Nhiều nước đồng loạt điều chỉnh lãi suất sau động thái của FED

Hoàng Trang |

Sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát, nhiều quốc gia khác cũng đưa ra động thái tương tự.

Biểu tượng của Ngân hàng Trung ương Indonesia và Ngân hàng Trung ương Philippines. Ảnh: Reuters

Biểu tượng của Ngân hàng Trung ương Indonesia và Ngân hàng Trung ương Philippines. Ảnh: Reuters

Nhiều nước đồng loạt điều chỉnh lãi suất sau động thái của FED - Ảnh 1.

Trụ sở FED ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lãi suất để giải quyết lạm phát do giá năng lượng tăng cao sau khi bùng phát xung đột ở Ukraine, cũng như áp lực về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động kể từ đại dịch COVID-19.

Ngày 21/9 (rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay, lên biên độ 3 - 3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Cơ quan này đồng thời đánh tín hiệu về các đợt tăng lãi suất lớn hơn, cũng để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong năm nay.

Chủ tịch FED Jerome Powell đã bày tỏ lập trường chính sách cứng rắn, nói rằng FED sẽ mạnh tay để hạ nhiệt lạm phát và duy trì việc tăng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu.

Sau thông báo của FED, cùng ngày, các ngân hàng trung ương ở Vùng Vịnh đã có động thái điều chỉnh lãi suất chính.

Trong khi mục tiêu của FED là nhằm làm giảm lạm phát ở Mỹ, sự điều chỉnh trên cũng đóng vai trò định hướng chính sách tiền tệ Vùng Vịnh vì hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều được gắn với đồng USD.

Nhiều nước đồng loạt điều chỉnh lãi suất sau động thái của FED - Ảnh 2.

Ngân hàng Trung ương Bahrain tại Manama. Ảnh: Reuters

Saudi Arabia và Bahrain đã nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản, trong khi Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo sẽ đưa ra mức tăng phù hợp trong ngày 22/9.

Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia, còn được gọi là SAMA, đã tăng lãi suất mua lại (repo) và mua lại đảo ngược (reverse repo) 75 điểm cơ bản, lên lần lượt là 3,75% và 3,25%. Ngân hàng trung ương của UAE sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3,15%.

Kuwait, quốc gia neo đồng nội tệ dinar với rổ tiền tệ chính, đã tăng lãi suất chính thêm 25 điểm cơ bản lên 3%.

Oman, thành viên còn lại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm sáu quốc gia, được cho là sẽ đưa ra động thái tương tự.

Giá dầu cao hơn và nguồn doanh thu ngoài dầu mỏ đang tăng lên ở các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Saudi Arabia và UAE cũng đã thúc đẩy dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nước.

Hãng tin Reuters dự báo trong ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh có thể tăng lãi suất lên ít nhất 0,5 điểm phần trăm, như một phần nỗ lực kiềm chế lạm phát cao kỷ lục 40 năm.

Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ công bố tăng lãi suất từ mức 1,75 lên 2,25%. Ngân hàng này cũng sẽ lên tiếng xác nhận việc bán một phần trong số 944 tỷ USD trái phiếu chính phủ mà họ đã mua trong hơn một thập kỷ qua. Đây sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên làm điều này.

Mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng trước là mức tăng lớn nhất tại Anh kể từ năm 1995. Nếu BOE tiếp tục tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm vào hôm nay, đây sẽ là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1989

Tỷ giá đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 so với USD sau quyết định của FED, và ở mức thấp nhất so với rổ tiền tệ kể từ năm 2020, đẩy giá hàng nhập khẩu leo thang.

Nhiều nước đồng loạt điều chỉnh lãi suất sau động thái của FED - Ảnh 3.

Trụ sở Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) tại Bern. Ảnh: Reuters

Không ngoại lệ, một ngày sau khi FED thông báo điều chỉnh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây mới là lần tăng thứ hai trong vòng 15 năm qua. SNB cho biết không loại trừ khả năng tiếp tục tăng thêm trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế giá cả leo thang.

SNB đã tăng lãi suất chính sách lên 0,5% từ mức âm 0,25% mà nó đặt ra vào tháng 6. Trước đây, tỷ giá của Thụy Sĩ đã bị đóng băng ở mức âm 0,75% trong nhiều năm do SNB cố gắng kiềm chế sự tăng giá của đồng franc Thụy Sĩ.

SNB cho biết bằng cách tăng lãi suất chính sách, cơ quan này đang chống lại những áp lực lạm phát gia tăng và ảnh hưởng của lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ cho đến nay đã giảm xuống.

Tại châu Á, Philippines và Indonesia một lần nữa lại nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong nước.

Ngày 22/9, các ngân hàng trung ương của Philippines và Indonesia đều tăng lãi suất tiêu chuẩn. Lần tăng gần đây nhất của Philippines, thêm 50 điểm cơ bản hay 0,5 phần trăm, đưa mức lãi suất lên 4,25%, cao nhất kể từ tháng 8/2019.

Trong khi đó, Ngân hàng Indonesia đã tăng lãi suất trong tháng thứ hai liên tiếp, cũng lên 50 điểm cơ bản lên 4,25%, vượt qua kỳ vọng của hầu hết các nhà phân tích.

Ở Nhật Bản, ngân hàng trung ương nước này (BOJ) ngày 22/9 thông báo vẫn duy trì mức lãi suất cực thấp, bất chất các nước trên thế giới đang chạy đua nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. BOJ đã cam kết giữ nguyên mức cũ là âm 0.1% đối với lãi suất ngắn hạn và 0% đối với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng trung ương này cũng quyết định loại bỏ dần kế hoạch cho vay cứu trợ liên quan đến đại dịch COVID-19, và thay vào đó mở rộng hoạt động thanh khoản nhắm mục tiêu đến nhu cầu cấp vốn của doanh nghiệp nhiều hơn.

Tại Hàn Quốc, ngày 22/9, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết nước này có kế hoạch thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường kịp thời sau đợt tăng lãi suất mới nhất của FED, vốn được xem là nguyên nhân có thể làm gia tăng sự biến động của thị trường và bất ổn kinh tế trong một khoảng thời gian.

Bộ trưởng Choo Kyung-ho cũng nói thêm Chính phủ Hàn Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chuyển động của đồng nội tệ và tăng cường giám sát sự biến động của thị trường trong ngắn hạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại