1. Có một câu chuyện kể rằng cách đây vài tháng, một số phóng viên thể thao ngồi uống cà phê với bầu Đức ở TP.HCM. Câu chuyện về bóng đá trôi đi, cho đến lúc có người hỏi bầu Đức rằng vì sao năm 2015, khi đưa lứa U19 HAGL lên đá V.League, ông không để lại vài cầu thủ có kinh nghiệm để "lót" cho "bọn trẻ con".
Ông Đức nói: "Tao sợ, không phải mấy đứa lính trước nó hư hay gì, mà cách ứng xử không phù hợp với bọn trẻ, nên cho đi. Chứ tao biết làm như thế là đội yếu và khó chứ..."
Tháng trước, một cầu thủ cũ của HAGL lên tiếng tố HAGL và bầu Đức đối xử "bạc bẽo" với mình khi dứt áo ra đi theo đội bóng trả cho anh gấp đôi những gì mà HAGL đề nghị. Sau cuộc chia ly ấy, bầu Đức từng buông câu nói nổi tiếng: "Cầu thủ ngày càng mất dạy". Liệu có phải ông bầu phố Núi tiếc tiền, nên nặng lời với cầu thủ từng trưởng thành từ lò đào tạo của mình?
50 triệu USD là con số ước tính bầu Đức bỏ ra để gắn thương hiệu Arsenal vào cái tên HAGL Arsenal JMG.
20 triệu USD là con số ước tính mà đội bóng phố Núi bỏ ra cho 12 năm nuôi dạy lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...
1 triệu USD là số tiền bầu Đức chi trả lương cho HLV Park Hang-seo, mà hợp đồng đã ký phải còn hơn nửa năm nữa mới hết hạn.
Trong vòng hơn 10 năm hoạt động, ước tính chi phí tập huấn của học viện bóng đá HAGL JMG là khoảng hơn 100 tỷ đồng.
50 tỷ đồng là con số mà một đối tác tài trợ cho HAGL cho hợp đồng có thời hạn 2 năm.
Nhìn vào những con số ấy, có thể thấy bầu Đức đâu có thiếu tiền, đâu có tiếc tiền để đầu tư cho HAGL. Điều ông tiếc, ấy là tư duy bóng đá, tư duy cuộc sống của những cầu thủ bóng đá dưới trướng mình.
Với lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... ông bầu phố Núi sẵn sàng mất tiền để họ trở thành những cầu thủ giỏi, với tư duy sống nhân văn. Ông chấp nhận "hi sinh" HAGL suốt hơn 4 mùa giải qua để Công Phượng và các đồng đội trở thành không chỉ những cầu thủ xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, mà còn để họ sẽ là những hạt nhân tạo nên một nền bóng đá lành mạnh và văn minh.
2. Chung kết King's Cup, sau khi đá trượt quả luân lưu quyết định, trong bối cảnh chia tay với Incheon United, chấp nhận thất bại để chuyển hướng sang châu Âu tìm kiếm thử thách mới, người ta thấy trên đôi môi Công Phượng là nụ cười thoải mái, không hề gượng gạo.
Hãy tin rằng nụ cười phản ánh đúng suy nghĩ của Công Phượng ngay tại thời điểm ấy. Nó cũng giống như thái độ lạc quan của Xuân Trường sau những trắc trở ở nước ngoài, của Tuấn Anh với những chấn thương dai dẳng hành hạ anh suốt những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của mình, của Văn Toàn khi chấp nhận phải phấn đấu hơn nữa để được như Xuân Trường, Công Phượng.
Kéo Công Phượng ra khỏi Incheon United, thiệt thòi nhất vẫn là bầu Đức và HAGL. Hẳn nhiên, số tiền gần 6 tỷ đồng mà CLB Hàn Quốc trả cho đội bóng phố Núi để sở hữu Công Phượng một mùa, sẽ phải được hồi lại ít nhiều. Bên cạnh đó, để đưa tiền đạo này sang châu Âu, HAGL phải chịu nhiều thiệt thòi về tài chính, còn với bầu Đức là không ít lời dè bỉu khi "đứa con cưng" của ông thất bại.
Bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra không ít những cầu thủ tài năng, thậm chí không ít lứa cầu thủ tài năng, như lứa U16 với những Văn Quyến, Ánh Cường, Như Thuật, Lâm Tấn... từng thắng cả Trung Quốc hồi năm 2000, nhưng rồi cuối cùng cũng chẳng thể vươn lên đỉnh cao. Thế hệ ấy, nhiều người tiếc nuối gọi là một thế hệ "đen bạc", bởi những lý do khác nhau đều rơi rụng, mà tiếc nuối nhất là Văn Quyến với án bán độ ở SEA Games 2005.
Bầu Đức cũng từng nắm trong tay một HAGL từng "làm mưa làm gió" V.League, nhưng rồi cũng chính những "đứa con cưng" từng giúp ông lên đỉnh bóng đá Việt Nam cho ông bài học đắng cay về cái gọi là "đạo đức" của giới "quần đùi áo số".
Bóng đá có lẽ là thứ đã ăn vào máu của ông bầu quê Bình Định này, nhưng đã 10 năm trôi qua, thứ chảy trong huyết quản của bầu Đức không còn là bầu máu nóng đậm chất ăn thua, mà là dòng nhiệt huyết để tạo cho bóng đá Việt Nam một thế hệ cầu thủ không chỉ rực rỡ về mặt thành tích, mà còn là tấm gương cho những lứa trẻ tiếp theo soi chiếu vào, để học tập, để phấn đấu.
Giấc mơ ấy, phi bầu Đức ra, liệu có ai làm nổi?