Nhiều nước cấm xuất khẩu, cung ứng lương thực toàn cầu có lỗ hổng, thế giới sẽ ra sao?

Hữu Hiển |

Hơn 20 quốc gia trên thế giới gần đây đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Điều này có tác động gì đến an ninh lương thực toàn cầu? Giá lương thực liệu có tăng hơn nữa?

Ấn Độ bắt đầu hạn chế xuất khẩu đường

Bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1/6 đưa tin, chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo, nhằm đảm bảo nguồn cung đường trong nước và ổn định giá cả, từ nay sẽ áp đặt các hạn chế đối với tổng lượng đường xuất khẩu trong nước (bao gồm cả đường thô, đường tinh luyện và đường trắng). Trong niên vụ 2021-2022 (từ tháng 10/2021 đến 9/2022), tổng lượng đường xuất khẩu sẽ được giới hạn ở mức 10 triệu tấn.

Do giá hàng hóa quốc tế tăng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Ấn Độ đã tăng lên mức 7,79%, là mức cao nhất kể từ năm 2014. Do ảnh hưởng của việc giá dầu diesel và phân bón tăng, giá đường trong nước của Ấn Độ cũng đang tăng.

Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ dự đoán, sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ này đạt 35 triệu tấn, tiêu thụ nội địa khoảng 27 triệu tấn, cùng với lượng đường tồn kho từ niên vụ trước sẽ dư thừa 16 triệu tấn.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường rất có khả năng là một biện pháp phòng ngừa trước tình hình giá đường quốc tế đang tăng.

Nhiều nước cấm xuất khẩu, cung ứng lương thực toàn cầu có lỗ hổng, thế giới sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Trong niên vụ 2021-2022 (từ tháng 10/2021 đến 9/2022), tổng lượng đường xuất khẩu sẽ được chính phủ Ấn Độ giới hạn ở mức 10 triệu tấn. Ảnh: Tân Hoa Xã

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang, giá lương thực toàn cầu không ngừng tăng và đã lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, xung đột Nga - Ukraine đang đối mặt với nguy cơ kéo dài, và việc xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine - hai quốc gia nông nghiệp lớn - bị đình trệ lại càng làm cho nguồn cung lương thực toàn cầu trở nên thiếu hụt.

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và giá cả tăng cao, một số nước sản xuất nông sản lớn gần đây đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng, xu hướng bảo hộ thương mại lương thực toàn cầu gia tăng hiện nay sẽ không giúp giảm giá lương thực trong nước, mà còn khiến lạm phát lương thực toàn cầu thêm trầm trọng.

Nhiều nhà máy đường Brazil hủy hợp đồng xuất khẩu

Trang tin Kinh tế Trung Quốc trước đó đưa tin, vào cuối tháng 5, nhiều nhà máy đường ở Brazil – quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới - đã hủy hợp đồng xuất khẩu đường và quyết định tăng sản lượng ethanol để thu lợi từ giá năng lượng cao. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt trên thị trường đường.

Theo một số chuyên gia trong ngành, tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng đường thô xuất khẩu từ Brazil bị hủy hợp đồng là khoảng từ 200.000 đến 400.000 tấn. Người phụ trách thương mại của một công ty đường quốc tế cho biết, các nhà máy đường ở Brazil sẽ bù đắp chi phí hủy đơn đặt hàng bằng doanh thu từ việc sản xuất ethanol thay vì đường.

Do giá năng lượng cao, lượng mía được các nhà máy đường Brazil sử dụng để sản xuất ethanol cao hơn đáng kể so với dự kiến. Điều này sẽ làm giảm nguồn cung đường toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, giá đường cần tăng cao hơn giá ethanol thì mới có thể thúc đẩy sản xuất đường vì các nhà máy đường ở Brazil rất linh hoạt trong việc phân bổ mía cho sản xuất đường hoặc sản xuất ethanol dựa trên giá thị trường.

Nhiều nước cấm xuất khẩu, cung ứng lương thực toàn cầu có lỗ hổng, thế giới sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Các nhà máy đường ở Brazil rất linh hoạt trong việc phân bổ mía cho sản xuất đường hoặc sản xuất ethanol dựa trên giá thị trường. Ảnh: Thepaper.cn

Theo số liệu do Hiệp hội ngành mía đường Brazil (Unica) công bố, trong nửa cuối tháng 4/2022, 23,823 triệu tấn mía đã được ép ở miền trung và miền nam Brazil, giảm 19,72% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng đường là 934.000 tấn, giảm 38,71% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng ethanol giảm 15,79% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 1,094 tỷ lít. Trong niên vụ này, các nhà máy đường sử dụng 37,2% lượng mía để sản xuất đường, so với mức 44,51% ở niên vụ trước.

Hơn 20 quốc gia cấm xuất khẩu lương thực

Mạng tin tức Trung Quốc đưa tin, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), tính đến ngày 28/5, đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới, như Argentina, Kazakhstan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Ma Rốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary… đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu lương thực, bao gồm lúa mì, ngô, bột mì, cà chua, dầu thực vật, đậu…

Phân tích lý do tại sao nhiều quốc gia gần đây ban hành lệnh cấm xuất khẩu lương thực, Lý Quốc Tường - một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – cho biết, thời gian trước, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như xung đột Nga - Ukraine và hiện tượng tăng giá lương thực toàn cầu, xuất khẩu lương thực của một số quốc gia đã tăng mạnh trong ngắn hạn.

Theo ông Lý, trong số các quốc gia đó, do nhận thấy tác động tiêu cực của xu hướng này đối với nguồn cung lương thực của chính mình, cùng với sự biến động mạnh hiện nay trên thị trường lương thực quốc tế và tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, một số nước đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu, chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia.

Nhiều nước cấm xuất khẩu, cung ứng lương thực toàn cầu có lỗ hổng, thế giới sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Ngày 13/5, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra quyết định cấm xuất khẩu lúa mì. Ảnh: Baijiahao

Số liệu thống kê cho thấy, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang vào tháng 2 năm nay, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị thắt chặt, và được kích thích bởi giá cả, lượng xuất khẩu lúa mì trong tháng 4 của Ấn Độ đã tăng mạnh, đạt 1,4 triệu tấn, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Việc các nhà kinh doanh lương thực tư nhân ở Ấn Độ thu mua lúa mì với quy mô lớn đã khiến giá lương thực tại Ấn Độ không ngừng tăng cao. Đồng thời, trong tháng 3, Ấn Độ gặp phải hiện tượng thời tiết nóng nực hiếm gặp, trùng với mùa thu hoạch lúa mì ở nước này, có thể ảnh hưởng tới sản lượng lúa mì. Lường trước những yếu tố bất lợi trên, ngày 13/5, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra quyết định cấm xuất khẩu lúa mì.

Lỗ hổng trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu

Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, giá lương thực quốc tế liên tục tăng, đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua vào cuối năm 2021.

Kể từ năm 2022, xung đột Nga - Ukraine bùng phát, trong khi Nga và Ukraine là hai nước sản xuất và xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, hai quốc gia này chiếm 25% nguồn cung lương thực toàn cầu. Dịch bệnh và các cuộc xung đột cũng đã khiến giá năng lượng toàn cầu tăng cao, đẩy chi phí hậu cần lên và tác động sâu hơn đến chuỗi cung ứng lương thực. Tình hình an ninh lương thực toàn cầu đã "nguy cấp lại càng nguy cấp hơn", và giá lương thực quốc tế tiếp tục tăng.

Cách đây vài ngày, Liên Hợp Quốc đã công bố "Báo cáo khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2022" và cảnh báo rằng, nhân loại có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Có tới 1,7 tỷ người đang phải chịu cảnh đói nghèo, tương đương với cứ 10 người thì có 2 người thiếu ăn.

Nhiều nước cấm xuất khẩu, cung ứng lương thực toàn cầu có lỗ hổng, thế giới sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Nhân loại có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ảnh: Baijiahao

Theo nhà nghiên cứu Lý Quốc Tường, Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, đồng thời Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón quan trọng của thế giới. Do các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, các mặt hàng nông sản của Nga không thể xuất ra thị trường thế giới, khiến cho trật tự thương mại lương thực quốc tế đã có những thay đổi mạnh mẽ trong một thời gian ngắn, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đã hình thành một lỗ hổng.

Cũng theo ông Lý, do xung đột vẫn tiếp diễn, hoạt động sản xuất lương thực của Ukraine cũng bị ảnh hưởng lớn và dự kiến sẽ giảm sản lượng.

Ông Lý nhận định, lỗ hổng này sẽ cần thời gian để điều chỉnh và các biện pháp liên quan đến xuất khẩu lương thực của nhiều nước sẽ hạn chế sự điều chỉnh này. Sự phục hồi của nguồn cung lương thực toàn cầu về mức cân bằng dự kiến ​​sẽ mất thời gian hơn nữa, và thời kỳ giá lương thực quốc tế ở mức cao có thể ​​sẽ còn kéo dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại