Nhìn lại vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, mất 600 tỷ đồng trong 1 đêm gây rúng động

Hoàng Linh |

"Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch", chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng từng tuyên bố về màn đấu giá đất Thủ Thiêm gây xôn xao.

Ngày 5/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, theo thông tin được công bố ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil.

Trong sự nghiệp của mình, ông Dũng nổi tiếng với rất nhiều dự án cao cấp ở Hà Nội, TP HCM. Doanh nghiệp của ông này cũng từng gây sốc với màn đấu giá đất Thủ Thiêm hồi cuối năm ngoái.

Tân Hoàng Minh gây sốc với màn đấu giá đất Thủ Thiêm

Ngày 10/12/2021, thị trường bất động sản rúng động trước màn đấu giá đất Thủ Thiêm (TP HCM) khi công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (thuộc tập đoàn tân Hoàng Minh) trả tới 24.500 tỷ đồng trúng giá ô đất 3-12 Khu chức năng số 3, có diện tích 10.060m2 (tương đương 2,45 tỷ đồng/m2).

Đích thân ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trực tiếp tham gia phiên đấu giá "vô tiền khoáng hậu" này và sau đó, vị đại gia tuyên bố sẽ xây dựng một dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại với tham vọng tạo ra một "công trình kiệt tác" tại TP HCM.

Tại cuộc đấu giá này, Ngôi sao Việt phải nộp số tiền tương ứng 20% giá khởi điểm lô đất – tương ứng 588,2 tỷ đồng.

Ngôi sao Việt đưa ra con số tương đương 1,1 tỷ đô la cho lô đất Thủ Thiêm trong khi tiềm lực của doanh nghiệp này cũng như Tân Hoàng Minh vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Thực tế tại thời điểm kết thúc năm 2020, tổng tài sản trên sổ sách của Tân Hoàng Minh còn không đủ 1 tỷ USD, cụ thể là 20.052 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty 10.000 tỷ đồng. Phía Ngôi Sao Việt, tổng tài sản ghi nhận 7.605 tỷ đồng cùng thời điểm; vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.

Dư luận dậy sóng

Sau đợt đấu giá, thị trường đã xuất hiện rất nhiều ý kiến đánh giá về phiên đấu giá kỷ lục của TP HCM. Bên cạnh những ý kiến cho rằng việc có rất nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai đối với thị trường bất động sản. Điều này cũng cho thấy thị trường bất động sản TP HCM rất hấp dẫn, cũng từ đó, đóng góp ngân sách cho thành phố.

Tuy nhiên, nhìn vào màn đấu giá của Tân Hoàng Minh, không ít chuyên gia bất động sản hoài nghi về việc doanh nghiệp có thể nộp đủ số tiền đấu giá, và các dự án khi triển khai trên khu đất liệu sẽ khả thi hay không khi tính mức chi trả của người dùng.

Với mức trúng đấu giá tới 2,4 tỷ đồng/m2 thì các chủ đầu tư phải bán giá thành các căn hộ siêu sang là 500-700 triệu đồng một m2, nếu mục tiêu lợi nhuận 15%, cao hơn nhiều dự án căn hộ siêu sang ở trung tâm Hà Nội và TP HCM hiện nay chỉ khoảng 200-300 triệu đồng/m2.

Nhìn lại vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, mất 600 tỷ đồng trong 1 đêm gây rúng động - Ảnh 1.

Lô đất 3-12.

Sau đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm, Thủ tướng ra công điện ngăn chặn hành vi trục lợi

Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.

Công điện nêu rõ thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Ngày 4/1, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.

Yêu cầu các ngân hàng báo cáo gấp việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm

Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng đã vào cuộc khi Cục Thanh tra giám sát ngân hàng I, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản yêu cầu một số ngân hàng báo cáo thực trạng tình hình cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, tình hình cấp tín dụng mà các ngân hàng phải báo cáo gồm hoạt động cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu….

Nội dung báo cáo gồm các nội dung như thông tin khách hàng, thông tin hợp đồng tín dụng, mục đích cấp tín dụng, dư nợ tại thời điểm báo cáo như phân loại nợ, nợ gốc, nợ lãi, nội bảng, ngoại bảng, nợ đã xử lý…

Trong trường hợp xác định, khoản cấp tín dụng cho các khách hàng nêu trên liên quan tới mục đích tham gia đấu giá, đấu thầu các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì ngân hàng phải cung cấp toàn bộ hồ sơ tín dụng liên quan.

Tân Hoàng Minh phủ nhận mọi hoài nghi

Trước những sóng gió của dư luận, chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng ngay sau đợt đấu giá cũng đã trả lời với truyền thông, khẳng định : "Mức giá 24.500 tỷ đồng trúng thầu lô đất thực tế không quá cao", nếu so với mức giá mà doanh nghiệp cạnh tranh là Capital One đưa ra, lên tới 23.800 tỷ đồng.

"Với việc chấp nhận mua với giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, tôi muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường. Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch".

Nhìn lại vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, mất 600 tỷ đồng trong 1 đêm gây rúng động - Ảnh 2.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Trung Dũng lạc quan về khả năng tài chính cũng như kế hoạch phát triển dự án mới sau khi đấu giá thành công lô đất Thủ Thiêm.

Tôi có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng chẳng phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra... Như vậy, có thể khẳng định là tôi mua đúng giá chứ không hề phá giá", ông Dũng từng nói.

Thêm vào đó, vị đại gia bất động sản cho rằng, không có chuyện bỏ ra tới gần 600 tỷ đồng tiền cọc để tự mang tiếng xấu cho mình.

"Hơn nữa, quy định của luật pháp về đấu giá là rất rõ ràng, không phải muốn bỏ cọc là bỏ. Tân Hoàng Minh là một doanh nghiệp lớn, không bao giờ "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" một cách thô thiển như vậy!"

Thông báo về nộp tiền sử dụng đất

Ngày 6/1/2022, theo nguồn tin của Thanh Niên, Cục thuế TP HCM đã gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất đối với 4 công ty trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức).

Theo đó, Công ty TNHH bất động sản Ngôi Sao Việt, đơn vị trúng đấu giá lô 3 - 12 có diện tích hơn 10.059 m2, sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước 24.500 tỷ đồng.

Theo quy định pháp luật, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM (Sở Tư pháp TP HCM) sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở TN-MT trình UBND TP HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước (20% so với giá khởi điểm). Tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tân Hoàng Minh "quay xe" màn đấu giá đất

Ngày 11/1, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bất ngờ viết tâm thư về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Ông Dũng bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vị chủ tịch cũng thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường.

"Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng", ông Dũng viết trong tâm thư.

Tân Hoàng Minh cũng cho biết Công ty Ngôi Sao Việt sẽ có văn bản hình thức gửi UBND TP HCM để báo cáo và gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất, chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật và việc đấu giá tài sản công.

Sau khi Ngôi Sao Việt bỏ cọc đấu giá, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan ở TPHCM về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá hơn 5.000 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.

Ngày 5/4, xác nhận với Tiền Phong, Cục Thuế TPHCM cho biết, hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá 2 lô đất trong Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TPHCM) vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại