NHK cho hay, kể từ khi căn cứ ở Djibouti - mà Bắc Kinh gọi là cơ sở tiếp tế hậu cần - được đưa vào sử dụng tháng 8 năm nay, các hình ảnh toàn cảnh căn cứ này chưa từng được công khai.
Các hình ảnh do NHK công bố cho thấy góc nhìn toàn diện lần đầu tiên về căn cứ quân sự tại nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích đây là những thước phim "quay trộm".
Theo NHK, cơ sở hậu cần của Trung Quốc ở Djibouti được bao quanh bởi một bức tường cao, có độ dày tới 8m, và mức độ kiên cố gây liên tưởng tên công trình nổi tiếng Vạn lý Trường thành tại Trung Quốc. Các quân nhân canh gác được nhìn thấy từ các tháp canh, còn bên trong căn cứ là các công trình được cho là trung tâm chỉ huy, các khu ký túc cao 4-5 tầng, nhà chứa máy bay trực thăng... Do mục tiêu đồn trú lâu dài, căn cứ này được xây dựng hết sức vững chãi.
Phân tích từ các ảnh chụp vệ tinh cho thấy, bên trong căn cứ Trung Quốc có một sân bay trực thăng dài khoảng 400m, cũng như bến đáp tàu chiến, đang trong quá trình xây dựng.
Căn cứ Trung Quốc nằm cách các căn cứ của quân đội Mỹ, Pháp và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) khoảng 10km. Hiện Mỹ có khoảng 4.000 lính đồn trú tại đây, còn Pháp có 2.000 người.
Hình ảnh căn cứ Trung Quốc tại Djibouti cắt từ phóng sự của đài NHK (Ảnh: Huanqiu)
Dù chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định căn cứ quân sự Djibouti chỉ phục vụ mục đích hậu cần, Mỹ và các đồng minh vẫn tin rằng cơ sở này là viên gạch đầu tiên trong quá trình mở rộng thế lực quân sự ở nước ngoài của Bắc Kinh. Tuy là một trong những nước nghèo nhất khu vực Đông Phi, Djibouti lại có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, "án ngữ" cửa biển Hồng Hải dẫn đến kênh đào Suez - kết nối tuyến hàng hải Á-Âu.
Đáp trả thông tin từ đài NHK, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản có cái nhìn nghi ngờ phiến diện và mục đích xấu nhằm vào lực lượng quân sự Trung Quốc ở nước ngoài.
Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Djibouti chính thức hoạt động từ ngày 1/8/2017