Bền bỉ vượt khó
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực. Tăng trưởng kinh tế , sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… được cải thiện tích cực qua từng quý, tháng. Năm 2023, tổ chức Fitch Ratings đã giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB trong tháng 6, nâng lên mức BB+ trong tháng 12, triển vọng “ổn định”, trong khi hạ tín nhiệm của một số nền kinh tế lớn.
Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, năm qua, kinh tế Việt Nam đã kiên cường vượt “gió ngược". Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 rất kiên cường và tích cực, trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều nước trên thế giới chỉ có thể mơ ước.
Ngân hàng HSBC nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã bền bỉ vượt qua khó khăn, tăng trưởng phục hồi. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam khá tốt so với nhiều nước trong khu vực. Năm 2024, ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6%, cao hơn so với mức dự báo tăng 5,2% trong năm 2023.
Vượt thách thức, kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công tăng cao, xuất khẩu phục hồi trở lại, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) cao kỷ lục. Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành; tín dụng tăng trưởng 13,7%, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Tỷ giá điều chỉnh ở mức 2,89%, giúp Việt Nam vượt qua nhiều cú sốc bên ngoài.
Hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghiệp chíp, bán dẫn được thúc đẩy. Cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước tăng niềm tin đối với môi trường đầu tư Việt Nam.
Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Cả nước hoàn thành thêm 475 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc lên khoảng 1.900 km. Ba cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... được khởi công.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn giải ngân đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, mức cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình (ảnh: TTXVN).
Hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế trở thành điểm sáng nổi bật, đạt thành tựu quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử. Việt Nam tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển; quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chớp cơ hội, vươn lên trong "gió ngược"
Bước sang năm 2024, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - dự báo những “làn gió ngược” sẽ giảm đi, tuy nhiên tất cả các con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực đều thấp hơn năm 2023. Trong khi đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% - 6,5%, cao hơn năm 2023. “Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”, ông Cường nhận định và cho rằng nếu Việt Nam chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, hay nguồn lực xuất khẩu thì khó có thể vượt lên, đi ngược với xu thế chung.
Trong các động lực tăng trưởng quan trọng, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tập trung các nỗ lực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tạo bước phát triển mới trong năm 2024.
“Chúng ta không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành với họ”, ông Cường nhấn mạnh, đồng thời lưu ý không thể bỏ qua các động lực tăng trưởng bấy lâu nay như đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm không dừng lại ở đầu tư cốt lõi về hạ tầng giao thông, mà cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực về hạ tầng khác, khoa học công nghệ, chuyển đổi số .
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành kỳ vọng khó khăn nhất đã qua, áp lực từ yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới. Theo ông Thành, chính sách vẫn phải ứng phó với khó khăn. Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, để bớt đi những nỗi nhọc nhằn của ngắn hạn và trước mắt.
Đề xuất hàng loạt giải pháp để kinh tế phục hồi, ông Võ Trí Thành chia sẻ 3 nhóm chính sách chính, trong đó chính sách tiền tệ với hệ thống tài chính ngân hàng , tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Việt Nam cũng cần có chính sách kích cầu từ tiêu dùng, cấp thị thực (visa), thu hút khách du lịch, chính sách hỗ trợ người lao động, thu hút đầu tư trong nước bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu thương mại . Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp.
Năm 2024, Chính phủ xác định định hướng trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục tập trung vào 3 động lực là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Trao đổi với báo chí dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - nhận định, bên cạnh những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, Việt Nam có những thuận lợi, thời cơ, cơ hội từ cả trong và ngoài nước để tranh thủ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng nêu trên.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA), những thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt được qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt trong năm 2023, nhất là đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Nhóm các nước đang phát triển (G20)… mở ra cơ hội mới, thời cơ, thuận lợi mới để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút FDI, tài chính xanh, công nghệ… phục vụ phát triển đất nước.
Năm 2023, nền kinh tế nước ta có xu hướng phục hồi, tăng trưởng ước đạt 5,05%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và toàn cầu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Những kết quả này đã được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn toàn cầu, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao; từ đó, tạo đà để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong năm 2024.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo … tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024; Đặc biệt, đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng, như các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng… mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.
Nhiều khó khăn, vướng mắc, như pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng , đấu thầu… đã và đang được tập trung tháo gỡ, đạt kết quả rõ nét. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.