Mỹ đang tích cực thực hiện chiến dịch vận động các đối tác quốc tế tham gia vào sứ mệnh an ninh hàng hải tại eo biển Hormuz trong bối cảnh căng thẳng với Iran gia tăng. Nhiều nước cho biết đang cân nhắc tham gia phái bộ do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ tàu thuyền qua tuyến đường biển quan trọng này. Tuy nhiên Iran hôm qua cảnh báo, bất cứ sự hiện diện quân sự nào tại Vùng Vịnh từ bên ngoài khu vực, sẽ là “nguồn cơn gây bất ổn an ninh” cho nước này và Iran sẽ hành động để bảo vệ đất nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa có chuyến thăm một loạt các nước với chặng dừng chân là Australia, Mông Cổ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của chuyến thăm đó là kêu gọi các nước đối tác tham gia vào sứ mệnh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại eo biển Hormuz , trong bối cảnh hàng loạt các sự cố đối với tàu chở dầu khu vực gần đây. Những nỗ lực vận động của Mỹ dường như cũng đang nhận được các dấu hiệu tích cực, khi các nước đều cho biết đang cân nhắc những lựa chọn. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cho biết:
“Chúng tôi đang đánh giá lời đề nghị từ Mỹ cũng như xem xét các nước đồng minh khác đang làm. Australia sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia, lợi ích chủ quyền, vì có tới 15 đến 20% lượng dầu thế giới vận chuyển qua eo biển Hormuz. Chúng tôi không vội đưa ra quyết định và đang đánh gia quyết định từ các đồng minh”
Phản ứng với đề xuất của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cũng cho biết đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau, vì tàu và thuyền của Hàn Quốc cũng sử dụng eo biển này. Nhật Bản vẫn do dự cử Lực lượng phòng vệ hàng hải đến eo biển, do lo ngại có thể làm tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị với Iran. Tuy nhiên, với sức ép từ đồng minh của Mỹ cùng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới đây, như một biện pháp thỏa hiệp, Nhật Bản cho biết đang cân nhắc cử tàu chiến và máy bay trinh thám tới eo biển Bal El Mandeb giữa Yemen và Sừng châu Phi, thay vì tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu bảo vệ tàu tại eo biển Hormuz. Trong một tuyên bố đáng chú ý là Đại sứ Trung Quốc tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất trong tuần này cho biết đang cân nhắc điều chiến hạm hộ tống tàu thương mại ở Vùng Vịnh theo đề xuất của Mỹ. Trước đó, Anh cũng bất chấp sự do dự của Pháp và Đức tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu.
Với những dấu hiệu của các bên đưa ra gần đây, các quan chức Mỹ bày tỏ lạc quan về triển vọng thiết lập một sứ mệnh an ninh hàng hải có sự tham gia của nhiều nước tại eo biển Hormuz. Trước tuyên bố của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua cảnh báo, bất cứ sự hiện diện quân sự nào tại Vùng Vịnh từ bên ngoài khu vực sẽ là mối đe dọa an ninh đối với Iran và nước này sẽ hành động để bảo vệ an ninh đất nước. Iran cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ” trước các hành vi phạm tội trên biển.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Chúng tôi chịu trách nhiệm cho an ninh và an toàn tại khu vực này. Chúng tôi phải đảm bảo an toàn tại Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Đây là an ninh cho tất cả mọi người ,không phải chỉ cho một nước. Điều quan trọng là nhiều khi chúng tôi đã nhắm mắt làm ngơ trước các hành động phạm tội đối với việc duy trì an toàn tại Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, giờ không có lí do để làm điều này. Chúng tôi sẽ đối phó thay vì lờ đi các vi phạm này”.
Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quản lý. Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh./.