Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài cuốn chiếu vô cùng sặc sỡ. Nhưng trông đẹp lộng lẫy thế thôi chứ thực chất đây là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của nó đối với kẻ thù.
Sinh vật nhiều chân này có tên khoa học là Apheloria Polychroma, được tìm thấy ở phía Tây Nam khu rừng Virginia's Cumberland. Chiếc vỏ đầy màu sắc của nó được phủ lên một lớp xyanua - như một màng bảo vệ chặn đứng lại sự tấn công của loài chim săn mồi.
Đây là một cơ chế tự vệ khá phổ biến của một số loài chân đốt. Khi bị đối phương tấn công, chúng tiết ra hỗn hợp hydro xyanua và benzoyl xyanua để tự vệ.
Ngoài ra, chúng còn giải phóng một loạt chất độc khác như mandelonitrile benzoate và benzaldehyde - cả hai loại độc tố này đều được sử dụng như 1 loại kháng sinh và phòng thủ.
Vậy loài cuốn chiếu này sử dụng "vũ khí hóa học" của chúng như thế nào?
Một số loài giải phóng nọc độc một cách thụ động từ tuyến tiết độc, một số khác cuộn thân mình để tiết ra nọc độc, số còn lại chủ động phóng nọc độc khi gặp kẻ thù.
Điều đặc biệt ở đây là, cơ thể chúng trang bị khả năng miễn dịch với độc tính của xyanua. Khi phát hiện có sự đe dọa, chúng sẽ tiết ra Cyanohydrin, phân hủy thành hydrogen xyanua và giải phóng chúng ra ngoài ngay lập tức.
Theo giới nghiên cứu, cá thể cuốn chiếu Apheloria này có thể sản sinh ra lượng hydrogen xyanua đủ để hạ gục 18 con chim trưởng thành.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra vài loài cuốn chiếu khác đang dần bắt chước khả năng ngụy trang của A. polychroma - mặc dù sự sao chép này không đem lại nhiều lợi ích cho chúng.
Việc ngụy trang chỉ thực sự hiệu quả vào những lần đầu tiên, sau đó khi các động vật săn mồi đã có kinh nghiệm, chúng có thể nhớ được và tránh xa cạm bẫy.
Paul Marek thuộc ĐH Virginia Tech chia sẻ: "Chúng ta cần ghi chép lại mô tả về loài sinh vật này, nhờ đó có thể biết được vai trò trong hệ sinh thái, cũng như tìm hiểu yếu tố ảnh hưởng đến tập quán sinh sống của chúng".
Nguồn: ScienceAlert