Và với việc đảng Bảo thủ giành đa số ghế áp đảo tại hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 12/12, khoảng cách 80 ghế so với các đảng đối lập, khả năng Thủ tướng Anh thất bại trong việc thông qua thỏa thuận Brexit là cực thấp, nếu như không nói là hoàn toàn không thể xảy ra. Như vậy chậm nhất kể từ sau ngày 31/1/2020 tới, nước Anh sẽ không còn là thành viên của EU, cho dù vẫn còn giai đoạn 11 tháng chuyển tiếp sau đó để hai bên đàm phán một thỏa thuận thương mại mới, trong thời gian này về cơ bản Anh vẫn phải tuân thủ các quy định của EU.
Trong bài phát biểu ngày 13/12 khi chính thức quay trở lại số 10 phố Downing trên cương vị Thủ tướng mới đắc cử, ông Johnson đã phải thừa nhận “cả nước Anh xứng đáng được nghỉ giải lao” sau 5 tuần mệt mỏi của cuộc bầu cử giữa mùa Đông lần đầu tiên trong gần cả thế kỷ qua, và đặc biệt là “được đoạn tuyệt hoàn toàn” với câu chuyện về Brexit để đón một Giáng sinh vui vẻ đầu tiên sau hơn 3 năm sóng gió kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tất nhiên là còn quá sớm để nói về một sự “đoạn tuyệt hoàn toàn” trong câu chuyện Brexit, nhưng nếu nhìn lại hành trình một năm vừa qua thì có thể thấy công cuộc chia tay đầy gian nan của nước Anh khỏi EU cũng đã đi được một chặng đường dài.
Cũng cách đây 1 năm, trước kỳ Giáng sinh năm 2018, Thủ tướng Anh khi đó Theresa May đã phải hoãn đưa thỏa thuận Brexit của bà ra thông qua tại quốc hội vì nguy cơ thất bại quá hiển nhiên.
Tuy nhiên, việc lùi lại đến đầu năm mới 2019 cũng không thay đổi được gì. Trong lần bỏ phiếu thông qua tại hạ viện ngày 15/1/2019, trước sự phản đối của những người ủng hộ Brexit cứng lo sợ nước Anh phải ở lại liên minh hải quan của EU qua “chốt chặn cuối”, và đồng minh DUP trong liên minh cầm quyền lo ngại về sự bất bình đẳng của Bắc Ireland, bà May đã phải gánh chịu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử chính trị Anh hiện đại, với 432 phiếu phản đối và chỉ có 202 phiếu ủng hộ thỏa thuận mà bà đã phải khó khăn lắm với đạt được.
Việc vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại hạ viện một ngày sau đó, cùng công sức “chạy đôn chạy đáo” mang về những bảo đảm luật pháp từ phía EU về tính chất tạm thời của “chốt chặn cuối”, cũng không đủ để bà May dẹp yên cuộc “nổi loạn” của chính những nghị sĩ ủng hộ Brexit cứng trong đảng Bảo thủ của mình, và thỏa thuận Brexit của bà một lần nữa thất bại với chênh lệch 149 phiếu trong lần thông qua tiếp theo vào trung tuần tháng Ba.
Cái mốc 29/3/2019 để thực hiện Brexit được chờ đợi từ 2 năm trước đã trôi qua như một ngày vô danh, chỉ có khác đó thực sự là “một ngày dài hơn thế kỷ”.
Sang tháng 4/2019, thời hạn chót cho Brexit được đẩy lùi xuống ngày 31/10/2019, Thủ tướng Theresa May buộc phải quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của phe đối lập trong vô vọng với thất bại trong nỗ lực bỏ phiếu lần cuối cùng.
Trong thời gian “hỗn loạn” sau đó tại nghị viện, 8 “biến thể” về chủ đề Brexit, trong đó có cả phương án trưng cầu dân ý lần hai, bị chính các nghị sĩ tự đưa ra thăm dò và cũng tự mình bác bỏ. Và điều tất yếu đã phải đến khi bà May tuyên bố ra đi vào đầu tháng 6, trở thành Thủ tướng Anh thứ hai, sau người tiền nhiệm David Cameron, ghi tên mình vào "danh sách nạn nhân" của tiến trình Brexit nghiệt ngã.
Trong một mùa Hè được nhớ đến với cái nóng kỷ lục của châu Âu, nước Anh buộc phải tham gia tổ chức bầu cử nghị viện châu Âu. Và đảng Brexit 6 tuần tuổi khi đó của ông Nigel Farage đã dẫn đầu và giành đến 31% số phiếu với 29 ghế, ít nhiều cho thấy sự chán ngán của cử tri Anh với Brexit và những bế tắc tại Điện Westminster.
Ngày 24/7/2019 đánh dấu sự bắt đầu của “kỷ nguyên Johnson” khi cựu Thị trưởng London dễ dàng vượt qua cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh với 66% số phiếu ủng hộ. Với những tuyên bố rùm beng về việc chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận, Thủ tướng Johnson còn mạnh miệng tuyên bố “Brexit hay là chết” và bắt tay vào đàm phán lại thỏa thuận Brexit để cam kết đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019.
Tháng 8/2019, nước Anh bước vào một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” vì Brexit, khi Thủ tướng Anh đệ trình và được Nữ hoàng chấp thuận “treo” quốc hội trong 5 tuần, bất chấp sự phản đối của nghị viện. Tình hình càng trở nên bế tắc khi Thủ tướng Anh công khai tuyên bố sẽ theo đuổi phương án “Brexit” không thỏa thuận trong đàm phán với EU để gây sức ép đối với quốc hội. Các nghị sĩ Anh thuộc mọi phe phái đã đồng loạt “nổi loạn” và tự thông qua Đạo luật Benn nhằm ngăn chặn kịch bản này – với quy định nếu không có thỏa thuận Brexit nào được thông qua trước thời hạn chót 31/10 thì Chính phủ Anh buộc phải đề nghị xin lùi thời hạn Brexit.
Trong khi nội các gọi đạo luật Benn là “sự đầu hàng” thì các nghị sĩ tự hào gọi đây là một cuộc “đảo chính hiến pháp” để giành lại quyền kiểm soát. Thủ tướng Anh mạnh tay khai trừ 21 nghị sĩ Bảo thủ “nổi loạn", nhưng tình hình càng trở nên bế tắc trong cuộc chiến giữa nội các và nghị viện, khi Tòa án Tối cao Anh tuyên bố đề nghị treo quốc hội của chính phủ là “trái phép và không có hiệu lực”.