Nhìn U20 đá World Cup, mà tiếc cho những Công Phượng, Xuân Trường...

Tâm Anh |

Dù rời đấu trường World Cup theo cách nào đi nữa, thì thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đã có được trải nghiệm cực kỳ đáng giá, điều mà Công Phượng, Xuân Trường chưa bao giờ có được.

1. Đến giờ phút này, khi U20 World Cup vẫn đang diễn ra, và U20 Việt Nam vẫn còn ít nhất 1 trận đấu nữa, đã có thể khẳng định rằng HLV Hoàng Anh Tuấn là nhà cầm quân người Việt thành công nhất mọi thời đại. Thành tích đưa được U20 Việt Nam lọt vào World Cup là điều xưa nay chưa từng HLV người Việt nào làm được.

Đắng lòng thay, chỉ 4 năm trước thôi, thứ duy nhất ngăn cản HLV Hoàng Anh Tuấn đến với chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam chính là thứ mà ngày hôm nay người ta dùng để tôn vinh ông: Thành Tích. Nói chính xác hơn, ông Tuấn suýt được chọn. Chỉ "suýt" thôi, bởi ngày ấy, một vị lãnh đạo đã đặt ra câu hỏi "Anh Tuấn có thành tích gì?".

Vô địch U19 quốc gia, chống xuống hạng ở V-League - thành tích của ông Tuấn ngày ấy chưa đủ lớn để thỏa mãn cái sự tin tưởng của VFF, và ông Tuấn trượt.

Nhìn U20 đá World Cup, mà tiếc cho những Công Phượng, Xuân Trường... - Ảnh 1.

Sau cú "trượt chân" ấy của HLV Hoàng Anh Tuấn, VFF quyết định chọn HLV Hoàng Văn Phúc vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG và kỳ SEA Games 27 là lần đầu tiên kể từ năm 2001, U23 Việt Nam bị loại khỏi sân chơi SEA Games ngay từ vòng bảng.

HLV người Nhật Bản Toshiya Miura là người được VFF chỉ định kế tục chiếc ghế nóng, bởi niềm tin vào HLV người Việt lúc đó đã mất sạch. Đằng thẳng mà nói, những gì ông Miura làm được cho bóng đá Việt Nam không hề tệ, nhất là so sánh với những gì HLV Hữu Thắng đang làm ở vị trí kế nhiệm, nhưng ngày ấy, nếu ông Hoàng Anh Tuấn được chọn, chắc hẳn có nhiều thứ sẽ rất khác.

Sự khác biệt đến từ lứa U19 của bầu Đức, với những Công Phượng, Xuân Trường... vốn không phù hợp với triết lý bóng đá của HLV người Nhật, hoặc chưa phù hợp với triết lý bóng đá của ông ở thời điểm ấy, và chẳng khó để nhận ra rằng đấy là một trong những lý do khiến ông thầy người Nhật bị đẩy khỏi chiếc ghế HLV trưởng.

Nhìn U20 đá World Cup, mà tiếc cho những Công Phượng, Xuân Trường... - Ảnh 2.

Lứa U19 của bầu Đức từng không nhận được nhiều sự ưu ái từ HLV Miura.

Triết lý bóng đá của ông Hoàng Anh Tuấn có nhiều phần giống với HLV Miura, nhưng bù lại, ông Tuấn có nhiều kinh nghiệm với bóng đá trẻ, và là một người Việt, HLV người Khánh Hòa này hẳn "hiểu thời thế" hơn ông thầy người Nhật, và sẽ hành xử khác nhiều so với việc "ngoảnh mặt làm ngơ" với "lũ trẻ nhà bầu Đức".

2. Là HLV có trình độ học vấn cao nhất trong giới HLV Việt Nam, hẳn ông Tuấn thừa biết rằng bóng đá đẹp, theo kiểu bầu Đức hướng tới là điều cực kỳ khó. Đấy là mong ước của rất nhiều những ông bầu, ngay cả như Roman Abramovich cũng khát khao, nhưng chưa bao giờ chạm tay tới được. Với HLV Conte, Chelsea có chức vô địch Premier League, nhưng lối đá "sexy" như Abramovich mong muốn thì "xin kiếu".

Hay như HLV huyền thoại Alex Ferguson, một thời từng tung tiền đem về Man United không ít những cầu thủ Nam Mỹ, để tạo nên lối chơi tấn công đẹp mắt, đậm chất kỹ thuật như Barcelona, nhưng đành bất lực và phải từ bỏ.

Bầu Đức đã đúng khi đánh giá lứa U20 trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn đá không hay bằng lứa U19 ngày nào của ông. Bởi xét trên từng cá nhân, rõ ràng "những đứa trẻ nhà bầu Đức" vượt trội hơn những cái tên đang đại diện cho Việt Nam góp mặt tại U20 World Cup. Chẳng phải tự nhiên mà những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... lại được yêu mến đến thế tại Việt Nam.

Nhìn U20 đá World Cup, mà tiếc cho những Công Phượng, Xuân Trường... - Ảnh 3.

Lứa "con cưng bầu Đức" được đánh giá cao hơn về tư chất so với U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn.

Nhưng xét về độ gắn kết, tuân thủ chiến thuật để tạo nên một đội bóng mạnh, bản thân HAGL và lứa U19 ngày nào dưới tay HLV Graechen, cũng như U23 hay ĐTQG Việt Nam hiện tại dưới tay HLV Hữu Thắng đang đi sai hướng, và đấy là lý do HLV Hoàng Anh Tuấn, chứ không phải ai khác mới là người thành công.

Thứ bóng đá đẹp, tận hiến, lấy tiqui-taka làm đích ngắm sẽ rất thành công khi được dùng để đối phó với những đội bóng... yếu hơn mình, bởi muốn thi triển nó cần một khoảng cách vượt trội nhất định, mà Việt Nam thì vượt trội với ai đây, ngoài vài đội nhược tiểu láng giềng?

Còn thứ bóng đá của HLV Hoàng Anh Tuấn không đẹp mắt, không giàu sức sáng tạo, nhưng lại cực kỳ chặt chẽ, khoa học, đòi hỏi trình độ và sự đầu tư cao độ từ phía người cầm quân, thêm vào đó là cả sự chuyên nghiệp về mặt tâm lý cho từng giải đấu, từng trận đấu, từng tình huống. Đó là thứ bóng đá lấy yếu chống mạnh, thứ bóng đá từ vùng trũng vươn ra châu lục, ra thế giới.

Nhìn U20 đá World Cup, mà tiếc cho những Công Phượng, Xuân Trường... - Ảnh 4.

Thứ bóng đá mang nặng tính khoa học, hiện đại của HLV Hoàng Anh Tuấn đang giúp U20 Việt Nam tiếp tục phát huy ở đấu trường World Cup.

Thứ bóng đá ấy, ở Việt Nam không nhiều người hiểu được, bởi rất ít người tiếp cận được với nó, như HLV Hoàng Anh Tuấn, người đã bán xe để đi học, đã dành một năm rưỡi (từ tháng 4/2014 đến tháng 10/2015) để trải qua 5 khóa học ở Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sỹ... tâm sự.

Ông Tuấn từng tâm sự: "Khó khăn nhất trong quá trình đi học là sự cô độc. Các đồng nghiệp học cùng tôi đến từ Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều đi ít nhất 2 người. Việt Nam chỉ có mình tôi, mà trong vấn đề học hành, thi cử cần sự chia sẻ, thành ra mình phải nỗ lực rất là nhiều".

3. Chẳng mấy ai hiểu được những gì ông Hoàng Anh Tuấn đang làm, nhưng ngược lại, ông Tuấn liệu có hiểu được những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... cần gì để "trưởng thành"? Hẳn là có, bởi ngoài chuyên môn, những gì ông thu lượm được từ các khóa học đẳng cấp thế giới còn có y học thể thao, tâm lý học, cũng như cập nhật liên tục những xu hướng mới của thế giới.

Thứ quan trọng nhất là tố chất và năng khiếu, các cầu thủ trẻ của HAGL đã có, họ cũng được phát triển trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, ắt sẽ chẳng khó khăn khi tiếp nhận những "bài học mới", cải thiện thể lực, tư duy chiến thuật và tư duy bóng đá mới từ HLV Hoàng Anh Tuấn.

Nhìn U20 đá World Cup, mà tiếc cho những Công Phượng, Xuân Trường... - Ảnh 5.

Con đường của Công Phượng và HLV Hoàng Tuấn Anh chưa bao giờ đưa họ gặp nhau.

Nhưng, "đôi khi lỗi hẹn một giờ, lần sau gặp lại phải chờ trăm năm". Ngày người ta "quẳng" cho ông Tuấn lứa U19 Việt Nam, là ngày lứa con cưng của bầu Đức đã lên U21. May mắn cho ông Tuấn, "miếng xương" được giao lại ít bị nhòm ngó, khiến ông có thể nắn các cầu thủ theo ý mình, mà không bị soi mói quá đáng. Đấy cũng là một trong những yếu tố giúp U20 Việt Nam đi đến thành công.

Không may cho lứa cầu thủ từng khiến cả nước "phát điên" ngày nào, họ chưa một ngày được chơi dưới sự chăm chút của ông Hoàng Anh Tuấn. Rời vòng tay "ông giáo làng" Greachen, họ về với HLV Hữu Thắng, và vẫn đang bị quăng quật với thất bại ở AFF Cup năm ngoái, cùng sự hoài nghi dữ dội khi SEA Games 29 đã sắp bắt đầu.

Nhìn những Hồ Minh Dĩ, Quang Hải, Thanh Bình, Đức Chinh... tung hoành ở đấu trường World Cup, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... có chạnh lòng không? Hẳn là có. Nhưng trên cả cái vinh dự được tham gia World Cup, họ nên tiếc về một con đường, mà nếu đi theo nó, ắt hẳn họ sẽ được chơi một thứ bóng đá khác, dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn - con đường mang tên Hoàng Anh Tuấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại