Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa trải qua năm 2015 đầy khó khăn khi giá các loại hàng hoá đều giảm mạnh, thanh khoản công ty gặp khó khăn, nhà đầu tư mất lòng tin với doanh nghiệp.
Điều này chủ yếu đến từ việc bầu Đức đã tính toán sai điểm rơi khi giá các loại hàng nông sản mà HAGL đầu tư rớt giá mạnh vào thời điểm thu hoạch.
Cây cao su, loại cây được bầu Đức dồn nhiều tâm huyết nhất lại rớt giá thảm hại, từ 5.750 USD/tấn hồi tháng 2/2011 đến cuối năm ngoái chỉ còn 1.000 USD/tấn, đây là mức giá mà các nông trường của Bầu Đức không thể có lãi.
Bầu Đức qua báo cáo thường niên của Hoàng Anh Gia Lai đã gửi thông điệp tới cổ đông với lời xin lỗi và mong nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn với Hoàng Anh Gia Lai.
"Kiên nhẫn" cũng chính là điều mà các chủ nợ của Bầu Đức đang làm.
Tuy nhiên, có lẽ họ sẽ không phải "kiên nhẫn" quá lâu. Một năm qua, 3 loại cây mà bầu Đức trồng, gồm đường, dầu cọ và cao su đều có dấu hiệu khởi sắc.
Đường
Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất đầu tư cụm công nghiệp mía đường tại tỉnh Attapeu với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 70 triệu USD và đưa vào vận hành từ tháng 2/2013.
Dự án bao gồm một vùng nguyên liệu 6.000ha và nhà máy công suất ép mía 7.000 tấn/ngày.
Đối với đường, thuế suất của HAGL nhận được nhiều ưu đãi. Năm 2015, HAGl nhập đường về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam theo hạn ngạch được cấp là 50.000 tấn, với mức thuế suất nhập khẩu 2,5%.
Sang năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai sẽ được nhập đường với thuế suất 0%. Cùng với đó, giá đường tính từ đầu năm đến nay đã tăng 11%, còn nếu tính từ mức đáy tháng 8/2015 thì giá đường đã tăng trở lại 56%.
Nhà phân tích Tom McNeill của Green Pool Commodities cho biết, thị trường đường đang rơi vào tình trạng thiếu hụt sau 5 năm thặng dư, bên cạnh đó Chính biến tại Brazil cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự biến động giá đường trong năm nay.
Ngoài ra, thời tiết đang trở nên khô hạn tại Thái Lan và Ấn Độ. Điều này càng khiến tình trạng khan hiếm đường trở nên trầm trọng hơn.
Biểu đồ giá đường 1 năm qua. Nguồn: Indexmundi
Cọ Dầu
Bầu Đức bắt đầu trồng thử nghiệm cây cọ dầu từ năm 2002 với diện tích ban đầu là 4.000ha. Đến cuối năm 2015, công ty đã trồng được hơn 28.600ha cọ dầu, trong đó tại Lào là hơn 7.000ha và Campuchia là hơn 21.500ha.
Tại Campuchia, nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 45 tấn buồng quả tươi/giờ dự kiến hoàn thành xây dựng vào quý III/2016.
Nhà máy có thể chế biến 270.000 tấn quả tươi/năm, đủ phục vụ cho diện tích khoảng 9.000ha.
Còn tại Lào, HAGl đang tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 30 tấn buồng quả tươi/giờ và dự kiến đi vào hoạt động nửa đầu năm 2017.
Trong tất cả các loại cây sản xuất dầu thì cọ dầu là loại cây cho hàm lượng dầu cao nhất. Sau 30 tháng kể từ khi trồng, cây cọ dầu sẽ bắt đầu cho quả và được đưa vào khai thác.
Ngoài ra, dầu cọ và các sản phẩm phụ khác của cọ dầu là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
Chính vì vậy, cây cọ dầu đang được phát triển nhanh chóng tại ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh.
5 năm trước, giá dầu cọ còn ở mức hơn 1.100 USD/tấn thì đến tháng 9/2015 sụt xuống 483 USD/tấn, mức thấp ngang ngửa với đợt khủng hoảng tài chính 2008.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2016, giá dầu cọ đang hồi phục trở lại, chốt tháng 4 tại 681 USD/tấn. Tuy giá giảm nhẹ 5% trong tháng 5, nhưng nếu tính từ đầu năm, giá cọ dầu đã tăng 24%.
Chuyên gia phân tích công nghiệp hàng đầu Dorab Mistry thuộc công ty Godrej International (Ấn Độ) cho biết, giá cọ dầu có khả năng tăng cao do sản lượng sụt giảm.
Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến sản lượng dầu cọ của Malaysia niên vụ 2015/16 (kết thúc vào tháng 9/2016) ước tính sẽ giảm khoảng 2 triệu tấn so với niên vụ trước.
Biểu đố giá cọ dầu 1 năm qua. Nguồn: Indexmundi
Cao su
Hoàng Anh Gia Lai đã trồng hơn 38.400ha cao su tại cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tập đoàn hiện đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào, dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được khai thác mủ.
Cao su là loại cây bầu Đức đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng kỳ vọng bao nhiêu thì đến khi thu hoạch lại khiến ông thất vọng bấy nhiêu.
Bầu Đức nhìn nhận, năm 2015 vừa qua là năm đầy khó khăn với Hoàng Anh Gia Lai, khi giá cao su sụt giảm xuống chỉ còn 1.000 USD/tấn trong khi hồi tháng 2/2011 còn ở mức 5.750 USD/tấn.
Với mức giá 1.000 USD, tương đương 22-23 triệu đồng/tấn, ngay cả những nông trường có chi phí thấp nhất và năng suất cao của Hoàng Anh Gia Lai cũng khó có thể hoà vốn, bởi chi phí sản xuất trung bình mỗi tấn mủ cao su lên tới 35 triệu đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay và khấu hao).
Chính vì thế, năm 2015, bầu Đức cho biết, công ty đã chủ động hạn chế mở rộng diện tích cạo mủ, chờ đợi giá cao su phục hồi.
Và nửa đầu năm 2016, giá cao su đang hồi phục trở lại. Tuy cũng giảm nhẹ trong tháng 5 như cọ dầu, nhưng nếu so sánh với thời điểm đầu năm thì giá cao su đã tăng tới gần 40%.
Giá cao su cũng được dự báo tăng mạnh trong năm 2016, do nhiều yếu tố như:
Nguồn cung giảm do các nhà sản xuất hàng đầu muốn kiềm chế sản lượng để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân; Tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể, đồng thời ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc phục hồi sẽ kéo nhu cầu cao su tăng lên.
Biểu đồ giá cao su 1 năm qua. Nguồn: Indexmundi