Lã Trĩ (241 TCN – 180 TCN), sử gọi là Lã hậu hoặc Hán Cao hậu, Lã Thái hậu. Bà là người huyện Đan Phụ, quận Đãng (nay thuộc huyện Đan, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
Bởi năm xưa Tần Thủy Hoàng không lập hậu, nên Lã Trĩ cũng được coi là vị Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Mối lương duyên bất ngờ và bước ngoặt cuộc đời của đại tiểu thư Lã Trĩ
Cuộc hôn nhân bất ngờ với Lưu Bang đã khiến cuộc đời của Lã Trĩ hoàn toàn thay đổi. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Khi xưa, Lã Trĩ vốn cùng cha là Lã Công sinh sống tại nguyên quán (Đan Phụ, quận Đãng). Sau này, nhà họ Lã vì né tránh kẻ địch nên rời tới huyện Bái.
Sinh thời, Lã Công cùng Huyện lệnh huyện Bái có quan hệ rất tốt. Vì vậy khi Lã gia chuyển tới nơi này, quan viên quanh đó đều tới đây chúc mừng.
Bấy giờ, Tiêu Hà là người phụ trách sắp xếp chỗ ngồi cho quan khách tới thăm. Ông hạ lệnh sắp xếp cho những người có lễ vật không tới 1000 đồng ngồi bên ngoài khách đường.
Khi đó, đình trưởng Lưu Bang cũng nằm trong số tân khách tới chúc mừng nhà họ Lã. Dù chẳng mang trong người hào nào, ông vẫn thẳng tay điền vào danh sách lễ vật với nội dung: "Mừng mười ngàn đồng".
Khi nhìn thấy danh sách lễ vật, Lã Công không khỏi tò mò về danh sách vị khách hào phóng nào. Khi ra bên ngoài nhà chính, ông mới nhận ra đó là một người đàn ông trung niên.
Thấy Lưu Bang tướng mạo đại quý, Lã Công rối rít mời ông vào trong ngồi ghế của thượng khách.
Hôm ấy, sau khi tiệc rượu kết thúc, Lã Công bí mật giữ Lưu Bang lại, chủ động hỏi ông có nguyện ý cưới con gái mình hay không.
Lưu Bang khi đó tuổi đã hơn 40 nhưng vẫn chưa lập gia đình, vừa hay nghe thấy lời đề nghị tốt như vậy, ông liền lập tức đồng ý.
Phu quân trở mặt và đòn hiểm của vị Hoàng hậu họ Lã
Sự thay đổi về mặt tính cách của Lã Trĩ phần lớn bắt nguồn từ thái độ của Lưu Bang. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Sau khi cưới Lã Trĩ, Lưu Bang không những không thay đổi mà cả ngày vẫn tiếp tục chơi bời lêu lổng, giao lưu với đủ các thành phần bất hảo.
Xuất thân là một tiểu thư danh giá, nay lại phải gả cho một người như vậy, Lã Trĩ đành một tay lo toan mọi việc trong nhà, thậm chí nhiều lần phải vượt đường xá xa xôi đưa cho chồng đồ dùng ăn mặc.
Sống nhiều năm với một người như Lưu Bang, Lã Trĩ không thể mãi hiền lành. Sau cùng, bà trở thành một con người toan tính, cay độc.
Tính cách của Lã hậu có biến đổi lớn như vậy vốn không phải do bà thay đổi mà xuất phát từ chính sự trở mặt của Lưu Bang.
Vào thời kỳ Hán – Sở tranh hùng, Lã Trĩ bị Hạng Võ bắt làm tù binh 2 năm. Cho tới khi Hồng Câu được chọn làm ranh giới giữa hai thế lực này, bà mới được trả tự do.
Trải qua một quãng thời gian đầy khổ ải, Lã Trĩ không khỏi đau đớn khi phát hiện bên cạnh Lưu Bang đã có thêm rất nhiều thê thiếp.
Người chồng ấy đối với bà đã sớm không còn tình cảm, ngay tới người con trai Lưu Doanh của bà cũng đang phải đối mặt với đại họa trước mắt.
Chứng kiến phu quân thay lòng đổi dạ, Lã Trĩ buộc phải dùng thủ đoạn để bảo vệ cho bản thân và con trai. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Vào năm 205 TCN, Lưu Bang lập Lưu Doanh làm Thái tử. Nhưng sau khi lên ngôi xưng đế, vị Hoàng đế này lại muốn hất hàm trở mặt.
Ông vin vào cớ Lưu Doanh tính tình nhu nhược không giống mình, một mực muốn lập con trai của Thích phu nhân lên ngôi Thái tử.
Cổ nhân có câu "mẫu dĩ tử quý" (mẹ quý nhờ con), Lã Trĩ từ sớm đã mất đi sự sủng ái của Lưu Bang. Nay nếu ngay cả ngôi Thái tử của con trai cũng không giữ được, e rằng bà chẳng thể ngồi vững cái ghế mẫu nghi thiên hạ.
Lúc này, Lã hậu buộc phải bộc lộ ra thủ đoạn chính trị hơn người của mình. Bà liên lạc với một nhóm các triều thần nhằm phản đối chuyện phế lập.
Chưa dừng lại ở đó, sự cao tay của vị Hoàng hậu này còn thể hiện ở chỗ, bà có thể biến sĩ thương nổi tiếng Sơn Tứ Hạo trở thành chỗ dựa của Thái tử Lưu Doanh. Trong khi đó, ngay tới Lưu Bang năm xưa cũng không thể chiêu nạp nhân vật này.
Trước sự phản đối kịch liệt của quần thần, lại thêm Sơn Tứ Hạo ra mặt ủng hộ, Lưu Bang biết Thái tử Lưu Doanh căn cơ đã vững chắc, tuyệt đối không thể phế.
Kể từ khi Lưu Bang có ý đồ phế ngôi Thái tử của con trai Lã hậu, cuộc chiến âm thầm và dai dẳng giữa cặp đôi Hoàng đế - Hoàng hậu này đã bắt đầu. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Bấy giờ, ông thương tâm mà nói với ái thiếp Thích phu nhân của mình rằng:
"Sau này ta chết, Lã hậu chính là chủ nhân của nàng".
Thích phu nhân vô cùng bi thương, không kìm được nước mắt. Lưu Bang cũng đành thở dài mà nói:
"Hồng nhạn bay cao, đã bay ngàn dặm, phe cánh đã thành, bay khắp tứ hải, liệu còn có thể làm gì? Cho dù có cung tên thì cũng làm sao có thể dùng bắn hồng nhạn đã bay cao đây?".
Cuộc chiến âm thầm giữa cặp vợ chồng khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc
Cao Tổ năm thứ 12 thời nhà Hán (năm 195 TCN), Lưu Bang bệnh không dậy nổi.
Lã hậu lúc đó hỏi ông:
"Sau khi Tiêu Tướng quốc mất, liệu ai có thể thay thế?".
Lưu Bang nhắc tới tên Tào Tố.
Lã hậu lại hỏi:
"Sau Tào Tố là ai?".
Lưu Bang nói:
"Vương Lăng có thể thay thế Tào Tố. Nhưng Vương Lăng mưu trí chưa đủ, có thể nhờ Trần Bình phụ tá. Trần Bình mặc dù có mưu trí, nhưng không thể quyết đại sự.
Chu Bột tuy không giỏi ăn nói nhưng lại là người trung hậu, nhất định có thể ổn định giang sơn Lưu thị ngày sau, để hắn làm Thái úy đi".
Sau đó, Lã hậu có hỏi chuyện sau này nên làm thế nào, Lưu Bang chỉ uể oải nói:
"Chuyện sau này nàng cũng không thể biết được".
Từ trước khi qua đời, Lưu Bang đã nhìn thấu dã tâm chuyên quyền của Lã hậu.
Khi có người tố cáo Phàn Khoái và Lã hậu muốn làm phản, Lưu Bang để cho Trần Bình, Chu Bột tiêu diệt Phàn Khoái, còn hạ lệnh cho họ phải đem đầu Phàn Khoái về.
Họ Phàn này cũng là một trong những huynh đệ kết giao với Lưu Bang khi còn ở huyện Bái, sinh thời từng lập nhiều chiến công hiển hách.
Trong Hồng Môn Yến, nếu không phải Phàn Khoái liều mạng mở đường máu, Lưu Bang chưa chắc đã có thể thuận lợi thoát hiểm.
Nhưng phu nhân của Phàn Khoái lại là em gái Lã hậu. Đây chính là điều khiến Lưu Bang không yên tâm về người này.
Dù Phàn Khoái và Lã hậu bị tố cáo cấu kết mưu phản, Lưu Bang vẫn chỉ xử lý một mình vị tướng họ Phàn, tuyệt nhiên không để cho vợ mình chịu chút dính dáng nào.
Điều này chỉ rõ Hán Cao Tổ khi đó chẳng qua là muốn chỉnh đốn Hoàng hậu của mình một chút chứ vốn không có ý định thanh trừng Lã thị.
Không phải ngẫu nhiên mà Lưu Bang tỏ ra "mắt nhắm mắt mở" trước những âm mưu cùng dã tâm của vợ mình. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Trên thực tế, Lưu Bang hiểu hơn ai hết một sự thật rằng, ngoài Lã hậu ra, chẳng còn ai có đủ sức để an định giang sơn mới thành lập này.
Thái tử Lưu Doanh trời sinh tính tình nhu nhược, lại mới 17 tuổi, không cách nào trấn áp đám công thần hãn tướng trong triều khi đó.
Trong khi đó, Lã hậu từng thẳng tay diệt trừ Hàn Tín, Bành Việt, trở thành một nỗi lo sợ của triều thần. Vì thế, chỉ có bà mới đủ sức trấn thiên hạ.
Đây cũng là lý do vì sao Lưu Bang nhìn thấu dã tâm Lã hậu, nhưng cũng đành phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Thay máu triều đình, Lã hậu vẫn không thể khiến giang sơn đổi chủ
Sau khi cầm quyền, Lã hậu điên cuồng trả thù Thích phu nhân. Bà hạ độc giết chết con trai tình địch, sau đó biến bà thành người lợn, nhốt nơi nhà xí.
Chưa dừng lại ở đó, công cuộc trả thù của Lã hậu còn nhắm tới những người con trai của Lưu Bang. Mưu đồ của vị Hoàng hậu dã tâm này là triệt hạ dòng tộc họ Lưu, để cho Lữ thị chiếm thiên hạ.
Chỉ trong vòng 1 năm từ 181 TCN – 180 TCN, Lã thị đã tìm cách phế bỏ hoặc hại chết 3 phiên vương họ Lưu. Tiếp đó, bà lại phong vương cho con cháu họ Lã.
Dù đã tìm cách thanh trừng hoàng tộc, thay máu triều đình, nhưng Lã hậu vẫn chưa thể khiến giang sơn nhà Hán đổi chủ. (Ảnh minh họa).
Năm 180 TCN, Lã hậu bệnh nặng. Trước khi nguy kịch, bà đã bổ nhiệm hai cháu trai làm Tướng quân, Lã Lộc thống lĩnh Bắc quân, Lã Sinh nắm giữ Nam quân.
Lúc sắp qua đời, Lã Trĩ từng cảnh báo hai người cháu này rằng:
"Cao Đế (ý chỉ Lưu Bang) sau khi bình định thiên hạ đã cùng các đại thần ký kết minh ước: ‘Kẻ không phải họ Lưu mà xưng vương thì sẽ bị thiên hạ cùng tiêu diệt.
Nay Lã thị xưng vương, Lưu thị cũng các đại thần giận dữ bất bình. Ta sắp qua đời, Hoàng đế lại trẻ tuổi, các đại thần có thể phát động binh biến.
Cho nên các con phải khống chế quân đội vững vàng, canh phòng cung điện, tuyệt đối không nên vì đưa tang ta mà rời khỏi hoàng cung, không nên bị kẻ khác khống chế".
Không lâu sau, Lã hậu qua đời. Khi bà vừa mất, triều đình trong ngoài phản đối phe cánh họ Lã.
Tề vương Lưu Tương dẫn đầu khởi binh. Tướng quốc Lã Sinh phái đại tướng quân Quán Anh xuất binh nghênh chiến, nào ngờ Quán Anh phản bội, về phe Tề vương.
Trong triều, nhóm các đại thần Trần Bình, Chu Bột, Lưu Chương cũng tìm cách khống chế quân đội, lấy lại binh quyền.
Cứ như vậy, phe cánh họ Lã nhanh chóng bị tiêu diệt, tập đoàn chính trị Lã thị chẳng mấy chốc đã bị dìm trong biển máu.
Sau khi vị Hoàng hậu chuyên quyền này qua đời, phe cánh của họ Lã nhanh chóng bị tiêu diệt. Công sức bao năm của Lã Trĩ cũng xem như "đổ sông đổ bể". (Ảnh minh họa).
Từ khi Huệ Đế lên ngôi cho tới lúc Lã Trĩ qua đời, vị Hoàng hậu họ Lã này đã cầm quyền trong suốt 15 năm.
Tuy chưa từng chính thức làm Hoàng đế, nhưng Lã hậu lại nắm trong tay thực quyền của bậc Thiên tử. Cho nên Tư Mã Thiên năm xưa viết "Sử Ký" đã đem nội dung về Lã Trĩ liệt vào phần Đế vương bản kỷ.
Suốt gần 2 thập kỷ sống như bậc đế vương, Lã hậu tìm trăm phương ngàn kế để thiên hạ đổi từ họ Lưu sang họ Lã.
Chỉ tiếc rằng mọi dã tâm, kế sách của bà sau cùng vẫn thua tấm lưới "thưa mà khó lọt" do Hoàng đế Lưu Bang bày ra lúc còn sống.