Clip độc hại lan truyền nhờ phụ huynh... tiếp tay
Video của nam TikToker nhanh chóng viral trên mạng xã hội, được nhiều phụ huynh xem như là "bảo bối" để trị con ăn chậm. Họ còn quay video những đứa trẻ vừa ăn, vừa xem video, vừa khóc lóc nước mắt nước mũi chảy ròng ròng và hả hê khoe trên mạng, xem đó là một trò vui. Thậm chí có trẻ không biếng ăn, mẹ cũng muốn thử xem con mình phản ứng ra sao rồi khoái chí khi con khóc! Có bé mếu máo, có bé hoảng hốt, có bé kêu gào.
Nhiều người "tỉnh táo" thì nhận ra, clip này với người lớn vui thì có vui, nhưng với trẻ con thực sự là cơn ác mộng. Cho con ăn bằng cách này, nghĩa là họ đang gieo hạt mầm sợ hãi vào tâm trí non nớt của đứa trẻ, gây tổn thương tâm lý của con. Họ phê phán trào lưu tiêu cực, cho rằng TikToker đem con nít ra “câu view”. Điều này không hẳn là sai, nhưng, gượm lại một chút nào…
Video của nam TikToker nhanh chóng viral trên mạng xã hội, được nhiều phụ huynh xem như là "bảo bối" để trị con ăn chậm.
TikTok vốn là mạng xã hội không dành cho trẻ con. Chính xác hơn, nó dành cho trẻ từ 13 tuổi trở lên (hoặc 14 ở Hàn Quốc và Indonesia). Đây là lứa tuổi không còn cần cha mẹ chạy theo đút từng muỗng cơm cháo. Còn trẻ cần phụ huynh cho ăn tất nhiên chỉ 2, 3, 4 tuổi, chúng không tự mở tiktok để xem một clip, rồi tự hốt hoảng, tự nuốt cơm vào bụng vì sợ.
Khi dùng clip của TikToker Long Chun để dọa con ăn vài muỗng cơm, uống vài ngụm sữa, liệu cha mẹ có biết tác hại của việc dạy con bằng nỗi sợ không? Tôi đồ rằng, rất nhiều phụ huynh hoàn toàn nắm rõ điều này.
Thế nhưng, vì chút “tiện lợi” để con ăn nhanh cho… khỏe thân, sợ con biếng ăn còi cọc… chính những người lớn đã “tiếp tay” cho những clip tiêu cực lan truyền. Trong mắt các bậc cha mẹ này, phương pháp không quan trọng, quan trọng là con ăn thêm được bao nhiêu. Họ chú ý đến lượng thức ăn mà con ăn, nhưng bỏ qua việc làm này đã gây ra bao nhiêu tác hại cho đứa trẻ.
Clip của Long Chun đạt gần 9 triệu views chỉ sau 3 ngày (và 15,2 triệu views cho đến hiện tại), đồng nghĩa với rất nhiều trẻ em bị đem ra hù dọa. Nhưng lỗi không chỉ ở TikToker này, mà chính từ sự hả hê hưởng ứng, tung hô bất chấp hậu quả từ những người làm cha mẹ. TikToker nghĩ ra nội dung để có nhiều lượt view, nhưng chọn xem hay không và chọn xem cái nào là quyền của cha mẹ. Vậy nghĩ lại một cách thật công tâm, ai đang dọa con bạn, là chính bản thân các bạn, hay tại bởi Long Chun?
Đừng bao biện rằng "mình chỉ đùa"
Tôi nhớ, có một lần khi đang ăn ở nhà hàng vô tình chứng kiến người bà ở bàn bên cạnh chửi bới một đứa trẻ. Thì ra vì cháu không thích ăn thịt, trong khi trong bát lại được chất thịt đầy ú ụ. Người bà một mặt đẩy mạnh chiếc thìa vào miệng cháu, một mặt gằn giọng đe dọa: "Mày dám không ăn à? Muốn tịch thu hết đồ chơi không?". Trong khi đó, mẹ của cậu bé chỉ âm thầm ngồi ăn bên cạnh.
Cậu bé trông đã khá lớn, khoảng 5, 6 tuổi, khi bà đưa thìa đến miệng, bé lập tức ngoác miệng ra, nhưng không nuốt. Một lúc sau, đợi bà đi vệ sinh, đứa trẻ vội nhổ thức ăn trong miệng ra chiếc bát trước mặt, người mẹ nhìn thấy, giơ ngón tay, trừng mắt. Không ngờ cậu bé nhặt bát cơm lên, đổ hết thức ăn vào chiếc túi xách trong sự chết lặng của người mẹ…
Không phải nhiều đứa trẻ không thích ăn, chúng chỉ ghét cảm giác bị ép ăn mà thôi. (Ảnh minh họa)
Ép con ăn bằng nỗi sợ hãi, dù dưới hình thức gì, cũng đều mang lại tác hại lâu dài. Một đứa trẻ bị ép ăn trong một thời gian sẽ tích tụ rất nhiều cảm xúc tiêu cực, khiến não trẻ nảy sinh ra phản ứng ác cảm với bữa ăn, dẫn đến dễ mắc chứng biếng ăn. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy vui vẻ vì được ăn ngon và thoải mái nhờ sự động viên của người lớn, não trẻ sẽ nảy sinh phản ứng “ăn là một điều vui” khiến trẻ càng thích ăn uống.
Chưa kể, những hình thức dọa dẫm còn khiến trẻ ám ảnh. Nói đâu xa, trong một topic bàn luận về clip Long Chun, một phụ huynh đã bày tỏ sự hối hận vì "thử cho con em gái xem mà nó sợ xanh mắt mèo, xem được 10 giây khóc như mưa, tý thì nôn hết. Chồng chửi cho sấp mặt. Có người mẹ nào dại như em không, cho con xem vớ vẩn đêm con ngủ sợ đấy". Một số phụ huynh cũng đã lên tiếng cảnh báo khi thấy con mình bị ảnh hưởng tâm lý từ video hù dọa, như sốt, nằm mơ ác mộng, giật mình vào ban đêm.
Nhiều phụ huynh bao biện rằng mình chỉ đùa. Nhưng, khi đùa, bạn phải nhận thức được cái đùa nào của mình tốt cho con. Trí óc của trẻ con vô cùng đơn giản và chúng thiếu sự đề kháng với những áp lực. Đặc biệt khi chính cha mẹ là người đưa nỗi sợ này ra trước mặt con, bạn đang tự đánh mất sự tin cậy của con nơi bản thân mình.
Trả lại quyền chủ động… ăn cho con
Tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục người Mỹ John Dewey, rằng giáo dục không phải là ép trẻ tiếp thu những thứ bên ngoài, mà cha mẹ cần để những khả năng “bẩm sinh” của trẻ phát triển. Khả năng "bẩm sinh" thực chất là "ý thức chủ động", nói tóm lại, nó có nghĩa là "tôi muốn ăn" chứ không phải là "bắt tôi muốn ăn" khi nói đến việc ăn uống.
Còn bác sĩ Nhi Khoa Benjamin Spock (Mỹ) cũng đã phân tích: "Tại sao có nhiều trẻ biếng ăn? Nguyên nhân chủ yếu là do có nhiều cha mẹ thích ép con ăn".
Trên các diễn đàn làm cha mẹ ở nước ngoài, hầu hết các bố mẹ bàn nhau trẻ có đủ chất không, có khỏe mạnh, ít ốm không, làm thế nào khuyến khích trẻ ăn đa dạng... chứ hiếm khi thấy nói làm sao để ép con ăn bằng mọi giá. Một người lớn bị ép ăn đồ không thích hay lúc không muốn ăn còn thấy khó chịu, nói gì một đứa trẻ đã bị ép còn thêm "combo" dọa nạt đủ điều?
Trên thực tế, trẻ gầy không có nghĩa là không khỏe mạnh, chỉ cần cân nặng của trẻ ổn định, không tiếp tục sụt giảm thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Nói như vậy không có nghĩa là không quan tâm đến cân nặng và sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ biếng ăn, thiếu dinh dưỡng thì cần phải khám và bổ sung. Nếu cần thì chữa, nhưng chữa chứ không được ép ăn.
Trong một gia đình mà bé được tự lựa chọn thức ăn từ nhỏ, sẽ không có bé nào không thích ăn. Khi cha mẹ gặp vấn đề về việc ăn uống của trẻ, hãy nhớ nguyên tắc gợi ý sau: người lớn có trách nhiệm quyết định cho trẻ ăn gì và đảm bảo cung cấp dinh dưỡng từ việc nấu nướng hàng ngày; nhưng quyết định ăn hay ăn bao nhiêu là của trẻ.
Những gia đình nào đã hình thành thói quen ép con ăn cũng có thể ngay từ bây giờ bắt đầu bỏ mọi cách áp đặt và mạnh dạn trả lại quyền chủ động ăn uống cho con mình. Mặc dù những trẻ này có thể không ăn hoặc biếng ăn trong một thời gian, nhưng chẳng bao lâu sau, bản năng sinh học sẽ khiến trẻ bắt đầu ăn uống tích cực, cha mẹ không cần quá lo lắng.
Nếu trẻ cảm thấy vui vẻ vì được ăn ngon và thoải mái nhờ sự động viên của người lớn, não trẻ sẽ nảy sinh phản ứng “ăn là một điều vui” khiến trẻ càng thích ăn uống. Ảnh minh họa.
Cơ thể học cách tự cân bằng và nhận biết nhu cầu chỉ khi còn nhỏ, cơ thể học tập và thích nghi mọi mặt. Trẻ hơn một tuổi sẽ rất hứng thú việc tự tập xúc ăn, tự nhai và nuốt. Trẻ cũng cần học cách tự quyết định, tự lập và tự chủ một số việc, học từ nhỏ tới lớn.
Ăn uống là một bản năng sơ đẳng, hàng ngày, học một cách tự nhiên đơn giản nhất mà không để con tự học thì làm sao còn đòi hỏi con học những gì khó khăn hơn như kiến thức, như kỹ năng sống.
Ép ăn thực sự là một “hình phạt” đối với trẻ. Đằng sau đó, nó cho thấy sự lo lắng và bất lực của các bậc cha mẹ. Không phải nhiều đứa trẻ không thích ăn, chúng chỉ ghét cảm giác bị ép ăn mà thôi. Vì vậy, các phụ huynh, xin đừng áp đặt mong muốn của mình lên con cái và làm những điều khiến con tổn thương. Dạy trẻ chủ động ăn uống, tôn trọng và hiểu con là tình yêu thương lớn nhất dành cho con cái.