Nhiều quốc gia toan tính cho sự ‘hồi sinh’ của ông Trump

Bình Giang |

Lãnh đạo các nước nghĩ về việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng với hy vọng hay lo lắng? Viễn cảnh ông Trump tái xuất quan trọng đến mức lãnh đạo nhiều quốc gia đã đặt cược vào ngoại giao, an ninh, thậm chí cả đầu tư tài sản, theo bài viết của New York Times.

Nhiều quốc gia toan tính cho sự ‘hồi sinh’ của ông Trump - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: NYT)

Có ít dấu hiệu cho thấy việc ông Trump bị truy tố ở New York sẽ thay đổi những tính toán đó.

Lãnh đạo các nước nhận thấy ông Trump đã hồi phục sau rất nhiều thảm họa, nên giờ họ coi sự dai dẳng đó giống như định mệnh. Điều đó đặc biệt đúng ở châu Âu, nơi các lãnh đạo đã có 4 năm chịu đựng việc ông Trump quay lưng trong hàng loạt vấn đề, từ chi tiêu quân sự đến biến đổi khí hậu.

Ngay cả khi những rắc rối pháp lý sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Trump theo cách mà hai cuộc luận tội và thất bại trong cuộc bầu cử lần trước không làm được, nhiều người lo rằng ông sẽ được thay thế bằng một số “phiên bản” có quan điểm tương tự, mà trong đó Thống đốc Florida Ron DeSantis là ví dụ nổi bật.

“Sẽ thế nào nếu con virus biệt lập mà ông Trump thả ra tiếp tục lây nhiễm cho các ứng viên khác? Sẽ thế nào nếu đảng Cộng hòa tiếp tục đề cử một ứng viên mang tư tưởng đơn phương khác để chạy đua vào ghế tổng thống? Sẽ thế nào nếu ứng viên đó chiến thắng?” - Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger

“Nếu Trump thực sự trở thành lịch sử, nhiều người ở châu Âu sẽ trải qua ít đêm mất ngủ hơn. Nhưng nỗi lo căn bản mà ông Trump gây ra cách đây 6 năm sẽ không biến mất”, cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger nói với New York Times .

“Sẽ thế nào nếu con virus biệt lập mà ông Trump thả ra tiếp tục lây nhiễm cho các ứng viên khác? Sẽ thế nào nếu đảng Cộng hòa tiếp tục đề cử một ứng viên mang tư tưởng đơn phương khác để chạy đua vào ghế tổng thống? Sẽ thế nào nếu ứng viên đó chiến thắng?”, ông Ischinger nêu ra những nỗi lo.

Đối với phương Tây, nỗi lo đó trở nên lớn hơn khi DeSantis, gương mặt có khả năng thay thế ông Trump để trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, gần đây gọi xung đột ở Ukraine là cuộc “tranh giành lãnh thổ”. DeSantis sau đó rút lại phát biểu vì bị những người cùng đảng chỉ trích.

Tuy nhiên, phát biểu này gây tác động mạnh đến châu Âu hơn Mỹ, trong bối cảnh châu Âu phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ ngoại giao và quân sự của Mỹ để duy trì quan điểm thống nhất về chiến dịch quân sự của Nga.

“Trump là một hiện tượng, nhưng không còn là độc nhất nữa. Ông ấy đã tạo ra một thế hệ những Trump mini và Trump na ná”, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch nhận xét.

“Nếu bạn tin rằng chủ nghĩa cô lập đang lớn lên ở Mỹ, bạn không cần tập trung hoàn toàn vào Trump. Có rất nhiều lựa chọn tương tự”, Darroch nói. Cựu đại sứ này phải rời vị trí ở Washington sau khi những bức điện tín mà ông viết về chính quyền Trump bị rò rỉ năm 2019.

Theo ông Darroch, một phần lý do khiến một số người châu Âu ủng hộ ý tưởng cho rằng Trump rất bền bỉ là vì điều này phù hợp với chương trình địa chính trị của họ.

Chờ đợi hay tự do

Tại Anh, một số người công khai thể hiện mong muốn ông Trump sẽ trở lại. Đó là phe ủng hộ Brexit và muốn có một hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gác hiệp định đó, và dù quan hệ với Anh vẫn thân thiết, ông Biden không hăng hái như người tiền nhiệm. Đương kim tổng thống Mỹ không dự lễ đăng cơ của Vua Anh Charles III vừa qua.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục thúc đẩy “sự tự trị chiến lược” của châu Âu, tin rằng châu lục này cần có thể bảo vệ mình một cách độc lập với Mỹ.

Tại Trung Đông, nhiều nước cũng đang đặt cược với khả năng ông Trump trở lại cầm quyền. Ả-rập Xê-út, Qatar và UAE đều đã rót tiền vào một quỹ đầu tư do con rể Jared Kushner của ông Trump quản lý. Theo các chuyên gia, những khoản đầu tư này cho thấy mong muốn của họ về việc tiếp tục giữ quan hệ tốt với gia đình cựu lãnh đạo.

“ Ả-rập Xê-út đặc biệt đặt cược vào ông Trump hoặc ít nhất là một tổng thống của đảng Cộng hòa. Quan hệ giữa ông Biden với Thái tử kế vị Mohammed bin Salman khó khăn đến mức ABB (anyone but Biden - bất kỳ ai ngoài Biden) trở thành cách tiếp cận của nhà lãnh đạo thực tế ở Riyadh”, Martin S. Indyk, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nhận xét.

Tại Trung Đông, nhiều nước cũng đang đặt cược với khả năng ông Trump trở lại cầm quyền. Ả-rập Xê-út, Qatar và UAE đều đã rót tiền vào một quỹ đầu tư do con rể Jared Kushner của ông Trump quản lý. Theo các chuyên gia, những khoản đầu tư này cho thấy mong muốn của họ về việc tiếp tục giữ quan hệ tốt với gia đình cựu lãnh đạo.

Tại Israel, các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng mong muốn ông Trump trở lại Nhà trắng, ít nhất vì cả hai đều đối mặt với những vấn đề tương tự.

Tuy nhiên, đối với những đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc, sự trở lại của Trump được coi là biểu hiện cho sự hỗn loạn và suy thoái của Mỹ.

“Trung Quốc sẽ dùng việc đó để củng cố lập luận từ lâu của họ: Mỹ đang bị xói mòn bởi sự rối loạn dân chủ, và Trung Quốc là lựa chọn tốt hơn”, Evan S. Medeiros, một cựu cố vấn về Trung Quốc cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định.

Theo NYT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại