Nhịn ăn sáng ngày hành kinh, một bé gái bị té nát mặt

Phương Khánh |

Phòng cấp cứu Khoa Răng Hàm Mặt (BV. Nhi Đồng 1) vừa tiếp nhận điều trị cho một bé gái 11 tuổi (Hóc Môn, TP.HCM) với nhiều vết thương sâu trên mặt do mảnh kính vỡ đâm vào, vết thương cắt ngang môi trên bị rách lộ cả sụn và xương trục trụ mũi.

TS.BS. Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (BV. Nhi Đồng 1) cho biết thêm, đây là lần đầu tiên các bác sĩ răng hàm mặt nhi gặp một ca nặng như vậy.

“Chúng tôi thường gặp những ca bị té ngã trong khi chạy chơi, gãy răng hay dập môi…

Tai nạn học đường là khó tránh khỏi, trong khi mặc dù nhà trường có thể rất có trách nhiệm trong việc xử trí các vết thương nhưng do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ của nhân viên y tế chưa đủ để đánh giá tình trạng vết thương.

Điều đáng nói, bé gái đang trong thời gian hành kinh, nhưng lại nhịn ăn sáng, nên khi đến trường, bé bị choáng, xây xẩm rồi té ngã. Có lẽ, người lớn đã không đủ kiến thức và chưa quan tâm lắm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên đặc biệt là bé gái”, BS. Đẩu khuyến cáo.

Nói thêm về bệnh nhi này, BS. Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, cho biết: “Khi bé nhập viện vào lúc 9g sáng, băng kín mặt, chỉ chừa hai con mắt.

Thoạt nhìn, trên mặt băng có cả dấu máu đã khô, và cả máu ướt vẫn rỉ thấm ra rất nhiều, tôi đã tiên đoán vết thương rất nghiêm trọng. Quả vậy, khi mở băng ra, mặc dù tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với những vết thương vùng mặt ở trẻ nhỏ, nhưng chưa lần nào làm tôi phải chững lại vài phút vì sững sờ.

Phần dưới khuôn mặt của một bé gái 11 tuổi bị nát hết, nhiều vết thương sâu trong miệng, chảy máu nghiêm trọng”.

Ca phẫu thuật đã tiến hành khoảng 3 giờ đồng hồ, gây tê tại chỗ. Các bác sĩ đã gắp ra khoảng hơn chục miếng kính, với nhiều mảnh trong đó có góc nhọn, đâm sâu vào các mạch máu nhỏ, nên khi gắp ra, máu xịt ra rất nhiều.

Các bác sĩ răng hàm mặt đã dùng đến 6 cọng chỉ (65cm/cọng) để may lại vết thương cho bé. Dự kiến, bé sẽ được cắt chỉ sau 1 tuần và có thể phải mất hết 1g đồng hồ để cắt hết chỉ.

Trong hai tuần đầu, bé sẽ được các bác sĩ hướng dẫn bôi kem nghệ có chứa kháng sinh vừa tránh nhiễm trùng, vừa lành sẹo. Sau đó, bé sẽ được đổi sang một loại kem chuyên dụng nhằm giảm bớt tăng sinh trên các mô sẹo.

Điều đáng nói, tai nạn này xảy ra vào tuần đầu tiên khi các em đến trường, nên các bác sĩ có rất nhiều ái ngại cho tâm lý của bé về sau. Mẹ bé cũng từng có ý định chuyển trường để tránh cho con bị ám ảnh về trường lớp.

“Êkíp phẫu thuật lúc đó còn rất cảm động trước khi vào mổ, bé đã dùng di động của mẹ để nhắn rằng các bác sĩ giúp khuôn mặt con được đẹp trở lại.

Tuy nhiên, xử trí một vết thương do bị nhiều mảnh kính cắt như vậy không dễ dàng, vì thật sự chúng tôi cũng khó xác định là đã gắp hết các mảnh kính nhỏ ra khỏi vết thương chưa. Có nhiều trường hợp, chúng tôi lại phải mổ lần thứ hai để làm sạch vết cắt.

Ngoài ra, tùy cơ địa, sẹo lồi có thể hình thành, dẫn đến miệng méo, mắt chếch, mà về sau, các bác sĩ phải tiến hành mổ cắt sẹo co kéo và tạo hình thẩm mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai, tác động tiêu cực đến tâm lý phát triển của cháu bé”, BS. Đẩu chia sẻ.

Các bác sĩ hy vọng các cửa ra vào hay cửa sổ ở nhà trường có thể thay bằng mica hay kính cường lực để khó vỡ hoặc nếu có vỡ sẽ tạo ra những mảnh kính tròn nhỏ hình hạt lựu, giảm bớt tổn thương cho học sinh, khi môi trường xung quanh còn nhiều yếu tố không an toàn cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại