Nhiều tập đoàn muốn đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực tiềm năng của VN, Thủ tướng nhấn mạnh 1 tinh thần

Minh Hằng |

Đầu tư ít nhất 5 tỷ USD vào Việt Nam, nhiều tập đoàn hàng đầu Ấn Độ mong muốn tạo nhiều việc làm cho người dân và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn SMS Pharmaceuticals. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn SMS Pharmaceuticals. Ảnh: VGP

Sáng 31/7, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm. Trong số đó, có Tập đoàn SMS Pharmaceuticals.

Tại buổi tiếp, ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals đánh gia rằng, Việt Nam đang phát triển rất năng động, với môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thuận lợi, đồng thời là nơi thu hút đầu tư số 1.

Theo người đúng đầu SMS Pharmaceuticals, tập đoàn và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam nhằm đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1. Liên danh này sẽ thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4 - 5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới, sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Mỹ và châu Âu.

Tập đoàn SMS Pharmaceuticals kỳ vọng khu công nghiệp này sẽ thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp (hiện nay có khoảng 50 nhà đầu tư thứ cấp đã bày tỏ quan tâm tới dự án này), nhằm tạo nhiều việc làm cho người dân và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều tập đoàn muốn đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực tiềm năng của VN, Thủ tướng nhấn mạnh 1 tinh thần- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn SMS Pharmaceuticals trong lĩnh vực dược phẩm tại Ấn Độ. Ảnh: VGP

Tập đoàn SMS Pharmaceuticals được thành lập năm 1990. Đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất ở Ấn Độ. Hiện nay, tập đoàn có 4 cơ sở sản xuất và 02 trung tâm nghiên cứu, với 1.000 nhân viên. Trong khi đó, Sri Avantika là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1992 và hoạt động đa lĩnh vực như khai khoáng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, thương mại…

Cùng sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR.

BDR được thành lập năm 2002, là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ, với 80% thị phần trong nước. Trong năm 2023, BDR có doanh thu đạt 250 triệu USD và lợi nhuận đạt 90 triệu USD. Tập đoàn hiện có 3.200 nhân viên.

Ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR cho biết, tập đoàn đã thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam kể từ năm 2022. Hiện nay, tập đoàn đang tiến hành cung cấp nguyên liêu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy ở Việt Nam, đồng thời chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.

Người đứng đầu BDR cho biết, tập đoàn mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược và lâu dài về dược phẩm tại Việt Nam. Tập đoàn đang nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư, sản xuất các loại thuốc quan trọng, thế hệ mới và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong điều trị ung thư, AIDS…, và cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Yêu cầu đặc biệt của Thủ tướng

Nhiều tập đoàn muốn đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực tiềm năng của VN, Thủ tướng nhấn mạnh 1 tinh thần- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập tập đoàn dược phẩm BDR. Ảnh: VGP

Tại các cuộc tiếp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao về hoạt động kinh doanh hiệu quả của các tập đoàn trong lĩnh vực dược phẩm tại Ấn Độ, cũng như những đóng góp trong việc sản xuất các loại thuốc điều trị các bệnh nan y.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, y tế, dược phẩm là lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm và có chính sách khuyến khích, ưu đãi. Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm rất lớn. Hiện nay, các loại thuốc của Ấn Độ chiếm khoảng 33% thị phần thuốc ở Việt Nam.

Với các đề nghị hợp tác, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ.

Đặc biệt, trên cơ sở phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, tin cậy chính trị cao, tương đồng về văn hóa, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể", đồng thời triển khai công việc "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả", có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; triển khai các dự án ra sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa các chủ thể, "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển".

Nhiều tập đoàn muốn đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực tiềm năng của VN, Thủ tướng nhấn mạnh 1 tinh thần- Ảnh 5.

Dược phẩm là lĩnh vực tiềm năng ở Việt Nam và nhiều thị trường trên thế giới. Ảnh minh họa

Ngành dược phẩm Việt Nam đang có nhiều bước phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiềm năng. Theo báo cáo tổng hợp, thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đang được định giá khoảng 6,2 – 6,4 tỷ USD/năm và được dự báo là sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 về Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh:

Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý;

Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực Đông Nam Á, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO);

Phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao…

Bài tham khảo nguồn: Moh, VGP, Indian Express

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại