Ngày 26/3, có tới 18 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như Mỹ, Canada và nhiều nước khác tại châu Âu thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga, viện cớ Moskva có liên quan tới vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh. Đây được coi là động thái thể hiện sự ủng hộ với Anh khi trước đó London quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin ông Skripal và con gái đã bất tỉnh trên ghế ở một trung tâm mua sắm thuộc thành phố miền Nam nước Anh Salisbury ngày 4/3. Anh cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái ông này. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã cương quyết bác bỏ.
Giữa lúc hàng loạt quốc gia đi theo “trào lưu” trục xuất các nhà ngoại giao Nga mặc dù Anh chưa đưa ra bằng chứng cụ thể thì vẫn có những đất nước có quan điểm riêng, vững vàng.
Ngày 27/3, Thụy Sĩ nhấn mạnh sẽ đợi đến khi có kết quả chính thức về cuộc điều tra vụ sát hại ông Skripal để đưa ra quyết định. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh quốc gia này “ủng hộ bộ máy và thể chế có thể độc lập làm rõ bằng chứng an ninh và dữ liệu”.
Một thành viên của EU là Áo thì khẳng định muốn “giữ kênh liên lạc với Nga”.
Cộng hòa Cyprus cũng từ chối trục xuất các nhà ngoại giao Nga bởi chưa có bằng chứng rõ ràng về cáo buộc của Anh.
Slovakia cũng không vội vã đi theo “trào lưu” trục xuất nhưng chính phủ nước này đã triệu tập đại sứ Nga.
Trước thềm một cuộc gặp với Thủ tướng Anh Theresa May trong khuôn khổ hội nghị của Hội đồng châu Âu tại Brussels (Bỉ) diễn ra ngày 22 -2 3/3, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh cần có điều tra về vụ án sát hại ông Skripal trước khi “vồ vập” đưa ra cáo buộc. Ông Tsipras nêu rõ: “Chúng tôi thể hiện sự đoàn kết với nước Anh và người dân Anh nhưng chúng tôi cũng cần phải có điều tra”.
Nhiều quốc gia châu Âu khác như Bulgaria, Luxembourg, Malta, Slovenia và Bồ Đào Nha cũng từ chối chạy theo “trào lưu trục xuất” các nhà ngoại giao Nga. Các quốc gia này cho rằng mọi bước đi vội vàng chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề.
Link gốc bài viết tại đây