PLA tập trận đồng thời trên nhiều vùng biển
Theo Cục Hải sự (Trung Quốc), vào ngày 28/9, quân đội Trung Quốc (PLA) đã đồng loạt tập trận ở nam Hoàng Hải, Hoa Đông, Bột Hải và khu vực ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Mọi tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực này.
Trong số đó, báo cáo về cuộc tập trận vùng biển Hoàng Hải và Hoa Đông xác nhận PLA sẽ tiến hành bắn đạn thật. Mặc dù giới chức nước này không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc tập trận trái phép ở Hoàng Sa nhưng một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc tiết lộ với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hong Kong) rằng đây cũng là một cuộc tập trận bắn đạn thật.
Về việc có tàu sân bay tham gia hay không, Trung Quốc chưa tiết lộ thông tin liên quan.
Việc thực hiện nhiều cuộc tập trận cùng lúc ở nhiều vùng biển được đánh giá là động thái rất bất thường của PLA.
Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), giới phân tích cho rằng, dự bất thường này thể hiện ở hai mặt thời gian và không gian.
Về mặt thời gian, cuộc tập trận đồng bộ này diễn ra vào trước thềm quốc khánh Trung Quốc (1/10).
Quan trọng hơn là không gian. Các cuộc tập trận quân sự đồng thời này diễn ra ở vùng biển xung quanh Trung Quốc và những mối liên kết như vậy thực sự rất hiếm. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển.
Vào cuối tháng 8, PLA đã tổ chức một số hoạt động quân sự ở Hoàng Hải, Hoa Đông, Bột Hải và Biển Đông, bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật và huấn luyện quân sự liên quan.
Do đó, cuộc tập trận ngày 28/9 cũng là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua PLA tổ chức đồng thời nhiều đợt tập trận.
Điều này gửi đi một tín hiệu bất thường - đằng sau các cuộc tập trận quy mô lớn, tần suất cao của Trung Quốc, là sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hình ảnh tập trên mô phỏng trên đường phố giữa hai quân xanh-đỏ của PLA. Ảnh cắt từ màn hình
Tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) nhận định, các cuộc tập trận ở biển Đông được thực hiện ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), trong khi các cuộc tập trận ở biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Bột Hải được thực hiện ở vùng ven biển Chiết Giang, Giang Tô và Liêu Ninh. "Mục đích rõ ràng là tăng cường ngăn chặn Đài Loan và Mỹ".
Theo SCMP, nếu một cuộc chiến tranh nóng giữa Mỹ-Trung thực sự nổ ra, khả năng gần như chỉ xảy ra ở hai vùng biển, một ở eo biển Đài Loan, một ở Biển Đông.
Ngoài bốn cuộc tập trận hải quân, một đoạn video ngắn khác về cuộc tập trận trên đường phố do đài CCTV công bố ngày 25/9 cũng thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông.
Truyền thông Đài Loan cho biết, Tập đoàn quân 73 đóng tại Phúc Kiến đã thực hiện diễn tập trên đường phố và cuộc diễn tập này được coi là "cuộc tập trận đổ bộ tấn công Đài Loan". Hình ảnh video cho thấy, đầu tiên, PLA triển khai máy bay không người lái để trinh sát và sau đó tấn công vào các khu đô thị. Đồng thời để phục vụ cho cuộc tập trận, PLA đã xây dựng hơn 100 tòa kiến trúc như thư viện và rạp chiếu phim tại thực địa.
Phía Đài Loan cho biết, Tập đoàn quân 73 có tiền thân là Tập đoàn quân 31, là đơn vị pháo kích vào Mã Tổ và Kim Môn trong quá khứ. Nếu chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, Tập đoàn quân 73 sẽ là "đơn vị tiên phong tấn công Đài Loan".
Trận chiến trên eo biển Đài Loan sắp xảy ra?
Hoàn cầu cho biết, PLA đang nắm giữ ưu thế có thể đè bẹp Đài Loan trong khi sức mạnh của đảo này đến từ quân đội Mỹ nên câu hỏi thực tế sẽ là: Liệu hai cường quốc hạt nhân Trung Quốc và Mỹ có đối đầu ở eo biển Đài Loan?
Có thông tin nói rằng, máy bay trinh sát chiến lược U2 và máy bay chống ngầm EP-3 của Mỹ đã sẵn sàng để "triển khai và giám sát ba chiến khu miền bắc, đông và nam của PLA", trong khi Bắc Kinh thường xuyên công bố hình ảnh vệ tinh về tàu chiến và tàu đổ bộ lớn của Mỹ.
Đồng thời, mới đây, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 tiên tiến nhất của PLA là J-20 xuất hiện ở Cù Châu, Chiết Giang. Đây được cho là dấu hiệu PLA đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, Cù Châu cách Đài Loan khoảng 500 km, điều đó có nghĩa là J-20 không cần trang bị thùng nhiên liệu phụ, chỉ cần dùng thùng nhiên liệu sẵn có cũng có thế tham gia tác chiến trên eo biển. Trong các cuộc tập trận trước đó, J-20 đã đạt được thành tích đáng kinh ngạc là 17-0 (hạ được 17 mục tiêu) trước các máy bay chiến đấu bán thế hệ 3 và 3 thế hệ như J-10 và J-16 - cũng có thể nói, J-20 có lợi thế lấn át trước chiến đấu cơ và hệ thống phòng không hiện có của Đài Loan.
Có ý kiến cho hay, sự xuất hiện của J-20 rõ ràng không chỉ để đối phó với Đài Loan, mà còn để ngăn chặn quân đội Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở Đài Loan.
Theo Hoàn cầu, về mặt khách quan, khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên. Nút "chiến tranh" có thể nằm trong tay người chỉ huy, hoặc có thể do chiến sĩ cơ sở vô tình kích hoạt trong một nhiệm vụ nào đó.
Nếu so sánh, lợi thế của quân đội Mỹ nằm ở trang thiết bị tối tân và bề dày kinh nghiệm thực chiến. Tuy nhiên, là một "ngôi sao đang lên", PLA không hề bị đánh giá thấp về sức mạnh, hơn nữa còn có lợi thế hơn về cự ly tác chiến.
Nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều là những nước lớn và cả hai đều có sức mạnh quốc gia mạnh mẽ để hỗ trợ một cuộc chiến tranh.
Hoàn cầu cho rằng, niềm tin quyết chiến trong cuộc chiến rất quan trọng và trong một cuộc chiến thế kỷ, nếu cứ tính toán được mất thì đó sẽ là bên thua cuộc.
Trong cuộc họp báo gần đây, bình luận về những cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".