Theo số liệu của FactSet, từ đầu tháng 7 đến hết phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/9), Nhân dân tệ tăng 3,9% so với USD - mức tăng đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2008.
Những quý khác mà Nhân dân tệ có mức tăng mạnh hơn quý III/2020 đều là những quý của thập niên 1970 và 1980, rất lâu trước khi Trung Quốc bắt đầu cải cách thị trường tiền tệ vào năm 1994.
Trái với sự tăng giá của Nhân dân tệ, chỉ số Dollar Index - một thước đo tỷ giá USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - giảm 3,7% trong quý 3. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã giảm 2,7%.
HAI NHÂN TỐ GIÚP NHÂN DÂN TỆ TĂNG GIÁ
Sự vững vàng của kinh tế Trung Quốc - với tư cách quốc gia đầu tiên bùng dịch Covid-19 và cũng là nước đầu tiên đưa đại dịch về tầm kiểm soát - đã giúp ích nhiều cho tỷ giá Nhân dân tệ, theo ông Jason Brady, Giám đốc Thornburg Investment Management.
"Điều mà chúng ta chứng kiến là một nền kinh tế Trung Quốc mạnh. Đây là một nhân tố phía sau đồng Nhân dân tệ mạnh", ông Brady nói trong một cuộc trao đổi với tờ Wall Street Journal.
Sau thời gian giãn cách xã hội, nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng sôi động trở lại, đặc biệt là khu vực xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 của nước này mạnh hơn dự báo và thặng dư thương mại Trung-Mỹ tiếp tục gia tăng. Nhu cầu của thị trường thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc cũng làm gia tăng nhu cầu đối với Nhân dân tệ.
"Các nhà đầu tư ngoại hối đã đón nhận sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc ở thời điểm này", một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase nhận xét.
Trong tháng 9 vừa qua, Nhân dân tệ có lúc tăng giá tới mức dưới 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2019. Ngày 30/9, cặp tỷ giá này dao động quanh ngưỡng 6,81 Nhân dân tệ/USD.
Mức tăng/giảm hàng quý của tỷ giá Nhân dân tệ so với USD từ quý I/2008 đến quý III/2020 - Nguồn: Societe General/MarketWatch
Ông Brady dự báo đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục yếu trên diện rộng, bởi Mỹ vẫn đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp như lãi suất siêu thấp và kích thích tài khóa.
So với các ngân hàng trung ương lớn khác, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) kém mềm mỏng hơn trong chính sách tiền tệ. Từ tháng 5 đến nay, PBoC không có đợt cắt giảm lãi suất chủ chốt nào. Điều này làm gia tăng khoảng cách về lợi suất giữa các tài sản Trung Quốc và tài sản từ các nền kinh tế lớn khác, trong đó có trái phiếu chính phủ.
SỨC HÚT TỪ CỔ PHIẾU, TRÁI PHIẾU TRUNG QUỐC
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức trên 3%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn, một mức chênh lệch lớn chưa từng thấy - theo số liệu của FactSet.
"Mọi thứ ở Trung Quốc đang trở lại bình thường. Điều này báo hiệu tốt cho niềm tin của nhà đầu tư"Chuyên gia kinh tế Suan Teck Kin thuộc UOB ở Singapore
Ông Jim Veneau, trưởng bộ phận trái phiếu châu Á thuộc AXA Investment Managers, nói rằng các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu Nhân dân tệ trong danh mục đầu tư toàn cầu có thể hưởng lợi từ chênh lệch gia tăng trong lợi suất danh nghĩa, cũng như sự gia tăng tỷ giá Nhân dân tệ.
Song song với đó, việc giới đầu tư mua các tài sản Nhân dân tệ cũng thúc đẩy thêm sự tăng giá của đồng tiền này - ông Veneau nhấn mạnh.
Theo Wall Street Journal, dòng vốn ngoại chảy đều đặn vào thị trường tài chính Trung Quốc trong những năm gần đây một phần là kết quả của việc Trung Quốc được đưa vào nhiều chỉ số chứng khoán và trái phiếu có ảnh hưởng.
Tuần trước, FTSE Russell quyết định đưa Trung Quốc vào chỉ số chủ đạo của công ty này về trái phiếu chính phủ toàn cầu. Trước đó, JPMorgan Chase và Bloomberg LP đã có động thái tương tự.
Morgan Stanley ước tính trong thời gian từ nay đến 2020, mỗi năm sẽ có từ 80-120 tỷ USD vốn ngoại mua ròng trái phiếu chính phủ Trung Quốc và hơn 100 tỷ USD vốn ngoại mua ròng cổ phiếu Trung Quốc.
Ngân hàng này cùng một số ngân hàng khác, gồm Goldman Sachs và HSBC, gần đây đồng loạt điều chỉnh dự báo tỷ giá Nhân dân tệ năm 2020 theo hướng nâng lên.
Tuy nhiên, các nhà phân tích có cái nhìn khác nhau về việc Nhân dân tệ có thể tăng giá thêm hay không và nếu có thì sẽ tăng thêm bao nhiêu. Sự đồng thuận là nếu tăng giá thêm, Nhân dân tệ sẽ không tăng với tốc độ nhanh chóng như ghi nhận trong quý vừa qua.
Wall Street Journal đã tiến hành một cuộc khảo sát về tỷ giá Nhân dân tệ với sự tham gia của 14 chuyên gia kinh tế và chiến lược gia.
Ý kiến lạc quan nhất, đến từ chuyên gia của Goldman Sachs và United Overseas Bank (UOB), dự báo Nhân dân tệ sẽ đạt mức 6,5 Nhân dân tệ/USD trong vòng khoảng 1 năm tới. Ý kiến bi quan nhất, đến từ Daiwa Capital Markets, cho rằng Nhân dân tệ sẽ ở mức 7,6 Nhân dân tệ/USD vào cuối năm 2020.
Các dự báo khác về tỷ giá Nhân dân tệ cho năm 2020 và 2021 dao động trong khoảng 6,55-7,05 Nhân dân tệ/USD.
"Mọi thứ ở Trung Quốc đang trở lại bình thường. Điều này báo hiệu tốt cho niềm tin của nhà đầu tư", chuyên gia kinh tế Suan Teck Kin thuộc UOB ở Singapore phát biểu.
TÁC ĐỘNG ĐẾN DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC
Ông Suan nhấn mạnh rằng sự hồi phục tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy giới đầu tư bơm tiền vào cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu nước này. Ông dự báo Nhân dân tệ đạt mức 6,7 Nhân dân tệ/USD trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020 và 6,5 Nhân dân tệ/USD trong nửa sau của năm 2021.
Một đồng Nhân dân tệ mạnh hơn làm suy yếu những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh thao túng tỷ giá đồng nội tệ
Từ 2018 đến nay, tỷ giá Nhân dân tệ bị chi phối nhiều bởi các diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đầu năm nay, khi Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Nhân dân tệ đã tăng giá.
Sau đó, Nhân dân tệ lại sụt giá khi thương chiến căng thẳng trở lại và nền kinh tế Trung Quốc tụt dốc bị đại dịch. Tiếp theo, Nhân dân tệ có một đợt hồi giá vào cuối tháng 5, để rồi lại đi xuống và tăng mạnh trở lại trong quý III.
Dù vậy, nếu so với các đồng tiền giao dịch tự do như Đôla Australia hay Bảng Anh, mức độ biến động của tỷ giá Nhân dân tệ năm nay thấp hơn nhiều. Đó là nhờ Trung Quốc duy trì kiểm soát tỷ giá chặt chẽ bằng các biện pháp như kiểm soát dòng vốn, can thiệp thông qua các ngân hàng quốc doanh, và thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày.
Một đồng Nhân dân tệ yếu hơn có thể giúp hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn ở thị trường nước ngoài, bù đắp ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan. Ngược lại, một đồng Nhân dân tệ mạnh hơn làm suy yếu những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh thao túng tỷ giá đồng nội tệ.
Đợt tăng giá gần đây của Nhân dân tệ tác động tới các doanh nghiệp Trung Quốc theo hai chiều hướng. Một mặt, Nhân dân tệ mạnh lên mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc trong ngành hàng không, những ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu thô, và những ngành có nhiều nợ bằng đồng USD như bất động sản.
Ngược lại, đồng nội tệ tăng giá là tin không vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc vì làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc ở nước ngoài.
Ông Suan nói rằng các nhà xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào của Chính phủ để vượt qua khó khăn trên, nhưng thực tế này sẽ khuyến khích họ cạnh tranh bằng cách làm ra những sản phẩm tốt hơn thay vì tập trung vào cạnh tranh bằng giá cả.
"Đây là một cách để thúc đẩy các công ty Trung Quốc đi lên trên chuỗi giá trị", ông Suan nhận định.