Sống chung với mẹ chồng có 2 NSND cùng tên Lan Hương tham gia: Lan Hương (Hương Bông) và Nguyễn Phúc Lưu Lan Hương.
Khán giả truyền hình hiện nay có lẽ quen với nghệ sĩ Hương "Bông" hơn (biệt danh do làng giải trí đặt để phân biệt với người còn lại).
Nhưng nếu nhắc đến NSND Nguyễn Phúc Lưu Lan Hương (gọi tắt: NSND Lan Hương), giới mộ điệu sẽ nhớ ngay đến bộ phim Em bé Hà Nội mà cô tham gia ngày còn bé, năm 12 tuổi, từng được xem như tượng đài làng điện ảnh Việt một thời.
NSND Nguyễn Phúc Lưu Lan Hương
Hiếm có diễn viên nhí nào của Việt Nam thành công khi còn nhỏ nhưng vẫn giữ được phong độ về lâu dài, vì nhiều lý do.
Được xem như một biểu tượng điện ảnh khi mới 12 tuổi, lớn lên trở thành NSND như Lan Hương nên cô là một trường hợp đặc biệt. Quan trọng hơn, nghệ sĩ Lan Hương lúc nhỏ từng "sống chết" cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 dù không được gia đình ủng hộ.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Đạo diễn Hải Ninh gặp Lan Hương lần đầu lúc cô mới 4 tuổi. Đến năm 1972, khi Hà Nội bị giặc Mỹ oanh tạc với số lượng bom được thống kê là nhiều hơn cả số lượng được dùng trong thế chiến thứ 2, Cục điện ảnh mong muốn có một bộ phim thật chân thật và xúc động để cổ vũ tinh thần của bà con nhân dân thủ đô, chống chọi lại sự tàn phá của quân địch.
Từ đó, dự án Em bé Hà Nội ra đời và đạo diễn Hải Ninh nghĩ ngay tới cô bé có đôi mắt sáng như sao mình từng gặp năm nào để chọn vào vai chính.
Thế nhưng, khi đạo diễn Hải Ninh quay trở lại ngôi nhà trong khu tập thể xưởng phim để gặp gia đình Lan Hương thì mẹ cô bé quyết tâm từ chối.
Dù đạo diễn/NSND Hải Ninh khi đó có thuyết phục ra sao cũng không lay chuyển được vì mẹ Lan Hương không muốn con gái mình mê đóng phim mà bỏ con đường khoa học bà đã chọn cho cô bé.
Không còn cách nào khác, đạo diễn Hải Ninh đã viết một bức thư tay gửi đến ông Trần Duy Hưng, khi ấy là chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để nhờ ông Hưng thuyết phục lại gia đình.
Lá thư nhấn mạnh đây là một bộ phim vô cùng quan trọng và là một cơ hội để gia đình có thể "góp phần vào công cuộc đấu tranh của người dân Hà Nội".
Ngoài ra, đạo diễn Hải Ninh cũng cam kết rằng chỉ mời Lan Hương đóng duy nhất phim này. Nghe vậy, mẹ Lan Hương mới đồng ý.
Em bé Hà Nội hay chính là Lan Hương ngày ấy
Em bé Hà Nội xoay quanh câu chuyện của cô bé Ngọc Hà. Sinh ra trong một gia đình trí thức thanh lịch, thuần hậu gốc Hà Nội gồm bố mẹ và em gái. Ngọc Hà là một em học sinh ngoan ngoãn, tốt bụng và có sở thích chơi đàn violon những lúc rảnh rỗi.
Tuy nhiên, sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà bị thất lạc gia đình. Từ đó, hành trình tìm lại gia đình bé nhỏ của cô bé bắt đầu.
Giữa khung cảnh Hà Nội đổ nát, chằng chịt sẹo bom đạn do B-52 để lại, Ngọc Hà tình cờ gặp được anh lính pháo binh tốt bụng (Thế Anh). Anh đã tận tâm chăm sóc và giúp cô bé gặp lại được em gái của mình.
NSND Lan Hương cho biết khi vào vai Ngọc Hà, cô đã diễn bằng tất cả sự sợ hãi vốn có bởi chính cô đã từng là một cư dân của Hà Nội những năm tháng sóng gió ấy.
Khi Mỹ đưa B-52 sang ném bom, Lan Hương mới 9 tuổi và đang sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám.
Cảnh tượng ấy là một cơn ác mộng kinh hoàng đối với bất kể đứa trẻ 9 tuổi nào.
Vì lòng căm thù giặc cũng như tinh thần yêu nghệ thuật nên dù mới 10 tuổi, cô diễn viên nhí Lan Hương vẫn đầy trách nhiệm.
Có cảnh cô bé diễn mấy chục lần không đạt, trầy xước hết 2 đầu gối, đạo diễn Hải Ninh quyết định dừng lại. Nhưng Lan Hương vẫn đòi diễn đến khi nào đạt mới thôi.
Ở đại cảnh đoàn xe lửa tiến về Hà Nội, hàng trăm xe chạy rầm rập trên đường, đạo diễn sợ nguy hiểm nên dặn cô nếu sợ thì cứ chạy bên mép đường.
Nhưng Lan Hương vẫn chạy bên ngoài, song song với bánh xe đúng như kịch bản, suýt chút còn bị xe cán. May mà diễn viên Thế Anh đã kịp chạy theo kéo lại.
"Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy mưa bom, chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi cuống cuồng lao ra hầm trú ẩn cá nhân.
Sáng sớm hôm sau, nhà tôi sơ tán về Bình Đà, Hà Đông. Thành phố hoang tàn, đổ nát. Khắp nơi là tiếng khóc than. Là nỗi kinh hoàng." - NSND Lan Hương kể lại
Phim được bấm máy vào mùa hè năm 1973 và hoàn thành vào cuối năm 1974. Khi ấy, sau hơn nửa năm vụ ném bom Điện Biên Phủ trên không nhưng khung cảnh Hà Nội vẫn hoang tàn, xơ xác.
Trên những con phố như Khâm Thiên, cảnh tượng đổ nát như thể trận bom chỉ mới vừa dội qua. Năm 1973, quân lực, dân lực dồn hết cho chiến trường miền Nam, công tác khôi phục đổ nát sau cuộc ném bom diễn ra rất chậm chạp.
Nhưng cũng vì thế mà bối cảnh Hà Nội đổ nát trong phim rất chân thực. Đoàn làm phim hầu như không tác động tới nhiều bối cảnh.
Ở nhưng nơi đất đá mọc rêu, các hoạ sĩ phụ trách bối cảnh chỉ cần đẽo gọt lại, để vết đổ vỡ nhìn mới hơn, như thể bom vừa dội xuống.
Cũng chính vì Hà Nội vẫn còn hoang tàn, đổ nát nên cả đoàn làm phim từ đạo diễn đến diễn viên đều rất xúc động trong quá trình quay phim.
Nhờ đó, chúng ta đã có những phân đoạn đi vào lòng người mà giờ nhắc lại cũng không thể quên.
Như cảnh mẹ của Ngọc Hà hi sinh thân mình để bảo vệ tính mạng cho các học sinh mầm non; hay anh pháo binh sau khi bắn hạ được máy bay Mỹ thì chạy đến ăn mừng với Ngọc Hà như một đứa trẻ; hay khi Ngọc Hà đứng trước cửa hàng thịt và khóc "xin cô đừng gạch tên mẹ cháu, em gái cháu" như một lời cầu nguyện nức nở, một tia hy vọng le lói rằng người thân của mình vẫn còn sống, nhưng chỉ lưu lạc đâu đó mà chưa tìm về đến mình mà thôi.
Sau hơn bốn thập kỷ, Em bé Hà Nội vẫn là câu chuyện biểu tượng cho tinh thần và ý chí của người dân thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Đôi mắt to tròn trong veo, vừa mạnh mẽ vừa nhẫn nại của NSND Lan Hương khi đó là đại diện cho những gì trong sáng nhất, thuần khiết nhất của thời kỳ chủ trương "Hậu phương lớn" ở miền Bắc, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thử thách để tiến vào giải phóng người anh em miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn kết dân tộc.
Càng ý nghĩa hơn khi chỉ 1 năm sau khi phim ra mắt, vào ngày 30/4 năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn được thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà, mở ra thời kỳ hoà bình cho dân tộc.
Mang tiếng nói của nhân loại, Em bé Hà Nội nhận được nhiều sự tán dương của cộng đồng quốc tế như Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP Quốc tế Moskva 1975, Giải thưởng của mặt trận giải phóng Palestine tại LHP Quốc tế Syria.