Cụ thể, theo Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, bổ trợ tư pháp, mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Ngoài ra, người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng cũng bị phạt tới 5 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ tăng tên, từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn.
Ngoài ra, đối tượng lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình; Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân cũng bị phạt tới 20 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề trên, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Hội luật gia Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Hôn nhân là sự kết hợp hoàn tự nguyện giữa 1 nam và 1 nữ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng nhau, được xác lập sau khi nam nữ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, không phải quan hệ hôn nhân nào cũng trọn vẹn, hạnh phúc dài lâu bởi nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do khiến hôn nhân bị đổ vỡ chính ngoại tình .
Từ thời điểm pháp luật có quy định về hôn nhân, nguyên tắc một vợ một chồng luôn được coi là trọng tâm và được quy định tại khoản 1, Điều 2 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Song song với nguyên tắc này, pháp luật cũng nghiêm cấm các hành vi xâm hại đến quan hệ hôn nhân, quy định tại khoản 2, Điều 5 của luật này. Tất cả những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm điều cấm đều sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Cụ thể hóa quy định trên, tại điều 48 của Nghị định 110/2013, Nghị định 67/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Với chế tài này, pháp luật khẳng định rõ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng là trái pháp luật và sẽ bị nghiêm trị.
Tuy nhiên, pháp luật là kiến trúc thượng tầng, nó được xây dựng dựa trên sự nhận thức của con người về thực tiễn, về các tồn tại trong xã hội nên đôi khi pháp luật cần phải được điều chỉnh kịp thời mới đảm bảo được nhiệm vụ khắc phục các tồn tại trong cuộc sống thực tế.
Nền kinh tế nước ta đang trong gia đoạn bùng nổ về mọi mặt cả về quy mô và chất lượng. Từ đó cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân tăng lên đáng kể.
Chế tài để phạt người có hành vi vi phạm nguyên tắc của luật pháp về hôn nhân hoàn toàn hợp lý, xác đáng và đảm bảo tính nghiêm trị của pháp luật.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ được ban hành, đến nay, những chế tài này dường như dần bị lạc hậu, mức phạt được xem là quá nhẹ (theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP, Nghị định 67/2015/NĐ-CP), không đủ tính răn đe và không làm toát lên tinh thần nghiêm trị đối với những người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân.
Chính vì thế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2020 có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 để tăng mức xử phạt hành chính nhằm đảm bảo tính hợp lý và nhiệm vụ răn đe mọi người khi có ý định thực hiện hành vi trái pháp luật. Đây được xem là một việc làm cần thiết và kịp thời.
Bên cạnh đó, nếu việc "ngoại tình" trong các trường hợp nêu trên ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Cụ thể, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Khi được hỏi ý kiến về vấn đề trên, chia sẻ với PV, chị Phùng Phương Thảo (quê Bắc Ninh) cho rằng: "Vợ/chồng cũng như "tài sản" vậy. Ngoài việc chiếm đoạt "tài sản" của người khác, "ngoại tình" còn gây ra những hậu quả về mặt tinh thần. Mặc dù hành vi "ngoại tình" nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý về mặt hình sự, cao nhất là 3 năm tù, nhưng đấy là trường hợp mà bất kể ai (vợ hoặc chồng) đều không mong muốn xảy ra.
Chính vì lẽ đó, theo quan điểm cá nhân của tôi mức phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi "ngoại tình" vẫn còn là thấp, chưa đủ sức nặng để răn đe".
Đồng quan điểm với chị Thảo, chị Nguyễn Thị Nga (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) nhận định: Hành vi phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác chỉ phạt vài triệu đồng thì khó đủ sức mà răn đe.
Nếu bản thân không nhận thức được hành vi thì nên dùng tiền phạt để ý thức họ. Vì thế các cơ quan pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu nâng cao mức hình phạt hơn nữa cho hành vi "ngoại tình". Tiền phạt cao vừa đủ sức răn đe đối với người vi phạm, vừa góp phần nâng cao ngân sách để Nhà nước sử dụng vào những việc làm khác có ý nghĩa hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến cho rằng, mức phạt theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP đối với hành vi "ngoại tình" là hoàn toàn phù hợp ở thời điểm hiện tại (khi xét vào mức thu nhập của người dân ở nước ta).
Trên thực tế, bất kể một thay đổi nào về mặt chính sách pháp luật cũng cần phải đi từng bước, không nên quá nôn nóng, vội vàng.