Chiếc máy bay Boeing 737-800 MAX mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã gặp nạn vào sáng 10/3, khi đang chở 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn.
Người phát ngôn hãng hàng không Ethiopian Airlines xác nhận sự việc xảy ra vào lúc 8 giờ 44 phút (giờ địa phương, 13 giờ 44 giờ Việt Nam).
Chiếc máy bay đã cất cánh từ sân bay quốc tế Bole lúc 8 giờ 38 phút và bị mất liên lạc với tháp điều khiển chỉ 6 phút sau khi cất cánh.
Các hoạt động tìm kiếm cứu nạn đang khẩn trương được triển khai. Bước đầu, người ta đã xác định được vị trí máy bay rơi gần thị trấn Bishoftu, cách thủ đô Addis Ababa 62km về phía Đông Nam. Không còn ai sống sót trong vụ tai nạn nghiêm trọng này.
Qua Twitter, Văn phòng Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình của những người mất tích trong vụ tai nạn.
Sự cố trên các chuyến bay thường gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Dưới đây là những vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên thế giới:
Ngày 29/10/2018: Máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air thực hiện lộ trình bay từ thủ đô Jakarta đến Pangkakpinang thuộc tỉnh Bangka Belitung đã rơi xuống biển.
Có 189 người đi trên máy bay bao gồm cả phi hành đoàn , thiệt mạng.
Các nhà điều tra kiểm tra mảnh vỡ máy bay của hãng hàng không Lion Air tại cảng Tanjung Priok, Jakarta của Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 18/5/2018: Một chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Cubana de Aviación chở theo hơn 100 hành khách đã bị rơi ngay sau khi vừa cất cánh từ Sân bay Quốc tế José Martí ở Thủ đô Havana của Cuba, khiến 110 người thiệt mạng.
Ngày 11/4/2018: 257 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay quân sự của Lực lượng Không quân Algeria.
Khi đang trên đường từ Boufarik đi qua Tindouf tới Bechar, máy bay đã gặp nạn chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay của căn cứ quân sự tại Boufarik, cách thủ đô Algiers 50km về phía Nam. Máy bay này đã rơi xuống một cánh đồng và bốc cháy.
Ngày 17/7/2014: Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi xuống miền Đông Ukraine, cướp đi mạng sống của 298 người và khiến cả thế giới bàng hoàng và chìm trong đau thương.
Ngày 8/3/2014: Chiếc máy bay Boeing số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia chở 239 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar.
Toàn bộ số người trên máy bay đều được cho là đã tử nạn. Đến nay, việc tìm kiếm những nguyên nhân liên quan đến vụ rơi máy bay này vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Công tác tìm kiếm chiếc máy bay MH370 vẫn chưa đem lại kết quả. (Nguồn: abc.net.au)
Trong thời gian qua, đã có nhiều giả thuyết được đưa ra cho nguyên nhân chiếc máy bay của Malaysia biến mất một cách bí ẩn như: phi công tự sát, không tặc, bị tên lửa bắn trúng hay người ngoài hành tinh tấn công...
Ngày 20/4/2012: Vụ tai nạn máy bay Boeing 737 của Bhoja Air tại Islamabad, Pakistan, làm chết 127 người.
Ngày 8/7/2011: Một chiếc máy bay của hãng hàng không Hewa Bora Airways bị rơi khi cố gắng hạ cánh trong thời tiết xấu tại sân bay ở Kisangani, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ít nhất 74 trong tổng số 118 người trên máy bay đã thiệt mạng
Ngày 28/7/2010: Một chuyến bay của hãng hàng không Airblue chở 152 người đâm vào một sườn đồi ở ngoại ô Islamabad, Pakistan. Không một ai sống sót sau tai nạn trên
Ngày 12/5/2010: Vụ tai nạn máy bay của Afriqiyah Airways gần Tripoli, Libya khiến 103 người thiệt mạng. Chỉ duy nhất một cậu bé người Hà Lan 9 tuổi là sống sót trong vụ tai nạn này.
Ngày 10/4/2010: Chiếc máy bay chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski bị rơi khi cố gắng hạ cánh tại một sân bay gần thành phố Smolensk của Nga. Tổng thống Lech Kaczynski là một trong số 97 người thiệt mạng.
Ngày 15/7/2009: Một chiếc máy bay của Caspian Airlines đâm xuống một cánh đồng gần thành phố Qazvin, Iran, làm tất cả 168 người trên máy bay thiệt mạng và để lại một hố sâu lớn như miệng núi lửa cháy âm ỉ.
Ngày 30/6/2009: Một chiếc máy bay A310 của Yemenia Airways chở hơn 150 người bị rơi ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi quốc đảo Comoros.
Ngày 1/6/2009: Một máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air France chở 228 người đã mất tích trên Đại Tây Dương khi trên hành trình đi từ Rio de Janeiro đến Paris.
Ngày 17/7/2007: Một máy bay chở khách phản lực của TAM Airlines khi hạ cánh xuống sân bay ở Sao Paulo, Brazil, đã bị trượt khỏi đường băng, đâm vào một trạm xăng và bốc cháy. Tất cả 199 người trên máy bay đã thiệt mạng.
Ngày 11/9/2001: Không tặc khống chế hai chiếc máy bay American Airlines và United Airlines của Mỹ và điều khiển đâm thẳng vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York, khiến cho 157 hành khách trên máy bay thiệt mạng, kéo theo đó là 2.603 nạn nhân khác đang có mặt trong tòa tháp đôi lúc đó.
Ngày 12/11/1996: Một máy bay chở hàng Ilyushin IL-76 đi từ Kazakhstan đâm vào một chiếc Boeing 747 của Saudi Arabia trên không trung tại khu vực gần Delhi, Ấn Độ.
Hậu quả của vụ tai nạn thảm khốc là làm 349 người chết. Nguyên nhân vụ việc được cho là phi hành đoàn Kazakhstan đã không tuân thủ hướng dẫn, trong khi cả hai máy bay đều không trang bị công nghệ tránh va chạm.
Ngày 3/7/1988: Một chiếc Airbus A300 của hãng hàng không Iran Air bị tàu khu trục Vincennes của Hải quân Mỹ bắn hạ trên eo biển Hormuz.
Quân đội Mỹ lúc đó nói rằng thủy thủ của tàu Vincennes bị phân tâm và nhầm lẫn chiếc A300 là một máy bay quân sự của kẻ địch. Toàn bộ 290 người trên máy bay đã thiệt mạng.
Ngày 12/8/1985: Một máy bay Boeing 747 của hãng không Japan Airlines (Nhật Bản) bị đâm ở gần núi Phú Sĩ sau khi cất cánh từ Tokyo trong chặng bay nội địa, khiến 520 thiệt mạng.
Chiếc máy bay đã bị hỏng ở phần đuôi và từng được sửa sau một vụ tai nạn bảy năm trước đó. Tuy nhiên, việc khắc phục phần hỏng không thành công khiến phần đuôi của chiếc Boeing 747 bị phá hủy, phi cơ mất kiểm soát và gây ra tai nạn.
Sau vụ tai nạn, một giám sát bảo trì của hãng hàng không JAL đã tự sát, trong khi chủ tịch của hãng này từ chức và chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tai nạn.
Ngày 27/3/1977: Hai chiếc Boeing 747 của hãng hàng không KLM (Hà Lan) và Pan Am (Mỹ) đâm vào nhau trên một đường băng đầy sương mù ở Tenerife, thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Máy bay KLM đã khởi hành mà không được phép và đâm vào máy bay của hãng Pan Am khi nó di chuyển trên cùng đường băng. Sai lầm tai hại này đã làm 583 người chết./.