Nhiều trẻ tím tái phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin thay thế Quinvaxem: Bộ Y tế nói gì?

Bảo Thy |

Cuối tháng 12 cả nước bắt đầu thực hiện tiêm vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem. Ngay sau đó mạng xã hội chia sẻ nhiều thông tin về phản ứng sau tiêm vắc xin mới này.

Nhiều trẻ tím tái sau tiêm

Nickname Vân Hạt… chia sẻ về trường hợp cháu của mình 2 tháng tuổi ở Nam Định đã bị tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1. Cháu bình thường nhưng sau tiêm người nóng đến tối sốt cao. Dù bố mẹ cháu bé đã chườm cho hạ sốt nhưng không được, khi đưa vào viện bé đã không qua khỏi.

Hay như trường hợp của mẹ Thuý Phùng con chị cũng bị phản ứng sau tiêm, bé khóc và tím tái phải đi viện.

Mạng facebook có nhiều mẹ cũng cho con tiêm đợt này chia sẻ về việc bé bị nóng, sốt sau tiêm vắc xin 5 trong 1 mới này.

Nhiều trẻ tím tái phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin thay thế Quinvaxem: Bộ Y tế nói gì? - Ảnh 1.

Vắc xin ComBE Five

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đắc Phu – Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay vắc xin ComBE Five đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc và đã tiêm từ cuối tháng 12. Bộ Y tế đang thống kê sau đợt tiêm này và chưa có kết quả cụ thể.

Trường hợp cháu bé tử vong sau tiêm chủng ở Nam Định vẫn chưa có kết luận của hội đồng giám định nên không thể nói do vắc xin mà phải chờ giám định từ cơ quan chức năng.

Ông Phu cho biết sở dĩ ghi nhận nhiều ca trẻ nhập viện sau tiêm chủng hơn là do các phụ huynh trước khi tiêm đã được khuyến cáo sau tiêm nếu trẻ có sốt, tím tái phải đưa trẻ nhập viện ngay. Chính vì thế, các phụ huynh đã đưa con đi khi có hiện tượng khóc, sốt và một số trẻ tím tái.

Tỷ lệ phản ứng có gì bất thường?

Theo báo cáo của dự án tiêm chủng mở rộng Bộ Y tế, Vắc xin ComBE Five là vắc xin phối hợp "5 trong 1" DPT-VGB-Hib bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B. 

Lịch tiêm vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.  

Vắc xin ComBE Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất, vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2012. Tính tới nay hơn 400 triệu liều vắc xin ComBE Five đã được sử dụng ở 43 quốc gia. 

Nhiều trẻ tím tái phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin thay thế Quinvaxem: Bộ Y tế nói gì? - Ảnh 2.

Phản ứng sau tiêm giống vắc xin Quinvaxem

Vắc xin ComBE Five đã được thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam và được chứng minh là an toàn. Vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tháng 5 năm 2017. 

Trước đó, vắc xin này đã được sử dụng tại thực địa 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016, sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc xin bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm như đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%, sốt  tỷ lệ 34-39%.

Sau đó vắc xin này được triển khai tại 60 huyện, 889 xã của 7 tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu trong ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 10 và tháng 11 năm 2018. 

Tổng số trẻ được tiêm là 17.356 trẻ. Vắc xin ComBE Five đã được triển khai an toàn, tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng là 5,5%, trong đó phản ứng thông thường (sốt <39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác (khó chịu, quấy khóc...) là 5,1 %. 

Có 64 trường hợp được báo cáo sốt cao trên ≥39°C, 3 trường hợp phản ứng nặng (1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp phản ứng phản vệ), các trường hợp này đều được xử trí kịp thời và không có tử vong.

Theo báo cáo của nhà sản xuất gửi Bộ Y tế Ấn Độ, từ 21/11/2015 đến 20/11/2016, tổng số liều ComBE Five được sử dụng là khoảng 40 triệu liều, có 11 trường hợp ghi nhận có phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, trong đó có 5 trường hợp sốt cao, co giật, khóc dai dẳng, nôn và đều qua khỏi và không để lại di chứng. 

Còn lại là 6 trường hợp tử vong (2 trường hợp sặc sữa,1 trường hợp viêm phổi, 1 trường hợp nhiễm trùng huyết nặng, 1 trường hợp không rõ nguyên nhân và 1 trường hợp có hội chứng chết đột ngột của trẻ sơ sinh (SIDS). 

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. 

Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin ComBE Five cũng giống như sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib khác hoặc vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như trẻ khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

Trẻ co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng. Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1000 liều. Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 20/1 triệu liều và xảy ra từ 0 – 1 giờ sau tiêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại