1. Có một câu chuyện cười phổ biến trong dân gian về bóng đá Việt Nam, với nội dung đại loại là "Đến Thượng đế cũng không biết bao giờ tuyển Việt Nam có thể dự World Cup". Với nền bóng đá nằm ở khu vực vùng trũng, chỉ sở hữu 1 danh hiệu tầm cỡ... AFF Cup trong hơn nửa thế kỷ, góp mặt ở sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh là giấc mơ xa vời.
Chúa không biết, nhưng Ryan Giggs - Giám đốc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF lại biết. Trong lễ khánh thành "lò ươm mầm" đắt giá, cựu huyền thoại Manchester United gieo nên những hạt mầm kỳ vọng về giấc mơ World Cup của bóng đá Việt.
Giggs cũng ấn định thời gian: Sau đấy 13 năm, tuyển Việt Nam sẽ có lực lượng đủ mạnh để đến với vòng chung kết World Cup. Ngắn gọn, chính xác, không chi tiết thừa, đúng với phong cách làm việc của các danh thủ đến từ những nền bóng đá phát triển.
Ryan Giggs tự tin với giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Hà Thành)
9 ngày sau phát ngôn nói trên, Giggs đã trở về nước. Không rõ sau mấy tháng nữa, cựu danh thụ người Xứ Wales có... nhớ mình từng nói gì không. Nhưng giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt của Giggs, Paul Scholes hay PVF đã trở thành chủ đề gây tranh cãi ngay từ lúc này. Việt Nam có đủ sức mơ đến World Cup 2030?
Người đồng ý, cho rằng với cơ ngơi đào tạo khang trang, hiện đại của PVF nói chung cùng các lò đào tạo khác tại Việt Nam nói riêng, chúng ta có quyền mơ mộng. Kẻ cho rằng Giggs nói thế chỉ để... cho sang, vì 13 năm nữa, còn ai nhớ đến giấc mơ World Cup của ông cùng bóng đá Việt hôm nay?
2. Để có vé dự vòng chung kết World Cup, xây dựng được lực lượng cầu thủ trẻ tinh nhuệ là một trong những mục tiêu hàng đầu. Bóng đá trẻ Việt Nam đang có thành tích rất tốt trong năm 2017, khi U16, U19, U23 (cùng đội tuyển quốc gia) có vé dự vòng chung kết châu Á. Nên nhớ, cả châu Á chỉ có 5 nền bóng đá làm được điều này. Tấm vé dự U20 World Cup của U20 Việt Nam, hay chức vô địch U15 Đông Nam Á của U15 Việt Nam cho thấy, công tác đào tạo trẻ đang thu về trái ngọt.
Tuy vậy, PVF hay các lò đào tạo trẻ khác, dù nỗ lực đến mấy, cũng chỉ hoàn tất nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cầu thủ trẻ chất lượng. Mà với các quốc gia muốn vươn tầm đến World Cup, đào tạo trẻ chỉ là "một trong những" mục tiêu cần đạt được. Vậy các mục tiêu còn lại là gì?
Video: Cơ sở đào tạo đắt giá của PVF
Làn sóng trẻ hóa đang lan rộng ở hầu hết các đội tuyển mạnh trên thế giới. Lứa trẻ của những Mesut Ozil, Manuel Neuer,... đưa Đức lên đỉnh World Cup 2014. Thế hệ vàng của lò La Masia cùng Tây Ban Nha chinh phạt thế giới trong 4 năm. Chính làn sóng trẻ ấy khiến nhiều người lầm tưởng: Chỉ cần có lứa trẻ tài năng là có luôn một đội tuyển mạnh.
Không đúng. Bởi nếu lập luận như vậy, những Nigeria, Mali hay Serbia hẳn đã vô địch World Cup từ lâu. Hay Qatar với lò đào tạo Aspire danh tiếng đã có mặt ở World Cup, thay vì dừng bước ở vòng loại với vị trí... chót bảng.
Câu chuyện của Mali, Qatar cũng giống câu chuyện bóng đá Việt. Không phải ngẫu nhiên, các đội trẻ của bóng đá Việt Nam đủ sức "đánh Đông dẹp Bắc", nhưng cứ tới cấp độ đội tuyển quốc gia là hầu hết cùng... lùi dần đều.
3. Chất lượng giải VĐQG chính là câu trả lời. V-League 2017 hạ màn theo cách giống V-League 2016 đến kỳ lạ: Vẫn cuộc đua vô địch kịch tính đến phút chót, và vẫn... những tiêu cực chưa tìm thấy lối ra như công tác tổ chức, điều hành, bạo lực đến những sự cố không đáng có trên sân cỏ. Lần gần nhất V-League xuất hiện trên báo quốc tế (Mirror, Independent), đáng tiếc, lại là sự cố bỏ dở trận đấu đáng xấu hổ của Long An. "Bạn sẽ không nhìn thấy cảnh tượng này thêm lần nào nữa đâu" - một cái tít báo ê chề và nhuc nhã.
Trong bài phỏng vấn sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh vai trò của V-League đến sự phát triển của bóng đá Việt cũng như tuyển Việt Nam. BLV Quang Huy cũng đồng ý khi cho rằng: Sở hữu lứa trẻ tài năng là tốt, nhưng giải VĐQG không đủ trong sạch, không có tính thực chiến thì lấy gì đảm bảo cho sự phát triển của các cầu thủ trẻ?
Muốn nhà vững, phải làm chắc cái móng. Nhưng cái người ta nhìn vào là nhà, chứ không phải nền móng. Hàng chục năm qua, biết bao thế hệ trẻ của bóng đá Việt cứ lớn lên, trưởng thành rồi già đi, còn giấc mơ "hóa rồng" của đội tuyển cứ chìm dần trong giấc mơ phủ bụi. Bởi một giải VĐQG không biết bao giờ mới bước đến sự chuẩn mực châu Âu, như công tác đào tạo trẻ mà chúng ta đang hướng tới?
Lứa cầu thủ trẻ được thành hình, rồi chinh chiến ở giải đấu còn quá nhiều bất cập, ở giải đấu các đội mạnh thi nhau... buông xuôi ở sân chơi châu lục, đó sẽ là sự lãng phí rất lớn với tiền của cũng như công sức đào tạo. Ở PVF Hưng Yên, các cầu thủ trẻ đang được huấn luyện dưới quy trình chuẩn châu Âu. Cách đó vài chục km, các tuyển thủ quốc gia đang được HLV Park Hang Seo dạy lại... từ đầu về cách khởi động cũng như di chuyển. Vài năm nữa, các cầu thủ trẻ sẽ di dời từ mặt cỏ láng mịn để đến với những sân bóng xuống cấp, không đảm bảo chất lượng.
Nếu vậy, đó sẽ là bi kịch của bóng đá nước nhà.
V-League 2017 đã khép lại, với những câu chuyện rất cũ, vấn đề rất cũ mà hướng giải quyết sẽ còn là câu chuyện rất xa. Quay trở lại với câu hỏi ban đầu: Bóng đá Việt có đủ sức hướng tới World Cup 2030 không? Có, chúng ta phải hy vọng. Nhưng để mục tiêu nói trên trở thành hiện thực, cả nền bóng đá phải cùng mơ một giấc mơ World Cup và chung tay thay đổi. Đừng để giấc mơ đó là câu chuyện của riêng mình PVF.