Nhiều quốc gia xử phạt phụ huynh không cho con tiêm phòng

Minh Hoàng (theo Annals of Internal Medicine) |

Trong khi trào lưu anti vắc-xin đang rộ lên trên quy mô toàn cầu, thì quan điểm số đông trong xã hội lại cho rằng việc không cho trẻ em đi tiêm chủng cũng tương đương với một dạng bạo hành, và những phụ huynh anti vắc-xin cần phải bị xử phạt.

Bởi lẽ, việc không cho trẻ em tiêm phòng đầy đủ có thể dẫn đến việc trẻ em và các bạn cùng trang lứa cũng như người thân xung quanh có thể mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khiến cộng đồng đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Vắc-xin là thành tựu y học quan trọng. Nó giúp kiểm soát dịch bệnh, phòng bệnh cho con người. Vắc-xin là phương pháp tương đối an toàn và hiệu quả để phòng tránh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm gan, ho gà, uốn ván, sởi, thủy đậu, Rubella, bại liệt, quai bị ... 

Thấy rõ được tầm quan trọng của vắc-xin, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định về việc tiêm vắc-xin nhằm bảo vệ sức khỏe của từng người dân và cả cộng đồng. 

Để có được các loại vắc-xin tiêm chủng phòng bệnh như các nước trên thế giới đang sử dụng hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phải đổ rất nhiều công sức suốt nhiều năm trời. Hiệu quả của vắc-xin trong phòng bệnh cũng đã được cả thế giới ghi nhận.

Nhiều quốc gia xử phạt phụ huynh không cho con tiêm phòng - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh TM.

Có điều tồn tại như lẽ tất nhiên không có thứ gì là tuyệt đối an toàn cả, vậy nên việc tiêm vắc-xin vẫn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Đó là những phản ứng khi trẻ vừa tiêm chủng xong như: sốt nhẹ, quấy khóc, tấy nhẹ chỗ tiêm... với tỷ lệ xác suất xảy ra phản ứng sau tiêm chủng rất nhỏ, trong khi những nguy hại đến từ việc không tiêm phòng thì lớn hơn nhiều lần. 

Thế nhưng rất nhiều người đã lấy cớ tiêm vắc-xin thì trẻ sẽ gặp những phản ứng này, để tạo nên một làn sóng anti vắc-xin, tẩy chay việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Vậy nhưng, họ đâu có hiểu rằng điều đó đang tước đoạt đi cơ hội phòng bệnh cho con và khi trẻ mắc bệnh thì đứa con của họ sẽ là người lãnh hậu quả đầu tiên.

Làn sóng anti vắc-xin lan rộng đã là một trong các nguyên nhân khiến dịch bệnh truyền nhiễm quay trở lại trên toàn cầu. Vấn đề anti vắc-xin tại châu Âu đang khiến các nhà chức trách hết sức đau đầu, nhất là trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát một cách mạnh mẽ trên diện rộng. Úc cũng đang phải đương đầu với vấn đề này. Các ca sởi ở Mỹ cũng gia tăng nhanh chóng. 

Vì vậy,  mới đây Úc, Mỹ cùng với một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu áp dụng các hình thức xử phạt đối với những phụ huynh không cho con mình đi tiêm phòng. Bên cạnh đó, tại Úc, những ngôi trường cho phép những đứa trẻ không tiêm phòng đi học cũng sẽ bị xử phạt. 

Đây là một động thái có phần mạnh tay đối với những người thuộc nhóm anti vắc- xin, nhưng có lẽ đó là nỗ lực đối phó cần thiết trong bối cảnh các dịch bệnh nguy hiểm như sởi đang có nguy cơ bùng phát cao. Hiện tại, Úc đang cố gắng đưa tỉ lệ trẻ em được tiêm phòng trở lại con số 95%.

Cơ chế xử phạt cho hành vi không đưa trẻ đi tiêm chủng tại một số quốc gia như sau:

Mới đây nhất, Italia đã ban hành đạo luật có tên là Lorenzin. Theo đó, những trẻ em dưới 6 tuổi không tiêm vắc-xin sẽ không được đến trường. Phán quyết này được đưa ra sau khi quốc gia này kết thúc nhiều tháng tranh luận trên bình diện quốc gia về vấn đề tiêm chủng bắt buộc. Đạo luật này đưa ra sau khi số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến ở Italia. 

Phụ huynh có thể bị phạt 500 euro nếu họ cho con từ 6-16 tuổi đi học mà không tiêm vắc-xin đầy đủ cho con, còn trẻ dưới 6 tuổi sẽ không được đi học mầm non khi cha mẹ không tuân thủ điều này. Đồng thời phụ huynh phải chứng minh con của mình đã được tiêm phòng trước khi cho chúng nhập học tại trường

Úc cũng đang xem xét việc cấm những đứa trẻ không được tiêm phòng tới trường, cũng như tới các trung tâm trông trẻ, đồng thời phạt những ngôi trường để trẻ không tiêm phòng đi học với mức phạt khoảng 24.000 USD. Bên cạnh đó, những gia đình không cho trẻ em tiêm phòng cũng sẽ không được hưởng một số phúc lợi y tế khác.

Theo CNN, tất cả các bang ở Mỹ yêu cầu trẻ em không đến trường bao gồm cả trường mầm non nếu không được tiêm chủng. 

Động thái mới nhất, sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố tại hạt Rockland, Mỹ, theo đó trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chưa tiêm phòng sởi  sẽ không được tới các khu vực công cộng, kể cả trường học. Lệnh cấm nhằm tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng và phát huy tác dụng tăng cường miễn dịch ở cộng đồng. 

Dịch sởi đã bùng phát tại 5 bang của nước Mỹ. Từ đầu năm đến nay Mỹ đã ghi nhận hơn 300 trường hợp nhiễm sởi, riêng ở Rocland có tới 157 ca, tỷ lệ tiêm chủng ở mức rất thấp. Giới chức y tế Mỹ cho biết, các chiến dịch tiêm chủng đã khởi động, nhưng vẫn có tới 27% trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chưa đi tiêm phòng.

Tại Pháp, từ năm 2018, việc tiêm 11 loại vắc-xin cho trẻ nhỏ là bắt buộc. 3 loại vắc-xin: bạch hầu, uốn ván và bại liệt đã bắt buộc từ trước, nhưng từ năm 2018 có thêm 8 loại vắc-xin phòng: ho gà, sởi, quai bị, Rubella, viêm gan b , cúm, viêm phổi và viêm màng não C đưa vào diện bắt buộc phải tiêm. Tuy nhiên mức phạt đối với những phụ huynh không chịu chấp hành vẫn chưa được thông qua.

Còn tại Slovenia cũng có luật chống bệnh truyền nhiễm với các khoản phạt tiền nếu không thực hiện đúng. Theo đó, mỗi trẻ em không được tiêm chủng thì phụ huynh bị phạt từ 41 euro đến 417 euro.

Tại Đức, những người quản lý trường mầm non có trách nhiệm báo cáo những bậc phụ huynh không cho con mình tiêm phòng đầy đủ. Những phụ huynh này sẽ phải nộp phạt cho bộ y tế với mức phạt lên tới hàng nghìn euro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại