Nhìn lại 1 năm thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Tâm An |

Sau hơn 1 năm vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), tuy đã đạt được kết quả tích cực, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn những tồn tại, cần sớm khắc phục.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hơn 1 năm vận hành thí điểm VWEM là vận hành trên giấy. Mục tiêu của giai đoạn này là thí điểm cạnh tranh bước 1 trong khâu bán buôn điện có nhiều bên bán, nhiều bên mua.

Các đơn vị tham gia thị trường sẽ thí điểm giao dịch trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cùng với đó là việc phân bổ hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các đơn vị phát điện với EVN cho 5 tổng công ty Điện lực.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác vận hành thí điểm đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết như, bộ máy nhân sự ở các tổng công ty điện lực còn yếu, sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nhanh của thị trường…

Để chuẩn bị cho việc vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2019, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh, cần tập trung hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm vào những tháng cuối năm 2017, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị, doanh nghiệp, những thành phần tham gia thị trường.

Cục Điều tiết Điện lực cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc xây dựng, trình Bộ Công Thương phê duyệt, ban hành Thông tư mới về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Để chuyển sang giai đoạn thị trường điện bán buôn, Cục cần nghiên cứu, đề xuất phương án cơ chế giá phù hợp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cần có giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với các cấp độ của thị trường điện.

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc phân bổ hợp đồng được thực hiện theo nguyên tắc, mỗi tổng công ty điện lực được phân bổ 1 hợp đồng với nhà máy thủy điện, 1 hợp đồng với nhà máy nhiệt điện than và 1 hợp đồng với nhà máy nhiệt điện khí.

Đặc biệt, hạ tầng công nghệ thông tin đã cơ bản được trang bị và đáp ứng yêu cầu vận hành thí điểm VWEM.

Các tổng công ty điện lực trang bị máy tính chủ cài đặt cơ sở dữ liệu và phần mềm hỗ trợ thanh toán thị trường điện, đồng thời được kết nối với mạng thông tin thị trường điện qua các đường truyền cáp quang, được cấp tài khoản và phân quyền truy cập.

Công tác kiểm tra, đối soát, xác nhận bảng kê thanh toán thị trường được các tổng công ty điện lực thực hiện tốt, đúng quy định, hàng tuần đều có báo cáo gửi về Cục Điều tiết Điện lực về tình hình xác nhận bảng kê, chi phí mua điện từ các nhà máy điện.

Theo ông Phúc, đến hết quý II/2017, đã hoàn thành thu thập số liệu đo đếm điện năng, dự báo biểu đồ phụ tải của các tổng công ty điện lực, tính toán phân bổ hợp đồng và tính toán nhu cầu điều tiết giữa các tổng công ty điện lực.

Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện (EVN) cho biết, tổng mức đầu tư cho dự án hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát VWEM là khoảng 500 tỷ đồng. Tiến độ của dự án hiện đang chậm hơn so với kế hoạch, nên thời gian tới, EVN sẽ nỗ lực đẩy nhanh các khâu để hoàn thành dự án vào năm 2018.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng đã và đang rốt ráo triển khai khối lượng công việc rất lớn để bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, pháp chế, vận hành thị trường điện.

Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 76 nhà máy điện tham gia giao dịch thị trường phát điện cạnh tranh với tổng công suất lắp đặt tham gia thị trường đạt 20.728 MW, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (31 nhà máy)…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại