Nhiều quốc gia ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm siêu dự án
Cùng với quyết tâm lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các quốc gia lớn trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu cũng bày tỏ mong muốn góp phần vào dự án trọng điểm này.
Hàn Quốc
Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng & Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đây là cơ sở để hai bên có những hợp tác cụ thể.
"Thông qua việc ký MOU, chúng tôi hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao", Bộ trưởng MOLIT Park Sang Woo đề nghị.
Trung Quốc
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.
Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường tại Trung Quốc được tổ chức vào cuối năm 2023, Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đã chia sẻ, doanh nghiệp muốn được tham gia các dự án lớn tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Nhật Bản
Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết trong buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng rằng việc Nhật Bản hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam vô cùng quan trọng. Phía Nhật Bản rất quan tâm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó có các dự án mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trước đó, khi làm việc với ông Hồ Đức Phớc (khi giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki bày tỏ sẵn sàng tham gia vào dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng như các dự án hạ tầng khác mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai.
Trong năm 2023, Việt Nam liên tiếp có những cuộc làm việc song phương với lãnh đạo Nhật Bản và đều đạt kết quả tích cực liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá khoảng 70 tỷ USD.
Cộng hòa Liên bang Đức
Khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết Siemens quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.
Tây Ban Nha
Trong buổi tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và bà Pilar Méndez Jiménez, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Tây Ban Nha tại Việt Nam, bà Đại sứ bày tỏ: "Việt Nam cũng có những điểm tương đồng về mặt địa lý để phát triển hệ thống đường sắt như Tây Ban Nha. Vì vậy, Tây Ban Nha mong muốn hợp tác với Bộ GTVT Việt Nam trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt cao tốc nói riêng".
Việc chọn công nghệ nước nào phụ thuộc vào điều kiện này
Trong buổi họp báo của Bộ GTVT để trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Về nguyên tắc đầu tư công có nhiều hình thức gồm cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay...
"Chúng ta làm đường sắt tốc độ cao trên tinh thần tự lực tự cường, Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc. Chúng ta xác định đầu tư công dựa trên các phương án cân đối nguồn vốn trong nước và vay vốn nước ngoài với điều kiện ưu đãi và ít ràng buộc, điều kiện lớn nhất là chuyển giao công nghệ cho Việt Nam", ông Huy cho hay.
Trường hợp vay nước ngoài, phải đi kèm điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Giải đáp vấn đề dư luận băn khoăn là Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ nước nào để làm đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay: Việc chọn công nghệ nước nào phụ thuộc vào điều kiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ra sao sau đó mới quyết định lựa chọn.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng kể cả khi có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, họ buộc phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam có khả năng sản xuất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá rằng với năng lực hiện tại, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ cho các dải tốc độ 250 km/h, 300 km/h, và 350 km/h tương đương nhau. Nghiên cứu cho thấy nếu được nước ngoài chuyển giao công nghệ và có các cơ chế chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tự chủ trong xây dựng hạ tầng, vận hành và bảo trì, cũng như dần dần nội địa hóa sản xuất các linh kiện, phụ tùng thay thế.