ĂN BỮA NAY, LO BỮA MAI, BÓNG ĐÁ VIỆT CÓ GÌ ĐỂ THEO ĐUỔI GIẤC MƠ?
Không nghi ngờ gì nữa, Tây Ban Nha là nhà vô địch cực kỳ xứng đáng tại Euro 2024. Đội bóng xứ Đấu bò không chỉ rất mạnh mà lối chơi của họ còn vô cùng đẹp mắt, giàu tính cống hiến. Thật khó để tìm ra một cái tên nào khác thuyết phục hơn Tây Ban Nha.
Có một điều đáng chú ý là thời gian qua, bóng đá Việt Nam cũng muốn theo đuổi lối chơi kiểm soát bóng – tấn công như của Tây Ban Nha. Nhiều ý kiến cho rằng đấy là lối chơi hiện đại, tuyển Việt Nam muốn thắng các đội mạnh ở châu Á thì cần theo cách này thay vì bám mãi lối chơi phòng ngự chặt – phản công nhanh.
Chứng kiến Tây Ban Nha vô địch bằng lối chơi kiểm soát bóng – tấn công, dĩ nhiên ai mà không mê. Nhưng câu hỏi đặt ra là, lối chơi kiểm soát bóng – tấn công mà Tây Ban Nha đang là đại diện ưu tú, liệu có hợp với bóng đá Việt Nam?
"Để thay đổi sang kiểm soát bóng – tấn công thì cần cả nền bóng đá chơi như vậy. Nên thôi, tuyển Việt Nam chúng ta cứ chơi sao cho hợp nhất với lực lượng hiện có đi. Chứ bài toán cho bóng đá Việt Nam thì nan giải lắm. Như V.League còn đang có cảm giác bị loãng, 14 đội là quá nhiều. Các CLB Việt Nam còn khó khăn lắm, đào tạo trẻ thì được lứa này mất lứa kia. Nên thôi cứ tùy từng giai đoạn mà liệu cơm gắp mắm, tìm được con người phù hợp mà chơi.
Nói đến trường phái thì bản thân bóng đá thế giới cũng không rõ ràng. Chỉ có Tây Ban Nha còn duy trì bản sắc lâu lâu, bởi con người Tây Ban Nha chơi bóng rất giỏi, tài hoa. Bóng đá Anh cứ đá ầm ầm như vậy, Ngoại Hạng Anh hấp dẫn như vậy nhưng tuyển Anh lại đá ru ngủ thì làm sao được?" – BLV Quang Huy chia sẻ.
Quả thật vậy. VFF từng mang về HLV Troussier với giấc mơ chiến lược gia này có thể thay đổi tuyển Việt Nam từ phong cách phòng ngự - phản công sang kiểm soát bóng – tấn công. Kết quả thì ai cũng biết, HLV Troussier thất bại thảm hại khi cố gắng đưa ĐTVN theo triết lý mới.
Tất nhiên, nhiều người có thể nói con đường không sai mà do cách làm sai. Điều đó cũng phần nào hợp lý vì cách làm của HLV Troussier có nhiều bất cập. Nhưng không thể phủ nhận, khả năng của cầu thủ Việt Nam còn cách rất xa để có thể chơi kiểm soát bóng – tấn công trước các đối thủ mạnh.
Và một câu hỏi đặt ngược lại là, phòng ngự - phản công có thật sự lỗi thời, có phải không thể đi đến đỉnh cao?
PHÒNG NGỰ - PHẢN CÔNG KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ LỖI THỜI!
Hãy nhìn vào VCK Euro 2024 để tìm câu trả lời. Khi những Anh, Pháp và Bồ Đào Nha không thăng hoa được hàng công, họ cũng lựa chọn phòng ngự làm nền tảng. Dù màn trình diễn không thuyết phục như Tây Ban Nha nhưng Bồ Đào Nha cũng vào Tứ kết, chỉ chịu thua Pháp. Pháp vào Bán kết và Anh vào Chung kết.
Điểm chung của cả Pháp và Anh là họ vẫn phải thất bại trước Tây Ban Nha nhưng nên nhớ, đấy là tại đẳng cấp hàng đầu thế giới. Bản thân Tây Ban Nha cũng phải rất chật vật mới thắng được Pháp và Anh.
Lối chơi phòng ngự - phản công vẫn có thể đưa một tập thể lên đỉnh cao nhất chứ không hề cũ kĩ hay chỉ là dành cho các đội bóng yếu. Quan trọng hơn, chiến thuật vốn cần linh hoạt và phụ thuộc vào con người – thời điểm – đối thủ, điều đã được chính các đội bóng mạnh như Pháp, Bồ Đào Nha và Anh thực hiện.
Thế nên bóng đá Việt Nam thay vì xác định đổi hướng đi, "fix" cứng theo phong cách kiểm soát bóng – tấn công thì hãy liệu cơm gắp mắm, tùy vào tình hình mà vận dụng chiến thuật.
Nền bóng đá Việt Nam nhìn tổng thể thì còn rất xa để có thể tổng động viên theo lối chơi kiểm soát bóng – tấn công. Trên cả thế giới còn ít đội làm được thì mơ mộng viển vông làm gì?