Xe tăng T-90 Bhishma do Nga chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ tự sản xuất
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Ấn Độ vào ngày 06/12/2021, khi những vũ khí trị giá hàng tỷ USD của Nga đang được chuyển cho Ấn Độ, bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Mong muốn kéo Ấn Độ vào nỗ lực kiềm chế Trung Quốc có thể khiến Mỹ làm ngơ lần này.
Chuyến thăm Ấn Độ sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin trong gần 6 tháng qua. Ông Putin sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi Ấn Độ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 theo thoả thuận trị giá 5 tỷ USD mà hai bên đã ký. Thoả thuận tương tự giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến việc Mỹ cấm Ankara mua tiêm kích hiện đại F-35.
"Có vẻ Washington đang nhắm mắt vì sự ủng hộ của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là điều cực kỳ quan trọng với Mỹ. Ấn Độ đã gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Mỹ rằng họ sẽ không tha thứ nếu Mỹ trừng phạt", Ruslan Pukhov, thành viên của ban cố vấn thuộc Bộ Quốc phòng Nga, nhận định.
Ấn Độ là khách hàng lớn của các tổ hợp tên lửa phòng không S-400
Ấn Độ là thành viên nhóm "Bộ tứ", cùng với Mỹ, Nhật và Úc, tạo nên một lực lượng hùng hậu để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Dù căng thẳng giữa Mỹ và NATO với Nga đang dâng cao vì Ukraine, Ấn Độ đang đánh cược rằng sự chú ý của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc sẽ giúp New Delhi an toàn khi xúc tiến các hợp đồng quốc phòng với Mátxcơva.
Đối với chính phủ của Thủ tướng Modi, chuyến thăm của Tổng thống Putin không chỉ là củng cố quan hệ sẵn có từ thời Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ cần nguồn cung vũ khí của Nga trong bối cảnh tranh chấp trên biên giới với Trung Quốc không có dấu hiệu xuống thang.
New Delhi cũng muốn có vai trò ở Afghanistan, nơi Nga cùng Trung Quốc và Pakistan vẫn là những nhân tố chính sau khi Taliban trở lại cầm quyền.
Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ theo dõi sát sao hành động của Nga với Ukraine vì điều này có thể làm phức tạp quan hệ giữa New Delhi và Washington, bà Tavin Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ của Viện Brookings (Mỹ), nhận định.
"New Delhi nói họ cần làm một số điều với Mátxcơva vì lợi ích của họ. Washington nói họ cần làm một số điều với Islamabad vì lợi ích của Mỹ. Không bên nào thích điều bên kia làm với đối thủ của mình", bà Madan nói.
Với lịch trình dự kiến giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nga - Ấn Độ, chuyến thăm của ông Putin lần này có thể sẽ dẫn đến việc ký kết thoả thuận để Ấn Độ đặt hàng các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 và MiG-29, cùng với 400 xe tăng T-90, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma nói với hãng tin Tass của Nga vào cuối tháng trước.
Ông cho biết hai bên cũng có một thoả thuận sản xuất hơn 700.000 khẩu AK-203 cho Ấn Độ.
Xe tăng T-90 Bhishma do Nga chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ tự sản xuất
Ấn Độ sẽ không tiếp tục kế hoạch chế tạo nội địa trực thăng quân sự Nga Ka-226T theo thoả thuận 1 tỷ USD, các nguồn tin nắm được vấn đề cho biết. Thay vào đó, New Delhi có thể mua sẵn để thay thế đội máy bay già nua gồm 320 chiếc.
Ấn Độ có thể muốn ký thoả thuận mua 5.000 tên lửa và khoảng 250 bệ phóng đơn của hệ thống phòng không tầm ngắn Igla-S mà Ấn Độ đặt hàng sau mâu thuẫn nghiêm trọng ở biên giới với Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái.
Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, nhưng số lượng vũ khí Nga được Ấn Độ mua đã giảm từ 72% trong giai đoạn 2015-2019 xuống 56% hiện nay, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm. Trong khi đó, Ấn Độ mua nhiều hơn vũ khí từ châu Âu, Israel và tiến hành diễn tập nhiều cuộc quân sự với "Bộ tứ".
Ấn Độ còn là thành viên của nhóm đối tác mới trỗi dậy cùng với Israel, UAE và Mỹ, nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế và an ninh biển ở Trung Đông.