra một tấm giấy vàng, trên đó có vẽ chân dung của mình, có đầy đủ mắt, tai, miệng, mũi, duy chỉ thiếu lông mày.
Ông muốn đệ tử cất giữ bức ảnh của mình: "Sau khi ta đi, hết 12 năm, con hãy xuống núi tìm ta, nhìn thấy người nào thì lấy bức tranh đó ra cho người đó xem. Nếu như có người nào đó giúp con vẽ nốt phần lông mày trên bức tranh, người đó chính là ta."
Nói xong, hòa thượng già biến mất từ lúc nào.
Không lâu sau đó, Trương Hiến Trung (lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Minh) dẫn quân đánh vào Tứ Xuyên, giết sạch quân dân Tứ Xuyên. Đồ đệ của lão hòa thượng vẫn nhớ lời thầy mình dặn dò, kiên quyết không xuống núi nên may mắn thoát được nguy nan.
Nhờ kiên trì lời dặn của thầy, vị hòa thượng trẻ đã thoát được nguy nan thời loạn lạc.
Về sau, quân Thanh đánh vào, thay thế nhà Minh. Cho đến khi Thuận Trị lên ngôi vua, khoảng thời gian 12 năm chờ đợi của chú tiểu ngày nào cuối cùng cũng kết thúc. Vị đệ tử quyết định xuống núi, đi khắp nơi tìm thầy, mất hơn chục năm nhưng lão hòa thượng vẫn bặt vô âm tín.
Về sau, vị đồ đệ đến Bắc Kinh xin ăn. Vừa hay dịp đó, Thuận Trị ra ngoài đi săn. Nhà sư không biết đó là đội quân hoàng gia, chỉ nhớ lời thầy dặn nên cứ thế tiến về phía trước, mạo phạm ngự giá, thỉnh cầu Thuận Trị xem bức tranh.
Đám thị vệ thấy vậy định bắt giữ hòa thượng này lại nhưng đã bị Thuận Trị gạt đi, đồng thời yêu cầu người này mở bức tranh ra cho mình xem.
Vừa nhìn, ông đã kinh ngạc thốt lên: "Tại sao bức tranh này không vẽ lông mày?"
Nói rồi, ông ra lệnh cho thuộc hạ mang bút lông tới, chính tay ông cầm bút vẽ thêm lông mày cho bức tranh chân dung. Đồ đệ của vị hòa thượng già bất ngờ khóc lớn, dập đầu lia lịa gọi thầy và thuật lại y nguyên lời dặn của thầy trước lúc đi.
Vua Thuận Trị kinh ngạc ngộ ra, thì ra kiếp trước của mình là một lão tăng trên núi Nga Mi!
Tương truyền làm vua không lâu, Thuận Trị đã bỏ lại ngai vàng và quyền lực, cùng đệ tử lui đến thâm sơn cùng cốc trên núi Phật Đà (thuộc Chiết Giang ngày nay) sống hết đời.
Sau này, vua Khang Hy có đến vùng Giang Nam 6 lần, mục đích là để tìm kiếm tung tích của Thuận Trị. Việc ông vua thứ 3 của nhà Thanh lên núi, mặc dù chính sử không ghi chép, thông tin trong dã sử cũng khác nhau nhưng được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian.
Người tu luyện cũng không hề bị mê muội hay lạc lối giữa dòng đời lênh đênh chìm nổi, thứ họ thể hiện ra đó là niềm tin kiên định khiến người trong thiên hạ phải kính nể. Ảnh minh họa.
Lời bình
Người tu luyện mặc dù thân đặt nơi hồng trần song tâm họ được hoàn toàn giải phóng ra ngoài. Đứng trước những khó khăn và cám dỗ của cuộc đời, người tu luyện luôn nhớ kỹ lời dặn dò của bề trên, của thầy dạy, cất công tìm kiếm duyên phật dù đó là một hành trình dài đằng đẵng.
Người tu luyện cũng không hề bị mê muội hay lạc lối giữa dòng đời lênh đênh chìm nổi, thứ họ thể hiện ra đó là niềm tin kiên định khiến người trong thiên hạ phải kính nể.