Theo Strategy Page, giữa năm 2019, Pakistan thông báo đã đưa tên lửa chống tàu Zarb vào trang bị. Trước đó, đầu năm 2018, nước này đã tiết lộ về sự tồn tại của một hệ thống tên lửa chống hạm di động trên bộ sử dụng tên lửa Zarb. Hệ thống gồm 3 tên lửa, mỗi tên lửa được đặt trong một container/ống phóng gắn trên xe tải 8x8 bánh.
Đầu năm 2016, Pakistan đã bắn thử nghiệm thành công tên lửa Zarb khi nó được sử dụng như một thành phần của hệ thống tên lửa chống hạm trên bộ.
Cho đến nay, có rất ít chi tiết được tiết lộ về Zarb nhưng có vẻ nó là phiên bản được sản xuất nội địa của mẫu C-602 Trung Quốc. Tên lửa C-602 đã được Trung Quốc xuất khẩu từ năm 2005, với khối lượng 1,3 tấn, trang bị động cơ phản lực, có tầm bắn tối đa 280km và mang theo một đầu đạn nặng 330kg.
C-602 sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh để tiếp cận khu vực chứa mục tiêu, sau đó một loại radar khác của nó sẽ tìm kiếm mục tiêu cụ thể để tấn công.
Pakistan đã mua 120 tên lửa C-602 trong năm 2009 nhưng Trung Quốc sẵn lòng cấp phép sản xuất để làm vừa lòng đối tác. Điều này được thực hiện một cách âm thầm, không có thông cáo báo chí hoặc những tuyên bố tương tự.
Tên lửa C-602 của Trung Quốc. Ảnh: China.com
Do Pakistan là khách hàng lớn nhất của vũ khí Trung Quốc nên theo Strategy Page, việc Pakistan có được giấy phép sản xuất trong nước cũng là điều hợp lý, họ đã chế tạo phiên bản C-602 nội địa và gọi chúng là Zarb.
Trung Quốc cũng có một hệ thống phóng di động tương tự như của Pakistan để triển khai các tên lửa C-602 trên bộ.
Ngoài C-602, Pakistan còn trang bị các tên lửa chống hạm C-802A (nhập khẩu từ Trung Quốc) cho tàu chiến và một số loại máy bay quân sự. Tên lửa C-802A dài 6,8m, đường kính 360mm, nặng 682kg và mang theo một đầu đạn nặng 165kg. Nó có tầm bắn tối đa 120km và di chuyển với tốc độ 250m/s.
Iran và Triều Tiên đã sản xuất phiên bản nội địa của C-802. Tương tự như C-602, C-802 có thể được triển khai từ trên bộ, sử dụng các bệ phóng cố định hoặc lắp đặt trên xe tải.
Tên lửa YJ-18. Ảnh: globalsecurity.org
Cho tới năm 2004, Trung Quốc vẫn đang chế tạo các tàu chiến mới trang bị C-602 nhưng tên lửa này giờ đây đã trở nên lỗi thời và dần được thay thế bởi các tên lửa YJ-18 bắn từ ống phóng thẳng đứng (VLS).
YJ-18 được Bắc Kinh đưa vào biên chế năm 2015, có khối lượng 1 tấn, mang đầu đạn nặng 300kg và có tầm bắn tối đa 500km. Nó có thể di chuyển với vận tốc khoảng 900km/h cho tới khi chỉ còn cách mục tiêu tài km. Trong giai đoạn cuối của hành trình bay, YJ-18 có thể lao đến mục tiêu với vận tốc trên 2.500 km/h.
YJ-18 trang bị hệ thống dẫn đường mạnh mẽ hơn C-602 và gần đây đã có thêm phiên bản YJ-18A với những cải tiến cao hơn về độ tin cậy và hệ thống dẫn đường.
Hệ thống phòng thủ Barak 8. Ảnh: indiatvnews
Theo Strategy Page, đối thủ chính của Pakistan hiện nay, không ai khác, chính là Ấn Độ. Các tàu chiến của Ấn Độ hiện được trang bị nhiều loại vũ khí phòng thủ hiện đại, có thể ngăn chặn tên lửa C-602 nhưng nước này có thể sẽ gặp phải rắc rối trước YJ-18 bởi độ tinh vi của nó.
Do đó, New Delhi đã chi một số tiền "khủng" để trang bị các tên lửa Barak 8 (Israel sản xuất) cho một số loại tàu chiến. Barak 8 được thiết kế để xử lý các loại tên lửa chống tàu tốc độ cao. Israel đã cam kết với Ấn Độ rằng họ sẽ tiếp tục nâng cấp tên lửa Barak 8 do Israel cũng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ các loại tên lửa chống tàu của Iran ngoài khơi Lebanon.
Iran cũng là một khách hàng, mặc dù khá kín đáo, của tên lửa Trung Quốc. Tehran đã chế tạo nhiều phiên bản sao chép của vũ khí Trung Quốc mà không hề bị Bắc Kinh chỉ trích.