Theo báo cáo nhanh của các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An và Thanh Hóa như tính đến hôm nay (5/8) có 5 người chết, trong đó: Thanh Hóa 3 người (Mường Lát 2 người, Quan Sơn 1 người); Bắc Cạn 1 người; Điện Biên 1 người.
Cùng với đó có 13 người mất tích, trong đó tại Thanh Hóa 12 người (huyện Quan Sơn: 11 người, huyện Mường Lát: 1 người) và Điện Biên 1 người;
Thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triểu cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ đã gây sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau: do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh – Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc – Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng với 2 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông.
Ngoài ra, có 4 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiều Dừa và 1 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc với chiều dài 86m bị sạt lở nguy hiểm. UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm.
Ngoài ra, trong ngày 4/8, các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, thiệt hại do dông, lốc và gió mùa Tây Nam làm: Nhà bị sập, trôi và tốc mái: 590 nhà; cây ăn quả bị đổ: 377 cây và sạt lở bờ sông, bờ biển tại Sóc Trăng.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 03/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Thanh Hóa khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, triển khai các công tác cứu trợ, khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa.
Cùng với đó cần theo dõi chặt chẽ diễn biến hồ Hòa Bình, các hồ đang thi công, lũ trên các sông, suối; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố, và đang thi công.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực biển Tây đồng bằng sông Cửu Long. Huy động các lực lượng xử lý giờ đầu sự cố đê biển tại Cà Mau; Tổng cục Phòng chống thiên tai cử Đoàn công tác cùng cơ quan khoa học trực tiếp nắm bắt, hỗ trợ địa phương xử lý sự cố và tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên trong ngày và đêm nay (5/8), trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Mưa cả đợt (từ ngày 1/8 đến 7h/5/8), khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa phổ biến từ 150-300mm, một số trạm mưa lớn như: Mộc Châu (Sơn La): 384 mm, Mai Châu (Hòa Bình): 307 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): 404mm, Móng Cái (Quảng Ninh): 368mm, Hà Nam (Hà Nam): 299 mm, Mường Lát (Thanh Hóa) 331mm.
Dự báo từ ngày 5-6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm.
Hiện nay, lũ trên sông Thao, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống chậm.
Cảnh báo trong hôm nay (5/8), lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các huyện thuộc tỉnh Hà Giang (Vị Xuyên, Hoàng Su phì, Xí Mần) và Lào Cai (Bắc Hà, Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng).