Mặc dù chất lượng ảnh chụp là thứ khó có thể phân định rạch ròi, không một ai có thể phủ nhận rằng những gì Huawei đã làm được là vô cùng ấn tượng. Camera của P30 Pro có khả năng zoom như point-and-shoot. Độ phân giải được nâng lên mức 40MP cũng giúp bức ảnh thu được nhiều chi tiết hơn, thay vì chỉ... "fake lấy tiếng" như Xiaomi .
Đặc biệt nhất, trong cùng một căn phòng tối om, điện thoại Samsung hay Apple đều không thu được gì thì Huawei lại thu được... khung hình.
Ấy thế nhưng chỉ cần những hiểu biết căn bản về ảnh chụp, bạn sẽ thấy khả năng chụp thiếu sáng của Huawei là không có gì bất ngờ (và cũng không có đột phá nào cả): "bí quyết" của P30 Pro nằm ở cảm biến RYYB cỡ lớn.
Nhưng cảm biến này cũng vẫn đến từ Sony như... một nửa thị trường smartphone, ý tưởng thay thế một vài màu trong bộ lọc cơ bản RGGB cũng đã từng xuất hiện nhiều trong lịch sử.
Nếu muốn, Google, Apple, Samsung hay bất kỳ một hãng nào khác cũng có thể tạo ra smartphone "chụp tối" vô địch như P30 Pro. Nhưng tại sao họ không làm?
Trước hết, để hiểu "RYYB" mà Huawei nhắc đến là gì, chúng ta cần hiểu bản chất cảm biến máy ảnh. Nói một cách đơn giản, phần lớn các bức ảnh số bạn nhìn thấy thực chất lại là ảnh ghép từ 4 bức ảnh có màu khác nhau: 2 bức màu xanh lá (G), 1 bức màu đỏ (R) và 1 bức màu xanh (B).
Ánh sáng đi vào cảm biến sẽ tạo ra 4 bức ảnh này, sau đó con chip xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) sẽ chạy thuật toán demosaic sẽ lồng ghép chúng lại với nhau để tạo thành ảnh chụp cuối.
Cơ chế thu ánh sáng này được kỹ sư Bryce Bayer của Kodak sáng tạo ra vào năm 1976 và trong suốt 4 thập kỷ đã luôn là nguyên lý cốt lõi của máy ảnh.
Nhưng không phải ai cũng chọn các màu RGGB như Bayer: khi thay vì sử dụng "1 đỏ, 2 xanh lá, 1 xanh dương", chính Kodak từng dùng CYYM (xanh lơ, vàng, hồng sẫm) hay RGBW (đỏ, xanh lá, xanh dương, trắng) trên nhiều mẫu máy ảnh trong quá khứ.
Nikon thì đã từng dùng CYGM (xanh lơ, vàng, xanh lá, hồng sẫm), còn Sony từng dùng RGBC (đỏ, xanh lá, xanh dương và xanh lơ).
Trở lại với Huawei, công ty này thay thế "G" (xanh lá) bằng Y "vàng". Đây chẳng phải ý tưởng mới mẻ, bởi từ 2016 một công ty tên là Aptina đã đệ trình bằng sáng chế về việc sử dụng nhiều lựa chọn màu trừ (vàng, hồng sẫm, xanh lơ...) thay thế cho màu xanh lá.
Về bản chất, cơ chế thu sáng ở đây vẫn theo phát kiến của Bayer, tức là vẫn "lọc" ánh sáng ra làm 4 khối màu rồi lồng ghép lại.
Trở lại với công nghệ của Huawei. RYYB có một lợi thế rõ rệt so với RGGB, đó là bộ lọc "Y" (vàng) sẽ thu được cả ánh sáng đỏ và ánh sáng xanh lá. Lượng ánh sáng thu về, theo Huawei là tăng thêm 40%.
Nhưng đâu phải vô cớ mà Bryce Bayer và vô số các nhà sản xuất trong suốt 40 năm qua đã luôn chọn RGGB. Khi tạo ra bộ lọc này, kỹ sư huyền thoại của Kodak đã dựa vào phát hiện sinh học rằng, các tế bào hình M và L trong mắt người nhạy với ánh sáng xanh lá (G) nhất.
Dùng RGGB, người ta có thể tạo ra những hình ảnh sắc nét và chính xác nhất - chính xác theo tiêu chuẩn của mắt người.
Thay thế G bằng Y, chiếc P30 Pro nhanh chóng mang trong mình một điểm yếu trầm trọng: khi xử lý tín hiệu thu về, con chip phải bằng cách nào đó tách được màu đỏ và màu xanh lá trong khung hình để đưa về bộ màu RGB quen thuộc.
Khâu xử lý trên RYYB hiển nhiên sẽ gây ra nhiễu (artifact) màu nhiều hơn RGGB, và chính DxOMark cùng các chuyên trang review (như Android Authority) đã từng đề cập đến vấn đề này. Theo DxOMark, P30 Pro có khoảng động kém, nhiều lỗi artifact và clipping, chê làm hỏng màu trời.
Đáng tiếc nhất, dù đã cố gắng xử rồi nhưng P30 Pro vẫn thất bại trong việc tạo ra bức ảnh chân thực. Gần đây, một cuộc khảo sát khách quan (bỏ phiếu mà không nói rõ tên máy chụp) cho thấy người tham gia chấm P30 Pro... bét dĩ khi so với Galaxy S10 và iPhone XS Max .
Chỉ cần nhìn vào những bức ảnh sau đây (ảnh dùng trong thử nghiệm của Phone Arena), bạn sẽ hiểu vì sao chẳng ai chọn RYYB cả:
RYYB chắc chắn sẽ gây tranh cãi, nhưng có một thay đổi khác chắc chắn sẽ được tất cả các fan nhiếp ảnh đồng tình: tăng kích cỡ cảm biến. Nói đơn giản, cảm biến càng to thì ánh sáng thu vào càng nhiều, chụp thiếu sáng càng tốt. Cảm biến của Huawei trên P30 Pro có đường chéo lên tới 1/1.7 inch.
Tất cả các đối thủ lớn như Apple, Google và Samsung đều dùng cảm biến nhỏ hơn rất nhiều, chỉ 1/2.55 inch. Quy đổi ra diện tích, cảm biến P30 Pro lớn gấp đôi (225%) so với các đối thủ. Mức độ khác biệt giữa cảm biến của P30 Pro với cảm biến của đối thủ cũng giống như là giữa full-frame với APS-C vậy. Việc P30 Pro thu sáng tốt hơn là hiển nhiên, không cần bàn cãi.
Cảm biến lớn thì chip nhỏ. Chụp thiếu sáng tốt thì sức mạnh kém cỏi hơn.
Nhưng một lần nữa, cảm biến này vẫn là mua từ Sony. Nếu muốn, Apple, Samsung và Google vẫn có thể đặt hàng một cảm biến lớn tương tự - hoặc hơn thế nữa: trong quá khứ, Nokia đã dùng cảm biến 1/1.5" cho Lumia 1020.
Các ông lớn không dùng cảm biến lớn vì hiểu cái giá phải đánh đổi. Galaxy S10 vẫn có cổng tai nghe, P30 Pro thì không có. P30 Pro dày tới 8,4mm. Pixel 3 và Galaxy S10 5G chỉ khoảng 7.9mm.
Quan trọng nhất, dù mỏng hơn, Galaxy S10 sử dụng chip có bản mạch lớn hơn nhiều so với Kirin (Exynos 9820 có diện tích 127mm2 trong khi Kirin 980 chỉ 74mm2).
Lợi thế này đã góp phần quan trọng để Exynos 9820 đánh bại Kirin 980 trong các thử nghiệm tốc độ, đặc biệt là khoảng cách lên tới 34% trên thử nghiệm đơn nhân – thứ quan trọng nhất quyết định hiệu năng thực tế của ứng dụng. Nếu tăng thêm không gian cho bản mạch, Huawei đã có thể tăng sức mạnh cho Kirin 980. Thay vào đó, họ chọn tăng kích cỡ cảm biến.
Nhìn lại những bức ảnh chụp phòng tối om của P30 Pro, ai cũng sẽ thấy ngỡ ngàng.
Nhưng trấn tĩnh lại, họ sẽ hiểu rằng có quá nhiều cái giá phải trả để đổi lấy một tình huống không thực tế: chụp thiếu sáng trong bar hay trên phố thì Galaxy và iPhone đã làm được rồi, mấy ai cần chụp phòng tối om như Huawei đã khoe? Chụp tối để làm gì nếu như màu sắc bị hỏng, cổng tai nghe bị bỏ, hiệu năng thì yếu kém...
Tất cả những cái giá ấy, Huawei đã chấp nhận. Đổi lại, điểm ảnh chụp của P30 Pro chỉ bằng Galaxy S10 5G, vốn là chiếc smartphone có cảm biến bằng một nửa.
Nhưng liệu có đáng không, Huawei?